21
7
Văn hoá/
/van-hoa
3288177
1437867
"Tam giác lửa" - Tam giác thơ thời chống Mỹ
san-sang-tiep-buoc-cha-anh
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

"Tam giác lửa" - Tam giác thơ thời chống Mỹ

“Tam giác lửa” là chữ nhà thơ Hữu Thỉnh dùng đầu tiên, để chỉ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống cuộc phá hoại vô cùng ác liệt của máy bay Mỹ, đặc biệt năm 1972, khi Mỹ đã dùng đến biện pháp cuối cùng để cứu quân đội Sài Gòn. Mỹ cho ném bom  hủy diệt Hồng Gai, Cẩm Phả từ tháng 6-11/1972.

“Tam giác lửa” là chữ nhà thơ Hữu Thỉnh dùng đầu tiên, để chỉ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống cuộc phá hoại vô cùng ác liệt của máy bay Mỹ, đặc biệt năm 1972, khi Mỹ đã dùng đến biện pháp cuối cùng để cứu quân đội Sài Gòn. Mỹ cho ném bom hủy diệt Hồng Gai, Cẩm Phả từ tháng 6-11/1972. Cả TX Hồng Gai bình địa. Tôi có câu thơ viết lúc đó: “Sau một loạt bom…/ Thị xã tối đen/ Như thuở loài người chưa tìm ra lửa/ Núi Bài Thơ cũng chẳng còn hình dáng cũ/ Gió biển đầu phố này thổi suốt cuối phố kia”.

Khi quanh núi Bài Thơ không còn ngôi nhà nào che chắn, hình dáng núi đồ sộ kiêu hãnh rờn rợn đến ghê người. Rồi tháng 12/1972, chúng dùng B52 hủy diệt Hải Phòng, Hà Nội. Trận chúng ném bom phá nát sân Nhà Hát Lớn Hải Phòng, tôi trú ẩn trong một căn hầm gần đấy. Lúc ấy tôi là học viên lớp viết văn khóa 5 của Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng tôi gọi đó là khóa B52. Chỉ có một số nhà văn quân đội và 5-7 anh em tôi “xin xung trận”. Rất lạ là, cách cái chết trong gang tấc mà tuyệt nhiên không sợ hãi. Trước đó khoảng 5 năm, tôi đi trại sáng tác Quân khu 3, được phân công bám sát trận địa Cầu Cầm, Đông Triều của Đại đội dân quân Xuân Sơn do anh Nguyễn Văn Vẹn chỉ huy, để viết tập ký sự “Trận địa bên sông C”. Cảm giác có một luồng hùng khí thiêng liêng như kiểu Kinh Kha nhận lệnh đi sát hại Tần Thủy Hoàng trong thơ Đường xưa, khi nghĩ “Rất có thể hôm nay mình sẽ là liệt sĩ”.

Trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh của cố NSNA Trương Thái.
Trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh của cố NSNA Trương Thái

Các bạn tôi trụ ở Hà Nội, có người về Nam Định như Thanh Tùng (Hải Phòng) để có bài thơ “Những viên gạch ở Hàng Thao”,v.v. Và như vậy có một chảo lửa hình tam giác phủ kín bầu trời miền Bắc những năm ấy, để bủa vây máy bay Mỹ. Ở Quảng Ninh, tôi được ông Ngô Lâm, Hội trưởng Hội Văn nghệ, phân công làm tạp chí “Người Vùng mỏ” số 1, mà bài đầu tiên của số đó là “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của Bác Hồ. Việc đề nghị được xuất bản tạp chí đánh số, lấy tên là “Người Vùng mỏ” cũng là đề xướng của tôi.

Tôi vẫn nhớ bài thơ đầu tiên là “Đánh” của nhà báo Đỗ Kha. Bên cạnh là bài của tôi “Những viên đạn giận dữ”, sau đó đăng báo Nhân Dân: Những viên đạn vút lên máy bay thù giận dữ/ Tôi hiểu đời tôi đã định đoạt rồi/ Tôi sẽ sống và tôi sẽ chết/ Cho Hồng Gai, Hồng Gai ơi!”.

Trung đội Bộ đội địa phương huyện Ba Chẽ chiến đấu bắnrơi máy bay Mỹ ngày 29/7/1967. (Ảnh chụp năm 1967)
Trung đội Bộ đội địa phương huyện Ba Chẽ chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ ngày 29/7/1967. Ảnh tư liệu

Yên Đức ở Uông Bí có “Thung lũng than”, “Đỉnh cao Yên Tử”, “Nguồn sáng”… “Thung lũng nằm dười bầu trời bão thép/ Bom thù ném chật thung lũng hẹp/ Con suối ngàn xưa đang chảy, mất dòng Than bật lên cùng hài cốt cha ông…”.

Đây là hình ảnh nhân dân Uông Bí bảo vệ  nhà máy điện của mình, khi lần đầu tiên nhà máy bị trúng bom: “Người vận áo trái chạy ra từ giấc ngủ/ Người không dép chạy về từ bữa cơm ăn dở/ Mẹ chạy về từ chiếc võng đưa/ Em nhỏ chạy về  từ giữa bài tập đọc…/ Không ai nghe tiếng phả lực gầm rú/ Chùm chùm bom đâm bổ xuống đầu mình…”.

Tống Khắc Hài tiếp nối: “Chúng tôi đi vào nhà máy điện/ Hố bom chồng lên hố bom/ Từng tốp công nhân/ Súng khoác chéo vai, hông trễ túi kìm/ Xăm xăm đổ vào nhà máy/... Lấy máu viết lên tường/ Nếu có hi sinh, hi sinh giữa nhà máy điện…”.

Đến bây giờ đọc lại những câu thơ này, tôi vẫn thấy vô cùng cảm động. Nhiều câu thơ ghi lại các chi tiết đời thường, ngỡ như ta đã quên: “Hòn than của cha, ra đời năm đánh Mĩ/ Như tấm lòng cha, con lớn lên giản dị/ Ngày và đêm nằm hầm/ Chiếc hầm gỗ giằng nhau - Kiểu hầm riêng thợ mỏ/ Ngọn đèn đất vặn nhỏ/ Có tán che phòng không…”.(thơ Lý Biên Cương).

Trí Dũng là kỹ sư xây dựng Nhà máy điện Uông Bí, xuất thân từ Hà Nội trong một gia đình rất giàu sang. Có lẽ thế chăng, câu thơ anh phân biệt được ngay với những câu thơ lấm láp bụi bặm của các đồng nghiệp. Anh có bài thơ Lòng Uông Bí”, viết rất tinh, âm hưởng tươi mới, lời lẽ sang trọng: “Thị xã sơ tán rồi/ Cỏ mọc hè đường ngày nắng tươi/ Cánh cửa sổ nhà ai sao còn để ngỏ/ Ôi những đêm về căn nhà thân yêu cũ Bỗng nhớ một vết tay…”.

Đào Ngọc Vĩnh quê Đông Triều. Anh tốt nghiệp trung cấp mỏ nhưng chưa bao giờ đổ một giọt mồ hôi thợ. Anh bị bệnh suy tim nặng. Mỏ ThanThống Nhất trả lương thợ lò cho anh để anh chỉ có làm thơ. Anh là người có ý thức cách tân thơ sớm nhất ở Quảng Ninh. Ngay dãy phố anh ở, bị bom Mỹ san phẳng, anh xách cái vali to bự, chứa quần áo và sách vở, lên nhà tôi, đưa cho tôi bài thơ anh vừa viết xong. Thơ anh thường dùng rất nhiều vần trắc: “Rừng thơm ngát hoa trứng gà/ Ong lũ lượt bay về mà sắc màu không nhạt/ Những buổi hoàng hôn có đám mây ngũ sắc/ Tầm gửi, phong lan, chen lẫn màu cánh dán/ Chín mọng thanh mai, chi chít khe xanh bờ suối dốc/ Tiếng ve ve đổ rừng già, nắng vàng như rót mật…".

Trong số hơn 100 bài tôi viết suốt cuộc chiến tranh, bài "Chuyện trong hang cấp cứu" của tôi được dịch nhiều ngữ nhất và cũng được in nhiều lần nhất ở nước ngoài: "Người đàn bà ấy ập vào hang cùng với hơi bom/ Lát sau chị đau bụng đẻ/ Chiếc bàn mổ bỗng thành bàn sinh nở/ Chúng tôi nén đau, không ai nỡ rên/ Phải để chị sinh con trong những phút bình yên...". 

Nhiều tác giả khác mà tôi không dẫn ra hết được, những tên tuổi rất được trân trọng như Lê Hường, Triệu Nguyễn, Sỹ Hồng, Nguyễn Châu, Ngô Xuân Hội, Vũ Khiêm, Thi Sảnh, Trần Tâm, Trần Ngọc Tảo, Phạm Doanh, Long Chiểu, Phạm Hồng Nhật, Nguyễn Thị Xuân, Trần Đình Nhân, Trần Thúy Giang, Trần Đình Thắng, Dương Phượng Toại, Đỗ Văn Luyến…

Quảng Ninh và Hải Phòng có nhiều quan hệ gần gũi, nhất là về lịch sử và đời sống công nghiệp. Suốt thời giúp việc Chủ tịch Hội Ngô Lâm, tôi đã đề xuất nhiều hoạt động gắn kết để học Hải Phòng. Ngay từ thời chiến tranh đã xuất bản 3 tập thơ chung và tiến hành 2 cuộc hội thảo lớn, còn giao lưu gặp gỡ dường như thường xuyên. Đến già, tôi mới hiểu mình học được nhiều nhất là từ Nguyễn Đình Thi và Nguyên Hồng. Rồi Văn Cao, Thế Lữ, Lê Đại Thanh, Nguyễn Viết Lãm… Thế hệ sau, nhiều nhà thơ sung mãn, nguồn lực dồi dào luôn bổ sung cho nhau: Hoàng Hưng, Trúc Chi, Hải Như, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Vân Long, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, Vũ Châu Phối, Trịnh Hoài Giang, Trần Lưu, Phạm Ngà, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Quốc Minh, Đoàn Min, Mai Văn Phấn, Vũ Thị Huyền, Dư Thị Hoàn…

Thơ Hải Phòng, vạm vỡ gân guốc, giàu chất trí tuệ, có cái cháy bỏng của các loạt pháo phòng không, nhưng cũng có cái bỏng rát của các lò nung, cái ngang tàng của biển cả. Hải Phòng đánh trả quyết liệt, trụ vững sau những cuộc chà xát của  bom B52: Trung dũng đất Hải Phòng ta đó/ Hôm nay đang đốt bỏng quân thù/ Cầm chắc súng những bàn tay thợ/ Giữ đến cùng trời biển tự do/ Những mũ sắt nhấp nhô trong tối/ B52 rít xé tơi bời/ Giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa/ Đạn bay làn chợp đỏ vòm mây… (Nguyễn Đình Thi).

Khác với tính chừng mực tiết độ có phần đơn giản một chiều của nhiều bài thơ Quảng Ninh, thơ Hải Phòng thường đi đến tận cùng những xúc cảm về một “thành phố kềnh càng lộc ngộc”. Ngay trong chiến tranh, bên cạnh những câu thơ máu lửa, quả cảm, căm thù và thương đau, vẫn có thơ tìm về những suy tư và nỗi niềm của con người: “Tôi không sợ B52, không sợ đói ăn, không sợ những lời ác độc/ Nhưng yêu thương có lúc hóa bạo tàn”“Tiếng còi tầu mờ ảo trong sương/ Chân dán chạy, muội dầu, mắt cô gái điếm/ Dấu nhật ấn trên con tem bưu điện/ Gửi về đâu địa chỉ tuổi lên mười…” (Thi Hoàng)

Hà Nội vẫn là đất hào hoa phong nhã. Xưa có câu “Thăng Long phi chiến địa”? Có lẽ thế chăng mà thơ Hà Nội ngay trong cuộc chiến gay gắt nhất vẫn có cái gì bình tâm và dường như không đi vào trung tâm của những xung đột. Trần Đăng Khoa có đoạn thơ: “Hà Nội có nhiều hoa/ Bó từng chùm cẩn thận/ Chú bộ đội mua hoa/ Tươi cười ra mặt trận”.

Vào cuộc chỉ đến mức như Xuân Quỳnh, trong một đoạn thơ: “Ta đứng trong chiến hào/ Nắng mưa mài trên mũ/ Chân mấy lần thay giầy/ Mắt quen đêm không ngủ”… Cái các nhà thơ Hà Nội chú ý nhiều hơn là vẻ đẹp của tinh thần trong chiến tranh, người Việt Nam, không những không bị gục ngã, kể cả trước các cuộc giải thảm bằng B52, mà trái lại, nghị lực được tăng cường, đội ngũ càng mạnh lên, lòng tin tất yếu vào sự chiến thắng. Tôi nhớ có một bài báo đăng ở Pháp có ảnh anh bộ đội mắc võng dù, ngủ ban ngày  dưới hàng cây xanh bên Hồ Gươm, mọi người đi qua vẫn để cho anh  yên  ngủ - điều ở nước ngoài không bao giờ có. Nhà báo viết rằng: Người Hà Nội vẫn bình tâm đến như thế. Và người lính được mọi người yêu mến trân trọng đến mức như thế, Việt Nam nhất định sẽ thắng Mĩ.

Thơ Hà Nội cũng vậy. Bình tâm và lạc quan. Thơ Vũ Quần Phương: “Trực chiến về mẹ lại hát ru con/ Lối ngõ thôn, thơm mùi ổi chín/ Đêm êm lành con cứ ngủ ngoan đi/ Cây súng mẹ đã treo lên đầu cột/ Con cứ mơ theo cánh cò trắng muốt/ Cơn mơ gần, mơ tiếp giấc mơ xa”…  Ngay trong trận bom B52, thơ Bằng Việt: “Ba hồi trút xuống cuồng điên/ Bốn nhăm phút nữa lại thêm ba hồi/ Tóc em đất lấm như vùi/ Cứu thương ánh mắt trong ngời, vẫn em… ”.

Trước ngày 30/4/1975, nhiều nhà thơ còn ở trên chiến trường. Bây giờ chúng ta đọc lại thơ chiến đấu trong lửa đạn năm nào, mà tin vào mình hơn, mà bước tới những cuộc kiến tạo mới, với trí tuệ và quả cảm hơn.

Cùng chuyên mục