21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3352773
1498213
Sông Cầm, một thuở đạn bom...
song-cam-mot-thuo-dan-bom
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Sông Cầm, một thuở đạn bom...

Sông Cầm dài 20km, bắt nguồn từ dãy Yên Tử chảy qua các xã, phường của Đông Triều rồi đổ vào sông Kinh Thầy ở ngã ba Đá Vách, hoà dòng vào sông Bạch Đằng đổ ra biển. Cầu Cầm bắc qua sông Cầm trên Quốc lộ 18 xinh đẹp in bóng xuống dòng sông cổ tích. Hơn 50 năm trước, cây cầu từng là một mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhưng cũng chính tại đây, chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.

Sông Cầm dài 20km, bắt nguồn từ dãy Yên Tử chảy qua các xã, phường của Đông Triều rồi đổ vào sông Kinh Thầy ở ngã ba Đá Vách, hoà dòng vào sông Bạch Đằng đổ ra biển. Cầu Cầm bắc qua sông Cầm trên Quốc lộ 18 xinh đẹp in bóng xuống dòng sông cổ tích. Hơn 50 năm trước, cây cầu từng là một mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhưng cũng chính tại đây, chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.

Ký ức khó quên

Những năm 60 của thế kỷ 20, để ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của quân dân miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đông Triều quê tôi bước vào cuộc sống thời chiến. Máy bay phản lực Mỹ siêu tốc độ. Vừa nghe tiếng động, bom đã nổ ở mục tiêu. Tin về hàng ngày, hàng giờ máy bay Mỹ ném bom cầu, đường, kho xăng, nhà máy, trường học, bệnh viện thiệt hại nhà cửa, con người... Ai cũng căm thù. Rồi tin máy bay Mỹ bị bắn cháy khắp nơi trên miền Bắc. làm nức lòng người dân.

Ngày 17/7/1966, hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ, toàn dân quê tôi cùng cả nước thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với tinh thần “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Các phong trào: “Thanh niên ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”, “Tiếng hát át tiếng bom”… diễn ra sôi nổi. Lớp lớp thanh niên Đông Triều hăng hái xung phong, làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào Nam đánh giặc. Nhiều gia đình đã có 2- 3 con đang đánh giặc trên mặt trận vẫn làm đơn tình nguyện cho đứa con tiếp theo nhập ngũ. Nhiều sĩ quan quân đội đã phục viên xuất ngũ, chuyển ngành cũng làm đơn tái ngũ.

Thời gian này, Trường cấp 1- 2 Xuân Sơn, nơi tôi học tiễn thầy Nguyễn Đức Thấm, thầy Nguyễn Cao Thế lên đường nhập ngũ. Thầy Thấm sau đó hy sinh ở chiến trường. Thầy Thế may mắn mạnh khỏe trở về tiếp tục dạy học. Trong những bài giảng thầy hay lồng các chi tiết, các trận đánh ở chiến trường khiến chúng tôi rất hứng thú học tập và nhớ bài lâu. Gia đình tôi có chú Điểm, cậu Cầm tái ngũ. Nhiều các bạn trong lớp, học xong lớp 7 (hết cấp hai đã đủ 17-18 tuổi) như các anh: Cậy, Líu, Trường, Được, Thắng, Toán, Nho, Nguyễn... náo nức lên đường tòng quân.

Cầu Cầm hôm nay. 50 năm trước, nơi đây từng là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ.
Cầu Cầm hôm nay. Hơn 50 năm trước, nơi đây từng là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ.

Là học sinh, chúng tôi thi đua thực hiện lời Bác dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, phong trào “Làm nghìn việc tốt”, chăm trâu béo, trâu khỏe, góp giẻ cho các chú bộ đội lau súng, làm vệ sinh sạch làng, đẹp xóm... Trong làng, người lớn, trẻ con đều có việc của mình. Những buổi sinh hoạt liên đội, chị tổng phụ trách đọc cho chúng tôi nghe những tấm gương thiếu niên khắp nơi có nhiều thành tích được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu của Người. Những câu chuyện, những tấm gương của các anh chị, các bạn góp phần hun đúc trong chúng tôi lòng yêu nước, muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc đánh Mỹ.  

Tất cả chúng tôi đều đội mũ rơm đến lớp để tránh bom bi và mảnh bom, đạn. Giao thông hào chằng chịt trong lớp học và ngoài sân trường. Có thời gian, máy bay oanh tạc gắt gao, chúng tôi học ban đêm. Mỗi đứa một cái đèn Hoa Kỳ, có tờ giấy khoanh lại làm chụp vừa lấy ánh sáng vừa làm giảm ánh sáng hắt ra ngoài. Có tiếng máy bay, chúng tôi tắt đèn, nhanh chóng xuống hầm. Máy bay đi xa lại vào học bình thường. Làng Mễ Sơn của tôi xa cầu Cầm hơn nên các lớp học dưới xã lên làng tôi sơ tán. Một số nhà dân rộng rãi cho nhà trường mượn làm lớp học. Nhà kho, nhà trẻ, nhà chùa... đều được tận dụng làm phòng học. Thời chiến là thế nhưng phong trào học tập vẫn diễn ra sôi nổi. Tôi nhớ mãi những buổi liên hoan văn nghệ của các anh chị lớp trên diễn kịch “Anh Trỗi ra pháp trường” rồi “Nổi gió” trong sách giáo khoa. Các thầy cô cũng tham gia đóng kịch. Thầy Quí hiệu trưởng có mái tóc xoăn bồng bềnh màu vàng, sống mũi cao, thầy vào vai nhà báo Mỹ trông cứ như thật. Anh học sinh lớp 7 vào vai anh Trỗi, bị trói vào cột và bịt mắt, anh đã giật tấm băng xuống, đạn nổ (là quả pháo tép) anh hô to: “Đả đảo Đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm!” rất cảm động. Tôi giấu mặt đi lau nước mắt.

Nhà bá ruột tôi cách cầu Cầm khoảng 800m đường chim bay, cả xóm bị rocket của máy bay Mỹ, nhà cửa bị phá hủy, thóc lúa, quần áo chỉ còn là đống tro. Bá gạn trong đống tro được ít gạo, nấu vàng khè khét lẹt, không thể ăn được. Những ngày sau đó, bá tôi vẫn trở lại làng, sửa lại nhà, tiếp tục lao động sản xuất. Bố tôi đào hầm ngay dưới gốc bụi tre già rất to. Hầm đất sét, những cái rễ tre kết vào thớ đất làm cho mái hầm rất chắc chắn. Bố tôi khoét hầm thành ba ngách, mỗi ngách rộng 1,2m, dài 3-4m, chứa được đến hơn chục người. Bố còn dựng cái chòi để ông và chúng tôi ngồi ngay cửa hầm, có động là xuống hầm ngay. Một đêm phải chạy ra hầm rất nhiều lần. Nhiều đêm máy bay bắn phá, bố tôi đứng ở cửa hầm quan sát, bố nói đạn ta bắn lên sáng rực trời. Bộ đội ta giỏi thật. chắc có nhiều máy bay trúng đạn.

Trung đội dân quân trực chiến

Nhắc đến những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, không thể không nói đến trung đội dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ của Xuân Sơn.

Đã trên nửa thế kỷ trôi qua, biết bao biến thiên trong cuộc bể dâu, người mất, người còn. Tôi tìm đến nhà ông Cao Sơn Đàm, là một trong những khẩu đội trưởng của đội dân quân trực chiến ngày ấy. Ông Đàm sinh năm 1947, nay vẫn rất mạnh khỏe, linh hoạt. Khi được hỏi về trung đội trực chiến, ông vui lắm. Qua lời kể của ông, tôi phần nào hình dung ra khí thế, trách nhiệm và đặc biệt là sự dũng cảm, ngoan cường của các anh chị trong đội trực chiến ngày ấy.

Tháng 6/1964, chấp hành chỉ thị của tỉnh Quảng Ninh, Đảng bộ huyện Đông Triều, Hội đồng Phòng không nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã, nhất là các trọng điểm (có cầu đường, xí nghiệp, nhà máy...) xây dựng tổ trực chiến. Đảng ủy xã Xuân Sơn khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để vừa lao động sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm 1964, Tổ dân quân trực chiến được thành lập. Ban đầu có ba người: Nguyễn Văn Vẹn (tổ trưởng), Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Văn Hộn (tổ viên). Năm 1965, có thêm các anh, chị: Cao Sơn Đàm, Nguyễn Thị Len, Nguyễn Văn Lệ, Dương Thị Năm, Dương Thị Sông, Nguyễn Thị Tấc, Nguyễn Văn Nẻ, Nguyễn Thị Vạng, Nguyễn Văn Tựa... Sau đó phát triển thành trung đội dân quân trực chiến. Thời gian đầu có một khẩu đội, đắp công sự ngay trên lô cốt đầu cầu, về sau di chuyển về gần khu bến Miếu, cách cầu gần 500m. Các anh chị ngày đêm có mặt bên súng, sẵn sàng chiến đấu.

Tác giả (hàng sau, bên trái) cùng trung đội dân quânTrực chiến cầu Cầm
Tác giả (hàng sau, đầu tiên bên trái) cùng các cựu dân quân của Trung đội dân quân trực chiến cầu Cầm.

Ngày 8/11/1965, nhiều tốp máy bay, phản lực từ dãy núi Yên Tử lao tới đánh phá cầu Cầm, thả bom và bắn rocket. Với tinh thần cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu, dân quân hai xã Xuân Sơn, Hưng Đạo, tự vệ Xí nghiệp Gỗ và Cửa hàng Vật liệu xây dựng Cầu Cầm đã đánh trả kịp thời máy bay địch. Mảnh đạn, lửa cháy, tiếng nổ, tiếng máy bay gầm rít... Khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Vẹn vẫn bình tĩnh chỉ huy, động viên anh em vững tâm chiến đấu. Bị lưới lửa của dân quân và các lực lượng pháo phòng không hợp đồng, máy bay địch hoảng sợ, dội bom, bắn đạn lung tung rồi bỏ mục tiêu. Cầu Cầm vẫn hiên ngang sừng sững kiêu hãnh trên dòng sông. Tuy không phá được cầu nhưng đang trong giờ làm việc nên sự tổn thất về người và của rất lớn. Nhiều ngày sau việc đào bới tìm thi thể công nhân vẫn tiếp tục diễn ra. Sau trận đầu, Huyện ủy tuyên dương đội trực chiến và rút kinh nghiệm. Các đồng chí nhận định, rồi đây, địch sẽ tăng cường đánh phá rộng hơn, ác liệt hơn, vì vậy cần tăng cường cảnh giác, bám trận địa, giữ vững tinh thần quyết chiến đấu trong mọi tình huống dù gay go ác liệt nhất.

Năm 1966, máy bay địch đánh phá Đông Triều tới 75 lần.

Thời gian này đội được trang bị  1 khẩu 12,7mm, 5 khẩu đại liên, tổ chức làm 6 phân đội. Trong những giờ trực chiến, lúc chờ giặc tới, các anh chị tiếp tục trau dồi kiến thức bắn súng cơ bản, luyện tập các tình huống bắn máy bay trúng mục tiêu, giúp nhau học thêm văn hóa. Trong tổ có anh Nẻ chưa biết chữ đã được anh Nguyễn Văn Hậu kèm cặp cho biết chữ.

Các anh chị trong đội trực chiến và nhân dân Xuân Sơn không bao giờ quên ngày 15/8/1966, đó là một sự kiện, một mốc son đáng nhớ. Khoảng 13h30 hôm ấy, một tốp máy bay từ phía Đông, vòng phía Tràng Lương rồi lao ra đánh phá cầu Cầm. Chúng thay nhau lao xuống cắt bom. Tiếng máy bay gầm rít, tiếng bom, đạn nổ, khói và lửa ngùn ngụt. Chúng điên cuồng tổ chức nhiều đợt tấn công tới tấp. Trung đội tự vệ với khí thế căm thù giặc, quyết chiến đấu đến cùng. Bom đạn là thế, các anh chị vẫn ngẩng cao đầu tay sẵn sàng trên cò súng chờ nhả đạn. Một chiếc lao xuống, cái đầu nhọn của nó trông thật hung hãn. Lệnh phát ra từ đồng chí chỉ huy Nguyễn Văn Vẹn ngắn gọn và đanh thép: “Cự ly 500m, điểm xạ dài... Bắn!”. Các phân đội nhất loạt nổ súng. Chiếc máy bay trúng đạn loạng choạng, ngóc đầu lên, phụt ra ngọn lửa đỏ và luồng khói... Những chiếc khác hoảng hốt, loạn xạ cắt bom xuống sông, xuống bãi tháo chạy. Cả trận địa và nhân dân trên đồng gần đó reo mừng. Các anh chị nhảy lên công sự ôm nhau sung sướng. Cầu Cầm bị trúng bom gãy một nhịp. Từ trên đài quan sát Đồn Cao, các đồng chí chỉ huy Huyện đội xuống ngay trận địa, chúc mừng anh chị em trong đội trực chiến. Đây là chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.

Bia lưu niệm
Đài chiến thắng bên sông Cầm - lưu niệm sự kiện ngày 15/8/1966, quân và dân xã Xuân Sơn đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời Quảng Ninh.

Chiến công dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Bác Hồ gửi thư khen. Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng nhất. Bộ Tư lệnh Quân khu đến thăm tặng quà kèm theo chiếc đài bán dẫn. Đoàn đại biểu quân đội Cuba đã về xã Xuân Sơn tham quan học tập kinh nghiệm bắn máy bay giặc Mỹ bằng súng bộ binh. Nữ dân quân Nguyễn Thị Len thay mặt anh chị em trung đội được vinh dự sang thăm đất nước Cuba anh em. Các anh chị trong 6 khẩu đội trực tiếp bắn máy bay đều được tặng Bằng khen của Quân khu.

Trong những tháng năm giặc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc không chỉ có cầu Cầm bị bom đạn phá hủy nhiều lần, mà cầu Ky (cầu đường sắt) phía thượng nguồn sông Cầm cũng bị bắn phá. Đêm 9/7/1972, máy bay Mỹ ném bom vào đúng khu ruộng các bà, các chị đang cấy, làm bảy người bị chết. Máu đỏ loang trên cánh đồng.

Theo thống kê, từ năm 1965-1972, không quân Mỹ đã đánh vào Đông Triều 336 trận, ném xuống 1.097 quả bom phá, 441 quả bom bi mẹ, bom xuyên, 244 quả tên lửa và rockét, đánh vào 86 mục tiêu, nhiều cầu cống, đường xá, bến cảng, kho tàng, phương tiện, trường học, nhà ở của nhà nước và nhân dân bị phá huỷ. Thống kê, để thấy được sự ác liệt, sự hung hãn, tàn bạo của Đế quốc Mỹ và càng khẳng định các anh chị trong trung đội dân quân trực chiến thật gan dạ, kiên cường.

Các anh chị trong Trung đội dân quân trực chiến có anh Nguyễn Văn Hậu tốt nghiệp cấp III nhưng không đi học đại học mà ở nhà tham gia đội trực chiến. Sau này anh vào học Trường Đại học Hàng Hải, sau trở thành Giám đốc Cảng vụ Quảng Ninh. Chị Nguyễn Thị Phượng tham gia công tác Đoàn Thanh niên xã, sau là Chủ tịch xã Tràng An. Chị Nguyễn Thị Len giữ cương vị Phó Bí thư Huyện Đoàn Đông Triều. Anh Đàm lên đường nhập ngũ cuối năm 1966, là sĩ quan, phục vụ trong quân đội đến năm 1991 về hưu. Nhiều anh chị nữa cũng tham gia học tập, công tác và nhập ngũ. Dù đi đâu, ở đâu, các anh cũng luôn cố gắng phấn đấu xứng đáng là những người con của Xuân Sơn, Đông Triều anh dũng. Trung đội trực chiến được bổ sung thêm quân số, cùng các anh chị khác còn lại vẫn bám trận địa, cho đến sau ngày ký Hiệp định Pari (tháng 1/1973).

Với tinh thần phát huy truyền thống cha anh, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến giữ quê hương đất nước, đặc biệt với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 24/6/2005, nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang xã Xuân Sơn đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 18/12/2005, tại khu vực trận địa bắn máy bay giặc Mỹ năm xưa bên bờ sông Cầm, xã Xuân Sơn đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu cao quý này.

Tới nay, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vẹn và nhiều các anh chị khác đã mất. Chỉ còn 20 anh chị cựu dân quân ngày nào sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh của xã như những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả đều rất tự hào đã được tham gia vào đội dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ những năm ác liệt ấy. Hàng năm, các anh chị lấy ngày 15/8 (ngày bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh) là ngày truyền thống của trung đội, để gặp gỡ, ôn lại những tháng ngày sôi nổi, đáng nhớ.

Gần hai thiên niên kỷ đã đi qua, sông Cầm vẫn còn đó. Dòng sông vẫn miệt mài bồi đắp bãi bờ, rì rầm kể những câu chuyện của vùng đất anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Quốc lộ 18 được nâng cấp, mở rộng gấp nhiều lần. Cầu Cầm cao rộng vững chãi, thênh thang, đưa đón những chuyến xe qua. Bản tình ca dựng xây quê hương hòa quyện bản hùng ca giữ nước mãi ngân cùng trời đất.

Cùng chuyên mục