Ngay sau khi tiếp quản Vùng mỏ từ tay thực dân Pháp (25/4/1955), nhân dân Quảng Ninh đã bắt tay vào xây dựng xã hội chủ nghĩa với tinh thần hăng hái của người được làm chủ vùng than, vùng biển trời Đông Bắc giàu đẹp. Chính vì vậy, Vùng mỏ khi ấy không chỉ là nơi cung cấp sức người, sức của quan trọng cho tuyến lửa miền Nam mà còn là trọng điểm đánh phá của không quân giặc Mỹ. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, người Quảng Ninh đã oanh liệt dệt nên những bản hùng ca mà dấu tích còn lại tới hôm nay là hàng chục di tích trải dài ở nhiều vùng đất trên địa bàn.
Trận địa pháo cao xạ - nơi ghi dấu những chiến công
Các trọng điểm sản xuất than của Vùng mỏ khi ấy như Hòn Gai, Cẩm Phả là những nơi gánh chịu nhiều đợt không kích phá hoại của giặc Mỹ. Lực lượng tự vệ các đơn vị cùng với bộ đội ta đã phối hợp sử dụng pháo cao xạ để chống trả, ghi lại những chiến công oanh liệt. Ở Cẩm Phả, trận địa pháo năm xưa hiện nằm trong cụm di tích Cầu Poóc tích 1 - trận địa pháo cao xạ - hầm chỉ huy của Công ty Tuyển than Cửa Ông, tại phường Cửa Ông.

Theo các tài liệu, trận địa pháo 37mm này ra đời gắn liền với sự thành lập Đội tự vệ Xí nghiệp Bến Cửa Ông năm 1965. Có diện tích khoảng 20.000m2, tại đây được đặt 4 khẩu 37mm và bố trí theo hình thang (từ khẩu đội 1 đến khẩu đội 4), quay theo các hướng khác nhau. Trận địa này có vị thế trọng yếu, sát Quốc lộ 18A, nối liền giữa miền Đông và miền Tây của tỉnh. Từ trên đồi pháo có thể nhìn ra toàn cảnh nhà máy, xí nghiệp, bến cảng Cửa Ông… Hầm chỉ huy số 1 nằm về phía Đông Bắc của Công ty Tuyển than Cửa Ông, trong lòng một quả đồi có độ cao khoảng 35m. Toàn bộ hệ thống hầm có 3 cửa chính ra vào và được đào theo kiểu chữ Y thông nhau. Hầm có chiều cao 2,2m, rộng 2m, làm bằng bê tông cốt thép có độ dày tới 20cm. Đây là hệ thống hầm từng được Pháp xây dựng làm hầm cố thủ trong cuộc chiến tranh với phát xít Nhật từ những năm 1944-1945.

Kiên cường chiến đấu, từ năm 1965-1972 trận địa pháo cao xạ 37mm do Đại đội tự vệ Phân xưởng Sàng phụ trách, đã góp phần cùng nhân dân Cửa Ông và TX Cẩm Phả khi ấy đánh lui hàng trăm đợt không kích của địch, bắn hạ nhiều máy bay phản lực của Mỹ, giữ cho nhà sàng, cầu, cảng bến hiên ngang đứng vững, đảm bảo dòng than cho Tổ quốc. Những thành tích đáng tự hào này đã được ghi dấu bằng nhiều danh hiệu cao quý. Cụ thể, năm 1960 và năm 1963, Đại đội tự vệ Phân xưởng Sàng đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị ba nhất” toàn miền Bắc. Năm 1965, đơn vị được tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” đầu tiên của khu Hồng Quảng. Năm 1966, Đại đội được Trung ương Đoàn trao cờ Nguyễn Văn Trỗi và tháng 1/1967 được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đơn vị Anh hùng đầu tiên của Vùng mỏ…
Ở vùng than Hòn Gai, trận địa pháo 37mm của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai tại phường Hồng Gai, cũng là nơi ghi dấu sự chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ tự vệ đơn vị trong công cuộc đánh trả không quân Mỹ, bảo vệ đất nước. Theo ghi chép, ngày 20/8/1960, Xí nghiệp Bến Hòn Gai được thành lập, Đội tự vệ của đơn vị cũng ra đời. Đội bao gồm công nhân làm việc ở các phân xưởng, nhà máy, nhà sàng, than luyện, hỏa xa..., được huấn luyện quân sự, sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đến năm 1968, Đại đội pháo cao xạ 37mm được thành lập thuộc Xí nghiệp Bến Hòn Gai, gồm có 4 khẩu đội pháo với biên chế 44 người do anh Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng.

Trận địa pháo khi đó được đánh giá có vai trò quan trọng trong tác chiến phòng thủ, xây dựng thế trận phòng không nhân dân tại địa phương. Bởi ngay dưới trận địa pháo là Vịnh Hạ Long, bến phà Bãi Cháy, liền kề bến phà là cảng than với hệ thống sàng tuyển, vận tải, bốc rót... đang ngày đêm hối hả. Tiếp đó là hàng vạn dân TX Hòn Gai.
Đại đội đã tham gia rất nhiều trận đánh, ghi nhiều chiến công. Trong chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 bảo vệ bầu trời Vùng mỏ, các chiến sĩ tự vệ bến Hòn Gai đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ khác tạo nên lưới lửa, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên phi công Mỹ E.Alvarez khi hắn nhảy dù xuống Vịnh Hạ Long…

Trận chiến đấu ác liệt nhất là vào ngày 12/7/1972. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát đã hy sinh cùng với 3 đồng đội khác, 28 người bị thương. Lá cờ lệnh mà anh cầm trong trận chiến hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Đầu năm 1973, Đại đội pháo cao xạ 37mm vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng một lẵng hoa mừng chiến công. Xí nghiệp Bến Hòn Gai và liệt sĩ Đặng Bá Hát được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần lượt vào các năm 1973, 1995. Năm 2006, tên của Đại đội được đổi thành Đại đội Đặng Bá Hát, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai. Hiện nay, đây cũng là đơn vị tự vệ duy nhất trong ngành Than làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h, bảo vệ khu vực phòng thủ trên địa bàn TP Hạ Long.
Cùng với di tích trận địa pháo của ngành than, ở Quảng Ninh hiện còn lưu dấu 2 di tích tương tự. Ở vùng đất Đông Triều, di tích Trận địa pháo cao xạ 12,7mm tại khu Xuân Viên, phường Xuân Sơn, ghi dấu những chiến công của phân đội súng máy trực chiến của dân quân xã Xuân Sơn năm xưa, trong đó có chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh vào ngày 15/8/1966. Chiến công này đã được Bác Hồ gửi thư khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Chiến công này cũng góp phần vào thành tích chung của Xuân Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 24/6/2005, quân và dân xã Xuân Sơn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Còn ở vùng đảo Vân Đồn, Trận địa pháo 12,7mm của dân quân xã Ngọc Vừng đã từng bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh vào ngày 24/12/1972. Khi đó, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Ngọc Vừng trở thành nơi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Số bom đạn mà chúng đã ném xuống đây chiếm tới 2/3 số lượng bom đạn mà chúng ném xuống huyện Vân Đồn (huyện Cẩm Phả cũ). Chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ đã góp phần vào chiến công chung của quân dân Ngọc Vừng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngày 31/12/1973, quân dân Ngọc Vừng được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Nhiều lần được ghi tên vào lá cờ Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân dân Đông Bắc cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lao động sản xuất, chi viện cho miền Nam
Không chỉ trong chiến đấu, Vùng mỏ Quảng Ninh anh hùng còn nhiều di tích ghi dấu những chiến công trong lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên núi Bài Thơ giữa lòng TP Hạ Long, Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh (1964-1975) là di tích ghi dấu những chiến công của cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện trước và trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, để đảm bảo nguồn thông tin liên lạc từ Hà Nội xuống và từ Hòn Gai đi các nơi được bảo đảm an toàn. Nơi đây cũng đồng thời ghi dấu sự hy sinh dũng cảm của nữ cán bộ trẻ Nguyễn Thị Lạt ngày 9/6/1972.
Đến nay, dấu tích Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ vẫn còn gần như nguyên vẹn, bao gồm: Hệ thống hang tổng đài, hang sơ tán của tổ chỉ huy, tổ xử lý đường dây điện thoại, hang trú ẩn, cột ăng ten Vi ba. Các nhà Cơ vụ, Nhà tổng đài, nhà Vi ba do chiến tranh và thời gian nên chỉ còn nền móng và tường cũ. Ngoài ra, di tích còn giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị như: Máy thu Vi ba RVG 950, máy phát Vi ba RVG 950, máy tải ba TVT4, tổng đài 60 và máy điện thoại xử lý đường dây.
Các di tích hang núi đá ghi dấu quá trình sơ tán, lao động sản xuất của cán bộ, quân dân Vùng mỏ trong kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Ninh cũng còn nhiều. Ở TP Hạ Long có thể kể đến di tích Hang sơ tán của Tỉnh uỷ trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Thống Nhất, di tích Hang Hà Lùng tại xã Sơn Dương. Đây cũng từng là nơi sơ tán đảm bảo an toàn cho cơ quan Tỉnh uỷ cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân (kiêm Quân khu Đông Bắc) cùng nhiều cơ quan, đơn vị, cửa hàng, kho tàng, bệnh viện, trạm xưởng, cơ quan văn hoá của tỉnh…, giai đoạn từ năm 1965 đến khi cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kết thúc thắng lợi (1968). Hà Lùng là hệ thống hang, mái đá có diện tích rộng, liên thông với nhau chạy dài hàng trăm mét trong lòng núi đá và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến nay. Ở TP Cẩm Phả có 2 di tích hang sơ tán đều nằm trên địa bàn phường Cẩm Thạch. Trong đó, di tích Hang núi đá Chồng là nơi sơ tán của Nhà máy cơ khí Cẩm Phả; di tích Cụm hang Bệnh viện là nơi sơ tán của Bệnh viện thị xã Cẩm Phả năm xưa.
Gắn với sản xuất than, điện ở Quảng Ninh trong chiến tranh, di tích Nhà máy điện Uông Bí tại phường Quang Trung ghi dấu một trong những trọng điểm đánh phá của Mỹ năm xưa. Công trình hiện nằm trên phần đất của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, còn cột ống khói, một số vòm bảo vệ máy, một vài dây trượt, một hầm lớn nguyên vẹn hiện vẫn là nơi bảo vệ các bình khí hyđrô… Lò giếng đứng Mông Dương tại phường Mông Dương (Cẩm Phả), do Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin quản lý, là chứng tích về một phương pháp khai thác than độc đáo chỉ có tại mỏ Mông Dương. Công trình cũng thể hiện sự phát triển về KHCN, đặc biệt là thể hiện tình hữu nghị Việt - Xô trong giai đoạn Quảng Ninh nói riêng, miền Bắc nói chung phục hồi phát triển kinh tế sau chiến tranh.
Qua ghi chép cho thấy, di tích gồm 5 bộ phận cấu thành là khối giếng đứng chính, khối giếng đứng phụ, trạm quạt thông gió, kho chứa than và nhà điều hành sản xuất được xác định là những di tích nguyên gốc, chưa có sự biến dạng kể từ khi phục hồi và xây dựng vào năm 1967.

Bên cạnh đó, còn có thể kể đến di tích ghi dấu tội ác giặc Mỹ tại khu phố Lê Hồng Phong, phường Cẩm Tây (TP Cẩm Phả), đã được lập bia ghi dấu lại bên cạnh sự phát triển của thành phố hôm nay. Ở TP Hạ Long là di tích Bến phà Bãi Cháy tại phường Hồng Gai, là nơi rút quân cuối cùng của thực dân Pháp cũng là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Rồi di tích Lưu niệm sự kiện thành lập Binh đoàn Than tại phường Hồng Gai. Tại đây, ngày 30/7/1967, hơn 1.000 chiến sĩ thuộc Binh đoàn Than đã lên đường chi viện, đóng góp vào cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Ở Vân Đồn là di tích Nơi bắt sống giặc lái Mỹ tại thị trấn Cái Rồng năm 1966, di tích Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển tại xã Vạn Yên ghi dấu nơi xuất phát của những Đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam năm xưa...
Hiện nay, các di tích kể trên đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh hoặc đưa vào danh mục kiểm kê phân loại, đa số được gìn giữ, bảo vệ tương đối tốt. Dù vậy, số di tích đã được đầu tư trùng tu vẫn còn hạn chế. Mong rằng, các đơn vị, địa phương sẽ quan tâm hơn nữa để ngày càng có nhiều hơn những công trình được đưa vào kế hoạch tu bổ, tôn tạo, góp phần phát huy giá trị về giáo dục lịch sử cách mạng đối với các thế hệ, nhất là lớp trẻ hôm nay.