21
3
Xã hội/
/xa-hoi
3355068
1500334
Chuyện một thầy giáo cầm súng lên đường đánh Mỹ
chuyen-mot-thay-giao-cam-sung-len-duong-danh-my
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Chuyện một thầy giáo cầm súng lên đường đánh Mỹ

Nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhưng với CCB Lương Ngọc Huỳnh (hiện ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) dường như cảm xúc của những ngày tiến quân về Sài Gòn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhưng với CCB Lương Ngọc Huỳnh (hiện ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) dường như cảm xúc của những ngày tiến quân về Sài Gòn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Ông Lương Ngọc Huỳnh thời trẻ.
Ông Lương Ngọc Huỳnh thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông Lương Ngọc Huỳnh từ Thanh Hoá ra Vùng mỏ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tại Vùng mỏ, theo đuổi giấc mơ bảng đen phấn trắng, ông theo học Trường Sư phạm Hồng Quảng. Sau đó, ông dạy học tại Trường Lao động Xã hội chủ nghĩa cấp 1, 2 Hồng Quảng (bây giờ là Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long).

8 năm sau, khi đang say mê dạy học, ông nhận lệnh tổng động viên và chính thức lên đường nhập ngũ vào năm 1968. Ông Huỳnh kể, đợt đó cả Phòng Giáo dục TX Hòn Gai chỉ có một mình ông Huỳnh là giáo viên lên đường đi Nam. Còn lại là cán bộ các ngành khác của tỉnh. Lúc lên đường, ông Huỳnh để lại ở hậu phương người vợ cũng là giáo viên và 2 người con. Một người con 3 tuổi, người còn lại mới 1 tuổi.

Trước khi đi B, ông Huỳnh được bổ sung vào tiểu đoàn 22, sau được chuyển sang tiểu đoàn 21, thuộc Trung đoàn 127. Toàn bộ Tiểu đoàn là lính cơ quan các ngành, đơn vị. Tiểu đoàn 21 huấn luyện tại Kim Sơn, huyện Đông Triều, trong thời gian 7 tháng, từ tháng 6 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969. Mùa xuân năm 1969, ông Huỳnh cùng đồng đội nhận cờ lên đường hành quân vào Nam. Ông Huỳnh còn nhớ mãi cảnh đơn vị nhận cờ tại sân vận động Đông Triều năm ấy.

Đơn vị của ông Huỳnh hành quân hơn 3 tháng thì đến khu vực tập kết quân gọi là K10 tỉnh Phước Long (tỉnh cũ ở Đông Nam Bộ, được tách ra từ một phần của tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một, hiện nay là tên thị xã thuộc tỉnh Bình Phước). Đây là khu vực tập kết quân miền Bắc để chuẩn bị giao quân cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, khu vực này bị máy bay B52 thường xuyên rải thảm. Đơn vị chưa kịp giao quân mà một số chiến sĩ đã hy sinh. Ông Huỳnh bùi ngùi nhớ những đồng đội đồng hương Quảng Ninh hy sinh năm đó.

Ông Huỳnh (người ngồi trong xe) và đồng đội ở chiến trường.
Ông Huỳnh (người ngồi trong xe) và đồng đội ở chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Số quân còn lại được giao quân cho công trường 7 (bây giờ gọi là Sư đoàn 7). “Thực chất là giấu tên, chiến sĩ ta nguỵ trang là công nhân công trường, ăn mặc dân sự với màu tối để máy bay trinh sát của địch không phát hiện ra. Nếu bị địch bắt cũng không để lộ thông tin đơn vị, cứ nhận là công nhân cao su”- vừa kể, ông Huỳnh vừa giải thích với chúng tôi. 

Ông Huỳnh những năm ở chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông Huỳnh còn nhớ mãi một trong những trận đánh đầu tiên mình tham gia là trận Bù Đốp tỉnh Phước Long. Trận đó diễn ra vào cuối năm 1969. Trước đó, Mỹ thất bại trong Xuân - Hè năm 1969, để đối phó với các hoạt động tác chiến của ta, đã tăng cường lực lượng chốt giữ các hậu cứ, thị trấn, thị xã, trục đường giao thông huyết mạch, làm bàn đạp đẩy mạnh chương trình “bình định cấp tốc”, hòng truy quét các cơ sở cách mạng của ta, củng cố bộ máy bù nhìn, tay sai và xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh lên, dần thay thế quân Mỹ ở miền Nam.

Đơn vị của ông Huỳnh tiến về Sài Gòn theo con đường trên tấm bản đồ này.
Đơn vị của ông Huỳnh tiến về Sài Gòn theo con đường trên tấm bản đồ này.

Trên địa bàn Phước Bình - Bù Đốp, địch chú trọng tăng cường lực lượng, phương tiện, nhằm giữ vững bàn đạp, kịp thời ngăn chặn và đánh bại các cuộc tiến công của ta, tạo hành lang an toàn ở phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy Miền (B2) quyết định mở Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp nhằm tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, cắt tuyến quốc lộ 13, 14, chặn đường tiếp tế; diệt ác, trừ gian, phá ách kìm kẹp, bình định của địch ở khu vực Bù Đốp, Phước Bình, Lộc Ninh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Miền, với nghệ thuật quân sự độc đáo, ta liên tục tiến công, giáng cho địch một đòn chí mạng, bảo vệ thành công tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và kho tàng ở biên giới Việt Nam - Campuchia; lập thế, tạo lực có lợi trên vành đai Bắc và Đông Bắc Sài Gòn. Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp là chiến dịch tiến công quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, mở ra khả năng tổ chức và thực hành những chiến dịch với quy mô, lực lượng lớn hơn nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

CCB Lương Ngọc Huỳnh xem lại tấm bản đồ Sài Gòn mang về từ chiến trường.
CCB Lương Ngọc Huỳnh xem lại tấm bản đồ Sài Gòn mang về từ chiến trường.

Câu chuyện của ông Huỳnh kể cho chúng tôi nghe hệt như một thước phim quay chậm. Ở đó, dường như mỗi một trận đánh, một chiến công, một gương mặt đồng đội thân yêu đang ùa về trong tâm trí ông. Nào là trận đánh cùng với Trung đoàn 42, đánh chống càn dọc theo quốc lộ 13 sang tận tỉnh Kampong Cham (nằm ở phía Đông của Campuchia) đánh gần đến thủ đô Phnom Penh.

Những năm đó, ông Huỳnh là trắc thủ của một khẩu cối 60 ly. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi hiểu rằng, quãng thời gian đó với ông nhiều khi cái sống và cái chết chỉ là một lằn ranh mỏng manh trong tích tắc khi mà máy bay B52 của Mỹ liên tục rải thảm, rải theo kiểu răng bừa, chà đi xát lại. Đơn vị lại hành quân ở khu vực bùn lầy ngập nước. Cứ khoảng 15 phút thì lại có một đợt máy bay rải bom. Khi máy bay bay rất gần rồi thì ông Huỳnh và đồng đội phải lội nhanh vào rừng trú ẩn. Khoảng thời gian đó phải đủ để nước trong trở lại, sao cho máy bay địch không phát hiện kịp bùn đục theo vết chân người vừa chạy qua. Lại có trận đánh khác máy bay địch rồi pháo của địch bắn đuổi theo...

Năm 1971, ông Huỳnh cùng đơn vị rút ra khỏi Phnom Penh, mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển lực lượng. Sau đó là những trận đánh liên miên bao vây, vây ép phục kích chốt chặn giao thông và chống càn rồi đóng chốt giữ thị xã Bình Long (nay thuộc Bình Phước) trong 5 tháng. Vào cuối năm 1972, tiếp tục đánh Phú Hào Đông, Củ Chi nằm dưới địa đạo để phục kích đánh địch.

Khi chiến sự đang ác liệt thì chân ông Huỳnh bị phồng rộp, phải nằm ở trận địa nhiều giờ, đi phải chống gậy. Khi sức khoẻ đã tạm ổn, ông Huỳnh rút về Lô cao su 25 thuộc Chi khu Dầu Tiếng (nay thuộc tỉnh Bình Dương) đánh 2 tiểu đoàn địch đi càn. Lần đầu tiên trinh sát báo về địch cắm trại tại địa điểm cụ thể. Trung đoàn cho xuất kích, dù được lệnh nổ súng rồi nhưng tối thứ nhất không thấy địch có phản ứng. Rút kinh nghiệm công tác trinh sát, đến tối thứ 2, Trung đoàn mới nổ súng tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn. Sau khi dùng toàn hoả lực tấn công xong, ông Huỳnh và đồng đội còn ém lại trận địa, chưa được rút lui để phòng địch bắn pháo đuổi theo.

â
Ông Huỳnh được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chứng nhận đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong câu chuyện của mình, có những trận đánh mà ông Huỳnh còn nhớ mãi. Đó là khi đơn vị ông tiến về Lộc Ninh (ở Bình Phước hiện nay) tháng 4/1972, làm nên chiến thắng Lộc Ninh ngày 7/4 đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Lộc Ninh - huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến trường miền Nam mà trực tiếp là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Sau ngày 30/4/1975, ông Huỳnh chưa ra Bắc ngay mà ở lại làm nhiệm vụ quân quản.
Sau ngày 30/4/1975, ông Huỳnh chưa ra Bắc ngay mà ở lại làm nhiệm vụ quân quản.

Sau chiến thắng Lộc Ninh, ông Huỳnh và đồng đội về vùng giải phóng rồi đánh địch ở sông Sài Gòn. Trận này diễn ra vào tháng 5/1973, ông Huỳnh nhớ mãi vì lần đó ông bị thương không thể chiến đấu được nữa nên được đưa về tuyến sau. Vốn biết ông Huỳnh từng là giáo viên trước khi cầm súng nên cấp trên điều ông về Trường Văn hoá chuyên đào tạo binh địch vận, gọi tắt là H26-V23 Cục Chính trị.

Ông và đồng đội được phổ biến chuẩn bị chiến dịch. Trường Văn hoá đào tạo binh địch vận được giải tán. Quân số được trả về cho các đơn vị. Vào thời điểm giữa tháng tư, số còn lại khoảng 60 người không biên chế thành trung đội hay tiểu đội mà chỉ là một đơn vị do một thiếu tá phụ trách chuẩn bị mở chiến dịch. “Chúng tôi cũng không rõ mở chiến dịch gì và ở phạm vi, quy mô thế nào, chỉ cấp trên được biết. Chúng tôi được trang bị lại vũ khí, quân tư trang, lương thực thực phẩm, được phổ biến rất kỹ”- ông Huỳnh nhớ lại.

Ngày 20/4, đơn vị của ông Huỳnh được lệnh hành quân đi chiến dịch. Các chiến sĩ chủ yếu hành quân bộ đường rừng. Đang hành quân thì các ông nghe tin về chiến thắng Xuân Lộc. Ông Huỳnh xúc động kể lại: “Chúng tôi đóng ở hướng Đông Bắc để tiến về hướng Đồng Nai mở cánh cửa thép Xuân Lộc thì thấy đồng loạt các mũi tiến công. Tiếng súng dần êm. Chúng tôi biết Xuân Lộc đã giải phóng”.

Khi Xuân Lộc hết tiếng súng, đơn vị của ông Huỳnh tiến công vào Sài Gòn qua cầu Bình Triệu, qua cầu Thị Nghè rồi đi đêm vào ngoại ô thành phố đến tiếp cận chiếm lĩnh Trung tâm chiêu hồi Trung ương của Việt Nam cộng hoà nằm trên đường Tô Hiến Thành thuộc Quận 10. Ông Huỳnh tự hào kể: “Chúng tôi vào chiếm giữ thành phố làm công tác quân quản. Người dân hai bên đường ùa ra vẫy tay vui mừng chào đón chúng tôi”. Vừa kể chuyện ông Huỳnh vừa mở tấm bản đồ đã úa màu, tấm bản đồ Sài Gòn mà các ông tiến công năm xưa, nửa thế kỷ trôi qua vẫn còn được ông giữ lại như báu vật.

Sau đó ông Huỳnh giải ngũ, chuyển sang công tác ở lực lượng công an. Ông Huỳnh ở lại miền Nam một thời gian để ổn định tình hình sau giải phóng rồi mới hành quân ra Bắc. Ông về lại Quảng Ninh, công tác trong lực lượng công an cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Đại uý. Thời gian đã lùi xa, gánh nặng tuổi tác cũng đã đè nặng trên vai nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu trong chiến trường miền Nam, góp phần thống nhất đất nước thì chưa bao giờ phai nhoà trong tâm trí người cựu chiến binh Lương Ngọc Huỳnh. 

Cùng chuyên mục