Vào cuối năm 1974, Bộ Công an giao cho Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tuyển chọn một tiểu đoàn 400 quân chi viện cho Lực lượng An ninh vũ trang miền Nam, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Cục và Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ tuyển chọn 38 chiến sĩ và 1 sĩ quan chỉ huy. Nhớ về thời hào hùng ấy, Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 18 (B18) An ninh vũ trang miền Nam, đã có những chia sẻ đáng quý.
Phân đội Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh được tuyển chọn chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ rất cụ thể. Tại Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh), ông Nguyễn Ngọc Đàm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đến thăm, tặng quà, động viên và đặt tên phân đội “Phân đội Vùng mỏ”, trao cho Phân đội lá cờ mang dòng chữ: “Trung thành, anh dũng, đoàn kết, chiến thắng”.

Phân đội Vùng mỏ chúng tôi đều được chọn kỹ về chính trị, đi làm nhiệm vụ tại chiến trường B2, đều là những thanh niên tuổi đời 18 đôi mươi, là những học sinh mới tạm biệt ghế nhà trường được tuyển chọn vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang xung phong lên đường nhập ngũ. Tôi lúc đó là một sĩ quan trẻ của đơn vị được giao nhiệm vụ làm phân đội trưởng, sau này được giao giữ chức Chính trị viên tiểu đoàn bậc phó (nay gọi là Chính trị viên phó Tiểu đoàn) B18.
B18 (Tiểu đoàn 18) vừa khẩn trương củng cố kiện toàn về tổ chức, biên chế, vừa phải tập trung huấn luyện cấp tốc. Ngày học tập, đêm tập hành quân đến 11, 12 giờ đêm mới nghỉ. Thời gian ấy, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đồng chí Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Liên minh các lực lượng hòa bình, trung lập miền Nam Việt Nam đến thăm hỏi, nói chuyện, trao cho chúng tôi lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với đó còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp trên về gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ. Mọi người đều có quyết tâm cao: “Đã đi là đến, đã chiến đấu là chiến thắng”, nguyện xứng đáng những người con của quê hương Vùng mỏ anh hùng.
Sau 6 ngày đêm hành quân chúng tôi vào đến Vĩnh Linh, Vĩ tuyến 17 Quảng Trị. Lúc đó, cầu Hiền Lương đã bị bom Mỹ đánh sập, sông Bến Hải, trận tuyến giữa ta và địch. Phía trước chúng tôi những trận pháo sáng và pháo địch bắn chặn đường; phía bên kia là những căn cứ quân sự của quân Ngụy khét tiếng gian ác. Tiết trời Vĩnh Linh se se lạnh, mặt đất Vĩnh Linh chất chồng hố bom đạn giặc, nồng nặc khói thuốc đạn bom.
Sau bữa cơm chiều, tôi và trợ lý Thanh niên Tiểu đoàn Nguyễn Hồng Minh, người thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, xuống các đại đội nắm tình hình tư tưởng và động viên bộ đội sẵn sàng vượt sông Bến Hải, hành quân theo đường số 9 về sang Nam Lào trước khi trời sáng. Một kỷ niệm mà chúng tôi những người còn lại, mỗi lần gặp nhau đều nhắc lại một kỷ niệm nho nhỏ ngày ra trận năm xưa: Vào 18 giờ 25 phút, cả đơn vị được lệnh xuất phát, hành quân theo đường hào phía Bắc sông Bến Hải, 2 o (cô gái, tiếng địa phương) dân quân Vĩnh Linh dày dạn bom đạn, đưa chúng tôi đến bờ sông Bến Hải và câu chào chia tay: “Chào nhé, hẹn gặp lại!”.
Chúng tôi vượt sông Bến Hải an toàn, đúng mệnh lệnh. 2 chiến sĩ giao liên Đoàn 559 dẫn đường chờ sẵn đón chúng tôi vượt qua tầm pháo địch, dọc theo đường số 9, về đến Nam Lào, trời tảng sáng. Chúng tôi được lệnh dừng chân, trú quân, bắt tay ngay vào đào hầm, công sự chiến đấu, phòng tránh pháo kích và máy bay địch đến đánh phá. Các chiến sĩ nuôi quân của các đại đội và cơ quan Tiểu đoàn bộ đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm. Binh trạm tiền phương thông báo tình hình địch, ta khu vực dừng chân của Tiểu đoàn, tình hình chiến sự trên chiến trường. Trợ lý chính trị phụ trách tuyên huấn Tiểu đoàn Nguyễn Đức Chẩm, đang cặm cụi ghi chép tổng hợp tình hình thời sự thông báo cho các đơn vị.

Đoàn xe của Trung đoàn vận tải 32, Đoàn 559 vượt qua từng cánh rừng đi trên đất bạn Lào, đường Hồ Chí Minh đêm hành quân, ngày dừng chân trú quân tại các binh trạm. Các lực lượng ra mặt trận hối hả gặp nhau, tìm đồng hương, tìm bạn bè trên chiến trường, tìm rau rừng, có tiểu đội đem quần áo đi đổi thực phẩm cho dân bạn Lào về ăn. Trung đội 2, Đại đội 3 bị ngộ độc, cả trung đội bị say phải cấp cứu, được lệnh hành quân phải dừng lại. Sau đó, phân đội này bổ sung cho lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay). Toàn tiểu đoàn hành quân theo mệnh lệnh...

Đơn vị chúng tôi vượt qua Dốc Nứa, Nam Lào về đến Tây Nguyên. Từ tỉnh Kon Tum đến Gia Lai đã thấy không khí nhộn nhịp của các đơn vị bộ binh, cơ giới, pháo binh, xe tăng của ta bí mật tập kết. Các đơn vị công binh cắt các gốc cây to hai người ôm, không để cây đổ, chờ lệnh... 5 giờ sáng ngày 10/3/1975, từ các trận địa pháo của ta bắn dữ dội vào các căn cứ quân sự của quân địch trên tuyến phòng thủ Tây Nguyên.
Sau đó là các đơn vị xe tăng, bộ binh tiến công, giành giật với địch trên từng chiến hào, bị bất ngờ, quân địch hoang mang co cụm chống trả quyết liệt. Đây là trận đánh mở đầu, qua 3 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, các cánh quân của ta đánh chiếm gần hết các mục tiêu quan trọng của quân Ngụy Sài Gòn trên địa bàn Tây Nguyên. Quân ta bao vây, truy quét quân địch về đến Buôn Ma Thuột. Đến ngày 13/3, ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Cục diện trên chiến trường miền Nam hoàn toàn thay đổi, có lợi cho ta, thời cơ giải phóng miền Nam đến gần.

Sau khi tham gia giải phóng Tây Nguyên, Tiểu đoàn 18 chúng tôi được lệnh chốt giữ bảo vệ cầu Đức Lập, phía Nam Buôn Ma - Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho các cánh quân của Bộ đội chủ lực tiến xuống đồng bằng Trung Bộ và Nam bộ. Tiểu đoàn được lệnh chọn 30 cán bộ, chiến sĩ cải trang trà trộn vào vùng địch hậu làm nhiệm vụ binh địch vận. Sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân theo đường 14 về Đồng Xoài, tỉnh Phước Long.
Trên khắp chiến trường diễn biến mau lẹ. Cơ quan Trung ương Cục, Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh Miền di chuyển bám sát mặt trận. Các binh đoàn chủ lực của ta đã bao vây chặt Sài Gòn - Gia Định, dinh lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Ngày 26/4/1975, trận đánh mở đầu của các cánh quân của ta tấn công vào Sài Gòn - Gia Định.

Tiểu đoàn 18 được lệnh hành quân thần tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, trong các cánh quân tiến về Sài Gòn. Từ ngày 30/4, Tiểu đoàn 18 tham gia chiếm lĩnh, chốt giữ, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, trong đó có: Đại Sứ quán Mỹ, Tổng Nha Cảnh sát Sài Gòn, Sân bay Tân Sơn Nhất, bảo vệ Dinh Độc Lập, Đài phát thanh - truyền hình, tòa Báo Sài Gòn, nhà máy điện Thủ Đức, bảo vệ Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Một vài nơi khi lực lượng của ta đến địch còn lại ngoan chống cự yếu ớt, bị các chiến sĩ An ninh vũ trang giải phóng tiêu diệt.
Những người lính quê hương Vùng mỏ trong đoàn quân tiến về Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm ấy không quên lời căn dặn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong ngày tiễn đưa phân đội Vùng mỏ ra trận “Đã đi là đến, đã đánh là thắng”. Anh em chúng tôi đồng lòng hứa hẹn: “Chưa diệt hết giặc, chưa về quê hương”. Đó là một kỷ niệm nhỏ, trong nhiều kỷ niệm sâu sắc về chiến tranh và người lính, tôi xin được chép ra đây tâm sự cùng bạn đọc.