21
1
Chính trị/
/chinh-tri
2359241
736920
Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên của du kích quân Chiến khu Đông Triều
tran-tap-kich-danh-chiem-tinh-ly-quang-yen-cua-du-kich-quan-chien-khu-dong-trieu
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên của du kích quân Chiến khu Đông Triều

 Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên của du kích quân Chiến khu Đông Triều  trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1945-1954.

Những chiến công mà quân và dân tỉnh Quảng Ninh giành được trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm  đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Báo Quảng Ninh đăng tóm tắt Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên của du kích quân Chiến khu Đông Triều - một trong những trận đánh tiêu biểu của LLVT tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1945-1954.

Sơ đồ diễn biến trận đánh chiếm Tỉnh lỵ Quảng Yên
Sơ đồ diễn biến trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên

Quảng Yên có tầm quan trọng chiến lược đối với căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Các đường chiến lược số 5, số 18, số 13 và các đường thuỷ quan trọng dọc sông Thái Bình, sông Kinh Thầy nối Quảng Yên với vùng biển, vùng rừng núi Đông Bắc. Quảng Yên là nơi tập trung sức người, sức của, là chiếc "đòn gánh" giữa 2 vị trí chiến lược quan trọng là Hải Phòng và Hòn Gai. Đây cũng là nơi tập trung cơ quan chính quyền bù nhìn cấp tỉnh là lực lượng Bảo an binh; chính quyền bù nhìn đã hoàn toàn lộ mặt là tay sai thân Nhật. Do có vị trí quan trọng nên Quảng Yên được địch bố trí một đại đội Bảo an do tên Nguyễn Văn Tiếp chỉ huy; bên cơ quan Tỉnh trưởng có gần một đại đội lính cơ; các huyện Yên Hưng, Cát Hải… mỗi nơi có một tiểu đội lính cơ. Ngoài lính của tỉnh lỵ, huyện lỵ, còn có bộ máy cảnh sát, mật thám riêng của bọn chủ mỏ.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Nhật không có quân ở Quảng Yên; nhưng Núi Bé, Hòn Gai, Quảng La, Tràng Kênh, Cẩm Phả đều có lính Nhật. Tuy có quân đông và được trang bị vũ khí đầy đủ, nhưng sau khi Uông Bí, Bí Chợ bị ta tiêu diệt (1/7/1945), bọn ngụy quyền và binh lính hết sức hoang mang, dao động, ngày đêm nơm nớp lo sợ bị ta tiến công, ngày càng có nhiều người nằm im và sẵn sàng là nội ứng cho ta. Về quân sự, lực lượng Nhật ở vùng Đông Bắc mỏng, lại luôn phải bị chống đỡ trước những đòn tiến công của quần chúng và các LLVT cách mạng. Đây chính là thời cơ thuận lợi để quân ta tiêu diệt chúng.

Ngày 20/7/1945, trong lúc ta đang tiếp tục chuẩn bị cho trận đánh, thì nghe thấy tiếng súng nổ phía Dinh Tỉnh trưởng. Đó là tiếng súng của  4 tên Đại Việt ở Hải Phòng kéo sang ép Tỉnh trưởng Quảng Yên và Huyện trưởng Yên Hưng bàn giao chính quyền và vũ khí cho chúng. Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng ở tỉnh lỵ Quảng Yên, Nguyễn Bình và tổ trinh sát lập tức đến thẳng Dinh Tỉnh trưởng tuyên bố Việt Minh đã làm chủ Quảng Yên và thuyết phục chúng quy thuận Việt Minh.

Nhận được lệnh tiến hành tập kích, các đơn vị ở dưới thuyền đổ bộ lên bờ đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên theo kế hoạch; Tiểu đội Ký Con do Lê Phú chỉ huy bố trí án ngữ ở bến Rừng và huyện lỵ Yên Hưng; Tiểu đội Hoàng Hoa Thám do Phan Mạnh Hà chỉ huy bố trí ở bến Chanh và chặn đánh địch từ hướng Hòn Gai tới. Hai trung đội của Đại đội Hoàng Văn Thụ do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy, tiến đánh vào đồn, các nhân mối của ta đã được cài cắm, cùng du kích trà trộn vào từ trước, đã mở cổng đồn đón quân cách mạng, quân ta nhanh chóng chiếm kho súng, lô cốt và giữ các cổng đồn; tên Tiếp chỉ huy đồn xin đầu hàng và nộp súng cho quân cách mạng. Ta tập hợp binh lính Bảo an giải thích chính sách của Việt Minh và kêu gọi họ tham gia cách mạng đánh Nhật cứu nước; một số ít  binh lính xin gia nhập quân du kích Đông Triều, còn phần lớn xin về quê quán làm ăn, ta cấp tiền cho họ trở về với gia đình. Trong khi các đơn vị triển khai chiến đấu, tổ trinh sát do Hùng Phong, Quách Lĩnh dẫn đầu, cắt dây điện thoại đi các nơi, vào kho bạc kiểm kê sổ sách, tịch thu được 160.000 đồng Đông Dương, Tiểu đội Ký Con vào tước vũ khí của lính cơ huyện Yên Hưng.

Sáng 21/7/1945, một tàu thuỷ cắm cờ Nhật từ Hải Phòng chạy sang. Tiểu đội Ký Con bố trí phục kích trên đê, đã nổ súng chiến đấu, địch hoảng loạn bỏ chạy sang mạn tổng Hà Nam, bên kia sông và chạy về phía Hòn Gai. Chiều 21/7/1945 LLVT Chiến khu đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên thắng lợi đã về đến bến Đạm bằng đường thuỷ, mang theo nhiều chiến lợi phẩm thu được của địch. Đánh chiếm xong tỉnh lỵ Quảng Yên ta chưa thành lập chính quyền cách mạng, vẫn để chính quyền cũ do Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thanh phụ trách, nhưng tất cả mọi việc giờ đây đều do Việt Minh lãnh đạo, giải quyết. Công việc canh gác, bảo vệ trật tự an ninh ở thị xã và huyện Yên Hưng do lực lượng tự vệ, du kích địa phương đảm nhiệm, có một bộ phận quân du kích Chiến khu giúp đỡ.

Trận tập kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên đã giành được thắng lợi giòn giã, bộ máy chính quyền bù nhìn tỉnh Quảng Yên, huyện Yên Hưng và lực lượng Bảo an đều phải đầu hàng. Những tên Việt gian phản động khét tiếng như huyện Phan, cai Xa, cai Nghị …đều bị bắt. Ta thu được 500 súng các loại, hàng tấn đạn dược nhiều quân trang, quân dụng và thu 160.000 đồng Đông Dương tiền thuế địch vừa thu chưa kịp chuyển đi. Suốt đêm 20 và rạng sáng 21/7/1945, thanh niên cứu quốc địa phương cùng LLVT Chiến khu đã nhanh chóng vận chuyển toàn bộ số chiến lợi phẩm thu được ra bến Chanh và đưa xuống thuyền chở về Chiến khu. Riêng số vũ khí thu được của lính cơ bên Tỉnh trưởng (khoảng 90 khẩu) ta để lại cho tự vệ và du kích địa phương. Về phía ta, không bị thương vong gì.

Thắng lợi trong trận đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên là một chiến thắng vang dội và có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị. Lần đầu tiên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, quân cách mạng đã đánh chiếm và giải phóng một tỉnh lỵ, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng. Từ đó, tạo điều kiện để phát triển LLVT và mở rộng địa bàn hoạt động của Chiến khu Đông Triều, làm bàn đạp tiến về Hải Phòng, Hòn Gai trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Theo Quảng Ninh - Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954

 

Cùng chuyên mục