21
1
Chính trị/
/chinh-tri
2358406
735588
Trận chiến đấu tập kích Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ
tran-chien-dau-tap-kich-don-uong-bi-va-trai-bi-cho
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Trận chiến đấu tập kích Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ

Báo Quảng Ninh đăng tải tóm tắt một số trận đánh tiêu biểu của LLVT tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giai đoạn 1945-1954.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1947-2017), LLVT tỉnh Quảng Ninh không ngừng lớn mạnh và phát triển, khẳng định truyền thống quê hương Đất mỏ anh hùng. Báo Quảng Ninh đăng tóm tắt trận chiến đấu tập kích Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ của du kích quân Chiến khu Đông Triều.

Uông Bí và Bí Chợ nằm phía Tây Bắc tỉnh Quảng Yên, dọc đường 18 từ Phả Lại đi Hòn Gai. Uông Bí gồm các khu: Uông Bí - Vàng Danh và cảng Điền Công thuộc Công ty Than Vàng Danh - Đông Triều. Công ty này bao gồm các mỏ Tràng Bạch, Châu Sơn. Vào những năm đầu chiến tranh thế giới thứ II, so với các mỏ Hòn Gai thì Uông Bí là nơi được khai thác tương đối hiện đại.

Bí Chợ là khu mỏ than và khu đồn điền của tên Bạch Thái Đào, nằm trên đường 18 giữa Tràng Bạch và Uông Bí. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam (9/3/1945), phát xít Nhật trực tiếp quản lý khu mỏ và duy trì sản xuất. Bọn Đại Việt được sự ủng hộ giúp sức của Nhật đã lập ra ở đây một trại huấn luyện đào tạo sĩ quan của Đảng Đại Việt do Nhật chỉ huy.

Lực lượng địch ở Đồn Uông Bí thường xuyên có 2 trung đội lính Bảo an, trong đó 5 tên Nhật chỉ huy, được trang bị vũ khí đầy đủ. Trại Bí Chợ đóng ở nhà gác hai tầng của mỏ, nằm trên một đỉnh đồi khá cao, xung quanh có hàng rào lưới mắt cáo, có công sự và hầm hào bao quanh, do tên quan hai Nhật chỉ huy. Trại huấn luyện này thường xuyên có 70 học viên, hầu hết là thanh niên của Đảng Đại Việt, trong số lính Đại Việt có Bùi Sinh được cách mạng giác ngộ, giao nhiệm vụ khoác áo lính để làm công tác binh vận.

Ảnh sơ đồ trận đánh.
Sơ đồ trận đánh.

Đầu năm 1930, Uông Bí đã thành lập được chi bộ Đảng có khoảng 7 đảng viên. Từ năm 1940, Uông Bí do Liên Khu uỷ B trực tiếp chỉ đạo, phong trào kéo dài đến năm 1942. Trong quá trình đấu tranh, anh em đã phải chịu đựng những đợt khủng bố tàn khốc của bọn chủ mỏ và tên tuần phủ Cung Đình Vận.

Đầu năm 1943, một số đồng chí hoạt động ở Uông Bí mãn hạn tù trở về với cơ sở để nhen nhóm phong trào cách mạng. Đầu năm 1945, số hội viên công nhân cứu quốc ở vùng Uông Bí có hơn 30 người, được chia thành 10 tổ ở các mỏ Vàng Danh, Uông Bí, cảng Đền Công. Từ mối liên hệ giữa công nhân và gia đình ở nông thôn, Việt Minh ở Uông Bí bắt đầu mở diện hoạt động về nông thôn ở một số làng, như Khe Cát, Trập Khê…

Ở Chiến khu Đông Triều, sau thắng lợi của hai trận chống càn ở Đồi Thông, Bến Tắm (ngày 10 và 17/6/1945) đã chấm dứt thời kỳ phòng ngự và củng cố lực lượng của du kích quân chiến khu Đông Triều. Vì vậy, Uỷ ban Quân sự cách mạng Chiến khu chủ trương mở những đợt tấn công mới, nhằm vào những nơi địch sơ hở nhất. Tiếng súng hạ Đồn Uông Bí và Bí Chợ ngày 1/7/1945 là đợt tấn công đầu tiên, mở màn cho chủ trương trên của Uỷ ban Quân sự cách mạng Chiến khu Đông Triều.

Cuối tháng 6/1945, Ban lãnh đạo Chiến khu Đông Triều và cơ sở Việt Minh ở Uông Bí đã họp và thống nhất phối hợp hành động đánh chiếm Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ. Lực lượng tham gia đánh Đồn Uông Bí có 5 chiến sĩ du kích cách mạng quân của Chiến khu Đông Triều, trang bị 5 khẩu súng ngắn, do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy. Lực lượng đánh Trại Bí Chợ là một tiểu đội du kích cách mạng quân của Chiến khu, do Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy.

Theo kế hoạch, chiều 29/6/1945, đội du kích xuống thuyền xuôi dòng Đá Bạc, rồi tới sông Chanh, sông Bạch Đằng, tại đây thì gặp thuyền của Nguyễn Bình, các thuyền đi lẫn vào các thuyền đánh cá của dân. Sáng 30/6/1945 đoàn thuyền cứ lẻ tẻ, nhích dần đến cửa sông Uông Bí, khi cách cầu Uông Bí khoảng 3-4km, Nguyễn Quý Đôn cho thuyền dừng lại, trú đậu ở doi cát giữa sông chờ Nguyễn Bình tới giao nhiệm vụ. 3 giờ chiều 30/6, thuyền của Nguyễn Bình tới, Nguyễn Bình bổ sung nhiệm vụ đánh Đồn Uông Bí cho Nguyễn Quý Đôn. Sẩm tối 30/6/1945 thuyền cập bến ở vựng sông gần sát cầu Uông Bí, thuyền của Nguyễn Bình cũng vừa tới, Nguyễn Bình lên bờ và giới thiệu Cai Dung (cơ sở đã được ta giác ngộ) với Nguyễn Quý Đôn. Cai Dung đưa đội du kích qua đền Nhà Bà, leo qua hàng rào lên sân và lọt vào trong Đồn Uông Bí, vào tới lô cốt lớn 2 tầng thì gặp Đội Cẩn và Đội Kinh, Cai Dung giới thiệu hai người với Nguyễn Quý Đôn, rồi nhanh chóng rời khỏi Đồn.

Tiếp đó, Nguyễn Quý Đôn cho 2 chiến sĩ cùng lính Bảo an (đã được giác ngộ) giả vờ đi tuần tra các họng gác để nắm tình hình. Sau khi nắm chắc tình hình địch, Nguyễn Quý Đôn giao nhiệm vụ cho hai đội viên của mình chiếm giữ súng đại liên Hốt - kít, số còn lại chiếm 2 khẩu trung liên và tập trung quan sát. Giao nhiệm vụ cho các đội viên xong, khoảng 10 giờ đêm 30/6/1945, Nguyễn Quý Đôn cho mời Đội Kinh và Đội Cẩn yêu cầu hai ông cho gọi toàn bộ lính Bảo an có mặt trong đêm nay, lên sân thượng lô cốt để gặp đại diện Việt Minh.

Sáng 1/7/1945 bọn Nhật báo cho Đội Kinh biết, hôm nay chúng không đi bắt phu, để còn đi kiếm thức ăn và chỉ đi làm ở nhà máy. Sáng hôm đó, chúng cho 2 tên đi xuống vựng lấy thuyền của dân đem theo lựu đạn để đánh cá, còn 1 tên ở lại trông nhà, 2 tên xuống nhà máy. Chớp thời cơ đó, Nguyễn Quý Đôn ra lệnh nổ súng diệt ngay tên Nhật đang ở Đồn, rồi chiếm súng máy, bắn diệt luôn bọn Nhật đang đánh cá ở sông. Nghe tiếng súng nổ, anh em Bảo an binh ở bên nhà máy lập tức bắn chết 2 tên Nhật đang ở đó. Quách Lĩnh, chỉ huy bảo vệ ở dưới phố cũng kịp thời chạy lên đồn hỗ trợ thu súng đạn, đem xuống phố để đưa về Chiến khu. Trận đánh kết thúc và giành thắng lợi. Ta diệt 5 tên sĩ quan Nhật, nhận đầu hàng của 9 tên lính khố đỏ, thu phục gần 60 lính Bảo an, vũ khí thu được gồm 1 đại liên, 2 trung liên, gần 60 khẩu súng trường.

Cùng ngày 1/7/1945 ta tổ chức đánh chiếm trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ. Lực lượng đánh chiếm khu Đông Triều do đồng chí Nguyễn Bình chỉ huy, quân số gồm 10 người, xuất phát từ Trại Sấu, theo dòng Đá Bạc về Uông Bí. Theo kế hoạch, khi tiểu đội du kích quân Chiến khu đến địa điểm tập kết ở ngã 3 đường 18 rẽ vào trại thanh niên Đại Việt Bí Chợ, cách Đồn, Trại khoảng 3km, thì đồng chí Bùi Sinh từ trong Trại ra đón đội du kích và dẫn vào trong khu vườn của Đồn. Tại đây Bùi Sinh (nhân mối được ta cài trong Đồn địch) và Nguyễn Văn Mộc sẽ vào Đồn lấy súng ra trang bị cho du kích và đánh chiếm.

Theo hợp đồng, 23 giờ ngày 30/6/1945 đồng chí Bùi Sinh ra cách đồn 3km để đón đội du kích. Đêm tối, trời lại mưa to, nên gần một nửa tiểu đội du kích bị lạc trong quá trình tiến quân áp sát Đồn. Trời đã mờ sáng, Nguyễn Bình quyết định với lực lượng còn lại vẫn đánh chiếm Trại Bí Chợ theo đúng kế hoạch. Từng người nhận vũ khí do Nguyễn Văn Mộc giao xong thì cũng lúc kẻng trong Đồn báo thức. Nguyễn Bình phát lệnh tấn công, các chiến sĩ du kích xông vào ngôi nhà 2 tầng, chia nhau mỗi người đánh chiếm một buồng. Bọn địch còn ngái ngủ bị ta tập kích bất ngờ không kịp phản ứng. Toàn bộ binh lính trong Trại bị ta bắt sống.

Chỉ trong vòng một ngày (1/7/1945) lực lượng du kích quân chiến khi Đông Triều, với quân số gần 2 tiểu đội, do các đồng chí Nguyễn Bình và Nguyễn Quý Đôn chỉ huy, đã phối hợp chặt chẽ với các nhân mối của ta ở trong hàng ngũ địch, tổ chức đánh chiếm mau lẹ Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ, ta đã giải tán hơn 100 lính Bảo an và học viên sĩ quan huấn luyện, diệt 6 tên, trong đó có 5 tên Nhật, thu 8 khẩu súng trung liên, 2 khẩu đại liên, gần 200 súng trường các loại và nhiều quân trang quân dụng, lương thực, thuốc men. Lực lượng du kích quân của Chiến khu Đông Triều không có thương vong gì.

Chiến thắng Đồn Uông Bí và Trại Bí Chợ của du kích quân Chiến khu Đông Triều có một ý nghĩa to lớn, tiếp tục tạo thế và lực mới cho lực lượng của Chiến khu, mở hướng phát triển và ảnh hưởng to lớn của Chiến khu về phía Quảng Yên, Hòn Gai, Kiến An - Hải Phòng. Đó còn là thắng lợi của một chủ trương đúng đắn của Uỷ ban Quân sự Chiến khu Đông Triều trong việc chọn hướng tiến công nhằm vào khâu sơ hở và suy yếu nhất của địch. Thắng lợi của trận Uông Bí - Bí Chợ đã đẩy nhanh sự suy yếu, tan rã của hệ thống tề - ngụy ở vùng Đông Bắc.

Theo Quảng Ninh - Một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954

[links()]

 

Cùng chuyên mục