21
42
Đất và người Quảng Ninh/
/dat-va-nguoi-quang-ninh
7
Văn hoá
/van-hoa
2100377
435693
Tập kích đồn Bình Liêu
tap-kich-don-binh-lieu
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Tập kích đồn Bình Liêu

Sau thất bại nặng nề trên chiến trường biên giới, Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp nhận định có nhiều khả năng quân ta sẽ tiếp tục đánh xuống vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ trong Đông Xuân 1950-1951. Để chuẩn bị đối phó với ta, chúng đã tăng cường phòng thủ trung du; triển khai lực lượng cơ động trên các địa bàn chiến lược và triển khai kế hoạch lập tuyến công sự mới và tiến hành phá làng dồn dân lập “vành đai trắng”.

Sau thất bại nặng nề trên chiến trường biên giới, Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp nhận định có nhiều khả năng quân ta sẽ tiếp tục đánh xuống vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ trong Đông Xuân 1950-1951. Để chuẩn bị đối phó với ta, chúng đã tăng cường phòng thủ trung du; triển khai lực lượng cơ động trên các địa bàn chiến lược và triển khai kế hoạch lập tuyến công sự mới và tiến hành phá làng dồn dân lập “vành đai trắng”.

Tại mặt trận Đông Bắc, địch còn chốt lại ở các vị trí: Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái nhằm ngăn chặn sự hoạt động của ta, đồng thời địch rút quân ở đồn Hoành Mô về co cụm tại đồn Bình Liêu trên núi (ở hai mỏm núi Lý Hoàng và Nà Làng), tăng cường quân ở Tiên Yên, Bình Liêu để cố giữ thị trấn Bình Liêu nhằm phá vỡ khu du kích, uy hiếp tinh thần nhân dân và thực hiện kế hoạch cắt đường liên lạc giữa miền Đông và miền Tây Hải Ninh, giữa Hải Ninh với vùng duyên hải Đông Bắc.

Diễn biến trận tập kích đồn Bình Liêu
(Đêm 24 ngày 25-12-1950)

Đồn Bình Liêu là một vị trí quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Hải Ninh. Trong chiến dịch biên giới khi đốt phá, rút chạy khỏi Đình Lập, địch đã tăng cường lực lượng cho Bình Liêu, quân số ở đây đã tập trung trên một tiểu đoàn, phần lớn là lính Âu Phi, do tên quan ba người Pháp C.len-sơ chỉ huy. (Trong đồn Bình Liêu còn có cả bọn sĩ quan Tưởng Giới Thạch từ đám tàn quân Bạch Sùng Hy trốn thoát, được Pháp cho ẩn náu). Bọn địch ở đây còn chia quân đi phục ở các nẻo đường vào ban đêm ở khắp các thôn, bản. Cứ nửa tiếng chúng lại gõ mõ cầm canh, đổi gác. Vũ khí trang bị của địch gồm trên 200 súng trường các loại, một số súng cối 60, cối 80 và cối 120 ly, súng trung liên, đại liên và máy vô tuyến điện.

Ngoài ra địch đang chiếm đóng ở Đình Lập và Tiên Yên cũng sẵn sàng tiếp viện cho Bình Liêu khi đồn Bình Liêu bị quân ta tấn công.
Sau chiến thắng của chiến dịch Biên giới (1950), Trung ương Đảng đã chủ trương tiếp tục mở các chiến dịch tiến công nhằm tiêu diệt sinh lực địch, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch củng cố lực lượng và bình định đồng bằng của địch, giữ vững quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường Bắc Bộ.

Thực hiện chủ trương của Đảng, cuối tháng 12-1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Trung du (chiến dịch Trần Hưng Đạo) với mục đích tiêu diệt một phần sinh lực địch. Hướng chính của chiến dịch là khu vực từ Việt Trì đến Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Bắc Ninh. Trên vùng duyên hải Đông Bắc (hướng phối hợp của chiến dịch) lực lượng vũ trang của Liên khu I phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh, có nhiệm vụ đánh địch ở Móng Cái, Tiên Yên, Bình Liêu, Hoành Mô, giải phóng một đoạn đường số 4. Trên hướng Hải Ninh để chuẩn bị cho chiến dịch, một đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tư lệnh đã về Tiên Yên, Móng Cái, nghiên cứu và chuẩn bị chiến trường.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Hải Ninh, từ đầu năm 1950 Huyện uỷ Bình Liêu đã tăng cường củng cố cơ sở, xây dựng chính quyền và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, 7 xã trong huyện đều thành lập Uỷ ban kháng chiến hành chính, huyện đã xây dựng được một trung đội bộ đội địa phương.

Tham gia đánh chiếm đồn Bình Liêu và giải phóng huyện Bình Liêu gồm có Trung đoàn 174 và đơn vị phối thuộc là Trung đoàn 98, có nhiệm vụ chặn viện binh từ Tiên Yên lên; Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176 và 2 đại đội bộ đội địa phương huyện Đình Lập và Hải Chi (Ba Chẽ) bố trí giữa Đình Lập, Khe Tù, nhằm chặn đánh quân rút chạy về Tiên Yên không để chúng tiếp ứng cho quân ở Bình Liêu.

Vào lúc 12 giờ ngày 24-12-1950, Trung đoàn 174 ra lệnh nổ súng mở màn cho trận đánh, bốn khẩu pháo 75 ly thi nhau nhả đạn vào các lô cốt của đồn Bình Liêu. Sau hơn 40 phút công phá, cơ số đạn chỉ còn một nửa, nhưng các hoả lực của địch vẫn bắn ra rất mạnh, bộ đội ta không thể mở được đột phá khẩu (vì do đêm tối, ta ước lượng cự ly sai nên bắn trượt ra ngoài nhiều). Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý chớp nhoáng và thống nhất tạm đình việc pháo kích, cho bộ đội tạm rút ra những chỗ khuất để nghỉ ngơi, chờ trời sáng. Sáng ngày 25-12 khi trời vừa sáng, đồn Bình Liêu lộ rõ, Trung đoàn được lệnh tiếp tục tiến công. Tiểu đoàn 249 cho đại đội 305, 306 mở đợt đột phá, tuy đại đội đã tiếp cận được đồn, nhưng không phát triển được, địch chống trả rất ngoan cố, trong khi đó đạn pháo của ta chỉ còn 3 viên. Cuộc chiến đấu trở nên quyết liệt và vô cùng căng thẳng. Trước tình hình đó, Trung đoàn quyết định đưa pháo vào thật gần, bắn thật chính xác để tiêu diệt lô cốt địch. Chỉ sau một phát đạn pháo, Trung đoàn đã đánh gục được lô cốt này, xung kích liền xông lên, phối hợp với hai mũi của Tiểu đoàn 251 và Tiểu đoàn 249, diệt gọn đồn. Trong khi Tiểu đoàn 249 và Tiểu đoàn 251 đánh chiếm đồn Bình Liêu dưới phố, thì đêm 24-12 Tiểu đoàn 255 cũng đã tiêu diệt gọn đồn Bình Liêu trên núi (khu Lý Hoàng và Nà Làng).

ở mặt trận phụ, quân chiếm đóng Đình Lập hoảng sợ rút chạy, bị Tiểu đoàn 288 địa phương Lạng Sơn, phục kích đánh cho tơi tả ở đoạn giữa Đình Lập, Tiên Yên.

Sau khi hạ đồn Bình Liêu và đồn trên núi Bình Liêu, Tiểu đoàn 249 giữ đồn và khu phố, còn Tiểu đoàn 251 thì chuyển sang phục kích địch tại đường Bình Liêu, Tiên Yên, đợi đánh quân tiếp viện. Khoảng 15 giờ ngày 25-12-1950 một tiểu đoàn địch xuất hiện, hành quân theo đội hình chiến đấu, tiến từng bước rất thận trọng. Khi tốp đầu vừa lọt vào phố Bình Liêu thì Tiểu đoàn 249 nổ súng chặn đầu. Tiểu đoàn 251 được lệnh xuất kích và bất ngờ nổ súng vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ địch chống trả yếu ớt, hoảng loạn vội vàng vứt súng đạn, quân trang, quân dụng, mạnh đứa nào đứa ấy tẩu thoát vào rừng, một số bị tiêu diệt, một số khác đầu hàng. Trung đoàn 98 đánh chặn hậu (phía Tiên Yên) vì xuất kích chậm nên không bắt gọn được hết bọn viện binh địch.

Sau một đêm và gần một ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đến hơn 15 giờ ngày 25-12-1950 bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường, trận đánh kết thúc thắng lợi. Ta giải phóng hoàn toàn huyện Bình Liêu.

Trong trận chiến đấu này, ta đã tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống 120 tên trong đó có tên quan ba C.len-sơ, chỉ huy đồn Bình Liêu, một quan hai Cốt Man, chỉ huy đồn Hoành Mô, thu toàn bộ vũ khí gồm 1 khẩu Mortre 120 ly, 1 Mortre 81 ly, 2 Mortre 60 ly, 1 khẩu 12 ly 7, 3 đại liên, 25 trung liên, 200 súng trường, 4 máy VTĐ, 2 kho đạn và quân trang, 2 máy bay Hen cát từ Hà Nội đến, đều bị ta bắn đuổi, một Đa-kô-ta đến thả 20 dù tiếp tế đều rơi vào tay quân ta.

Trận chiến đấu đánh đồn Bình Liêu thắng lợi, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện Bình Liêu có một ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu và vùng Đông Bắc. Huyện Bình Liêu được giải phóng sẽ là căn cứ địa vững chắc của tỉnh, tạo điều kiện cho tỉnh Hải Ninh tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Việc chuẩn bị tổ chức chiến đấu thực sự chu đáo, đầy đủ về mọi mặt, dự kiến được mọi tình huống có thể xảy ra để đối phó thắng lợi với mọi tình huống, luôn là một điều kiện quan trọng bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Trong trận đánh đồn Bình Liêu, Trung đoàn 174 đã tiến hành công tác chuẩn bị khá chu đáo, tỉ mỉ như việc tổ chức trinh sát nắm tình hình, xây dựng phương án chiến đấu, tổ chức lực lượng... Nhờ đó mà trận đánh lúc đầu diễn ra thuận lợi, bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, đúng với ý định của ta. Song cũng do có mặt chuẩn bị chưa kỹ, tình huống dự kiến chưa hết, nên khi pháo của ta liên tiếp công kích vào lô cốt địch, sau gần 40 phút và hết 1/2 cơ số đạn, mà vẫn không tiêu diệt được cụm hoả điểm số 1 để mở cửa cho bộ đội ta tiến lên tiêu diệt đồn, địch vẫn chống trả quyết liệt, buộc ta phải tạm đình pháo kích và cho bộ đội rút ra ngoài nghỉ chờ trời sáng.

(Theo Quảng Ninh – Một số trận đánh tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), xuất bản năm 2001)

Cùng chuyên mục