Tại Hội nghị chính trị đặc biệt diễn ra trong hai ngày 27 và 28/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa khắp miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Từ những năm 1960 đến 1975, cùng với tăng cường đấu tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, liên tiếp các phong trào thi đua được quân và dân tỉnh Quảng Ninh khởi xướng trên khắp các lĩnh vực, nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý.

Do tầm quan trọng của ngành Than và Điện, bằng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày 18/1/1964, sau gần 3 năm khẩn trương xây dựng và lắp đặt thiết bị, với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, cùng với công sức của hơn 3.000 cán bộ và công nhân Việt Nam, Nhà máy Điện Uông Bí đã hoàn thành xây dựng đợt 1 gồm: 2 lò, 2 tổ máy, công suất 24MW, hòa chung vào lưới điện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đây là công trình nhiệt điện lớn nhất miền Bắc.
Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải tổ chức quản lý thật tốt các lô máy đã đưa vào vận hành để tranh thủ cung cấp điện phục vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Tình hình xây dựng nhà máy đứng trước nhiều khó khăn: Thiết bị chưa đồng bộ, thiếu dự phòng, kho tàng, bến bãi nhà chứa than chưa được xây dựng, nguồn nhiên liệu không ổn định... Với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” chưa đầy một năm sau lò 3 máy 3 tiếp tục được vận hành, năm 1964, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch sản xuất điện của Nhà nước giao trong điều kiện vừa vận hành vừa xây lắp rất phức tạp, nhà máy vẫn cố gắng sản xuất được 100,52 triệu kwh. Sự ra đời của nhà máy là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp non trẻ của Việt Nam vào thời điểm miền Bắc vừa được giải phóng, cung cấp nguồn điện năng quan trọng phục vụ khai thác mỏ và đời sống nhân trong vùng và nhiều nơi trên miền Bắc.

Chưa hết khó khăn này thì thử thách khác lại ập đến. Ngày 6/8/1964, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Nhà máy Điện Uông Bí trở thành trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Mùng 1 Tết năm 1965, Bác Hồ về thăm thị xã Uông Bí đã đến chúc Tết cán bộ, công nhân nhà máy điện. Người căn dặn: “Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất nước ta. Than và điện rất cần cho sản xuất, các cô các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt rẻ...”.
Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, công nhân lao động trên công trình Nhà máy Điện Uông Bí đẩy mạnh phong trào thi đua, tăng năng suất gấp gần hai lần năm trước (chiếm 1/3 sản lượng điện của cả hệ thống), đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình mới. Trong suốt thời gian những năm đế quốc Mỹ ném bom ác liệt, nhà máy đã anh dũng trong sản xuất, quyết tâm bám lò, bám máy, đoàn kết chiến đấu chống lại, giữ vững tinh thần lao động sản xuất và chiến đấu. Trong đó, 8 cán bộ, công nhân là chiến sĩ tự vệ nhà máy đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Ngay sau khi Mỹ chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, các kỹ sư, công nhân ngành xây dựng lắp máy vận hành Việt Nam và chuyên gia Liên Xô nhanh chóng bắt tay vào phục hồi hoàn chỉnh đợt II và khẩn trương xây dựng mở rộng đợt III, IV nhà máy điện Uông Bí. Vừa xây dựng vừa sản xuất, nhà máy đã hòa vào điện lưới quốc gia khoảng 10 tỷ kwh điện. Ngày 2/9/1965, Nhà máy Điện Uông Bí tổ chức lễ khánh thành đợt 2, đưa tổng công suất nhà máy lên 48MW, trở thành nhà máy lớn nhất cả nước khi đó, đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ của ngành công nghiệp điện Việt Nam.
Năm 1966, công trình “ống khói ngầm” (đưa ống khói nhà máy chìm dưới lòng sông để ngụy trang, tránh máy bay địch ném bom) ra đời và đã đi vào lịch sử như một sáng kiến đặc biệt, thể hiện nghị lực, ý chí kiên cường, bất khuất của tuổi trẻ - Công nhân điện Uông Bí. Công trình đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam biểu dương và lắp thành mô hình đưa sang triển lãm tại Matxcơva, giới thiệu sự sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được bạn bè quốc tế ca ngợi và thán phục. Từ 1964-1971, Nhà máy đã đóng góp sản lượng điện lên tới 835.540.780kWh cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa, năm nào cũng vượt mức kế hoạch sản xuất điện.
Ông Đoàn Văn Phóng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, chia sẻ: Tôi gắn bó với Nhiệt điện Uông Bí từ những ngày đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động với công suất lớn nhất cả nước. Khi nhà máy đi vào hoạt động là thời điểm cả nước thiếu điện nghiêm trọng, do đó, mỗi cán bộ, công nhân Nhiệt điện Uông Bí luôn nỗ lực vận hành nhà máy đảm bảo duy trì ổn định tần số, tiến độ và công suất. Không chỉ trải qua những khó khăn của ngày đầu đi vào hoạt động, mỗi cán bộ, công nhân của nhà máy còn trải qua những năm tháng không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Song với khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, cán bộ, công nhân nhà máy luôn dũng cảm chiến đấu, sáng tạo trong lao động, thi đua sản xuất. Mỗi cán bộ, công nhân ngành điện như chiến sĩ trực chiến trên nòng pháo không tiếng súng, để sản xuất điện cung cấp cho miền Bắc, xây dựng hậu phương vững chắc phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Cùng với ngành điện, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Than cũng tích cực thi đua lao động, sản xuất, với quyết tâm sản xuất được nhiều tấn than sạch phục vụ cho nhu cầu trong nước. Trong đó, từ năm 1964, Công ty Than Hòn Gai (bao gồm từ mỏ Mạo Khê, Đông Triều đến Mông Duơng, Cẩm Phả) phát động chiến dịch sản xuất than “mỗi người làm việc bằng hai”, “Điện Biên - Ấp Bắc”. Phong trào diễn ra sôi nổi trong cán bộ, công nhân trong toàn đơn vị. Nhờ đó, ngày 16/12/1964, Công ty Than Hòn Gai đã hoàn thành kế hoạch sản xuất than trước 15 ngày với sản lượng 3,2 nghìn tấn than sạch, tăng 6% so với kế hoạch. Cùng với đó, mỏ Đèo Nai là đơn vị lập công xuất sắc nhất trong chiến dịch thi đua mang tên Điện Biên Phủ, dẫn đầu về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Các mỏ Hà Lầm, Hà Tu, Mạo Khê đã lập kỷ lục mới.
Từ tháng 2/1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bắn phá miền Bắc. Ngày 5/10/1965, giặc Mỹ đánh phá thị xã Hòn Gai và thị xã Cẩm Phả. Song thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cần phải có nhiều than để cung cấp cho các nhà máy”, vừa thực hiện sơ tán, chuẩn bị mọi phương án chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa tích cực bám trụ sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp của ngành Than đều lập phương án sản xuất khi có chiến tranh xảy ra. Các cơ sở sản xuất đều chuẩn bị máy phát điện cục bộ, lập phương án sản xuất thủ công. Nhà máy Cơ khí Hòn Gai, Cơ khí Hữu Nghị và Cơ khí Địa Chất phân tán mỏng các máy vào các hang đá đảm bảo sản xuất trong mọi tình huống. Xí nghiệp Bến Cửa Ông và Xí nghiệp Bến Hòn Gai thành lập các tổ sàng than thủ công đề phòng địch, tổ chức chạy tàu tránh giờ cao điểm, xây, đắp ụ cất giấu đầu tàu vào giờ cao điểm.
Thực hiện phong trào thi đua do Tỉnh uỷ Quảng Ninh phát động, nhiều đơn vị, cá nhân làm đơn tình nguyện đăng ký vuợt chỉ tiêu sản lượng, tăng năng suất lao động. Mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất quý I/1965 trước 27 ngày. Xí nghiệp Bến Cửa Ông hoàn thành kế hoạch sản xuất quý I/1965 trước thời hạn 24 ngày.
Đầu năm 1966, phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai", làm thêm giờ, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, cải tiến quản lý, quyết tâm đạt “3 điểm cao” (năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều) diễn ra sôi nổi. Ngành Than còn phát động phong trào kiểm tra phân tích lao động bằng biện pháp 3 tìm (tìm hiện tượng, tìm nguyên nhân, tìm biện pháp) để nâng cao chất lượng than, “Vì miền Nam ra quân chiến thắng, chiến dịch vận xuất Đắc Tô"…
Riêng trong Tháng công nhân, các mỏ nhất loạt hưởng ứng các phong trào "3 tình nguyện", "3 nhất", "5 vượt", "3 sẵn sàng", "3 quyết tâm"… Nhờ đó, ngành Than Quảng Ninh đã đạt được thành tích cao trong sản xuất. Trong đó, Xí nghiệp Than Hòn Gai đã tận dụng 180 tấn sắt thép phế liệu, tự gia công 1.500 mặt hàng dùng cho sửa chữa, làm được nhiều thiết bị phục vụ sản xuất. Mỏ Mạo Khê có sáng kiến phục hồi đầu tàu 11 và 12, thí điểm thành công khai thác cột lưu than ở lò cái và lò dốc…
Do những thắng lợi của quân dân miền Bắc, bị thua đau, giặc Mỹ càng điên cuồng mở rộng chiến tranh bắn phá miền Bắc. Toàn bộ các mỏ, công xưởng, nhà máy sản xuất chủ yếu của ngành Than đều bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, song với tinh thần quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, mỏ than Cọc Sáu nêu một tấm gương sáng, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất năm 1968 trước 4 tháng 15 ngày. Những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua "Một người làm việc bằng hai", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Không riêng ngành sản xuất mũi nhọn, phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt” lan toả rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phong trào thi đua đã được quân và dân tỉnh Quảng Ninh đưa vào nhiệm vụ chính trị ngay từ những kỳ đại hội đầu tiên. Như, Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp công đoàn tỉnh Quảng Ninh ngày 11/5/1964 đã xác định nhiệm vụ của cán bộ, công nhân, viên chức sản xuất đi liền với sẵn sàng chiến đấu, chống mọi hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam; Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ ngày 29/5 đến 2/6/1964 diễn ra tại huyện Đầm Hà đã phát động phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp giải phóng miền Nam… Qua đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, hăng say lao động của đội ngũ công nhân, nông dân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hăng hái thi đua làm theo lời Bác dạy, quyết tâm sản xuất và chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
Từ lời hiệu triệu của Bác, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, phong trào “Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng” đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ Quảng Ninh với 13 vạn đoàn viên, thanh niên tham gia. Đặc biệt, từ phong trào “Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng”, cả một thế hệ thanh niên Vùng mỏ xung kích, tình nguyện ra trận. Tuổi trẻ Quảng Ninh sôi sục khí thế với các khẩu hiệu: “Tay búa - Tay súng”, “Tay cày - Tay súng”, “Tay bút - Tay súng”… Hàng trăm thanh niên tiêu biểu vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu tốt được Tỉnh Đoàn tuyên dương.

Trong sản xuất, bằng trí thông minh, sáng tạo của mình, kỹ thuật khoan của đồng chí Vũ Hữu Sơn đã chinh phục lòng đất ở cả những nơi đất đá rắn nhất. Hay tổ đào lò của anh Đào Xuân Ngọc, mỏ hầm lò Thống Nhất, tổ máng ngoài của Công ty Sàng tuyển than Cửa Ông, nhờ có sáng kiến kỹ thuật đã không ngừng nâng cao năng suất, vừa tham gia trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Đầu năm 1965, Bác Hồ về thăm Quảng Ninh và dự mít-tinh tại sân Trường Cấp III Hòn Gai, Bác đã biểu dương 2 tổ sản xuất lá cờ đầu của phong trào thanh niên là Vũ Hữu Sơn và Đào Xuân Ngọc. Sau này, Vũ Hữu Sơn được phong tặng Anh hùng Lao động.
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn phát động rộng rãi phong trào Thanh niên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Từ phong trào này đã có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm của thanh niên ở các hầm lò, nhà máy, công trường và cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ được đi báo cáo điển hình. Nổi bật là “công trình thanh niên” phục hồi Nhà máy Sàng tuyển than Cửa Ông sau khi Mỹ ném bom. Theo đó, đoàn viên, thanh niên các nhà máy, phân xưởng cơ khí có tay nghề cao trong toàn ngành than, từ Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả… làm ngày làm đêm, vận dụng hết trí tuệ, sức lực, nhiệt huyết để hoàn thành công việc trước tiến độ việc sửa chữa Nhà máy Sàng tuyển than Cửa Ông.
Phong trào “Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng” đã đoàn kết tất cả mọi lực lượng đoàn viên, thanh niên, huy động được 26.559 đoàn viên, thanh niên tham gia tòng quân, có trên 10.000 người vào Nam chiến đấu, trong đó có Binh đoàn Than với nhiều chiến công lẫy lừng, nhiều anh hùng chiến đấu được khen thưởng như Hà Quang Vóc, Đỗ Viết Cường, Đoàn Sinh Hưởng… Điều đáng ghi nhận hơn cả, đó là Tỉnh Đoàn và phong trào thanh niên Quảng Ninh được bầu là đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”. Năm 1973, Trung ương Đoàn chính thức trao tặng lá cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ cho Tỉnh Đoàn Quảng Ninh…

Những đóng góp sức người, sức của to lớn của quân và dân Quảng Ninh đã góp phần quan trọng cùng với cả nước hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược, đó là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; chi viện sức người, sức của cho miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Cho đến bây giờ, khí thế, bài học, ý nghĩa từ phong trào thi đua “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt” không chỉ mang những giá trị lịch sử sâu sắc, mà còn khẳng định sức mạnh của tinh thần kỷ luật và đồng tâm của con người Vùng mỏ.