21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3352121
1497603
Quảng Ninh sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày đầu toàn quốc kháng chiến
quang-ninh-sau-cach-mang-thang-tam-den-ngay-dau-toan-quoc-khang-chien
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Quảng Ninh sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày đầu toàn quốc kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á làm cho bọn đế quốc thực dân hết sức lo sợ. Nước Việt Nam vừa thành lập đã đứng trước khó khăn chồng chất, thử thách nghiêm trọng như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập đã đứng trước khó khăn chồng chất, thử thách như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tại Quảng Ninh khi ấy, quân Tưởng lợi dụng núp bóng quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật nhưng mục đích tạo chỗ đứng cho bọn Việt Quốc, Việt Cách phá hoại ta. Trong khi thực dân Pháp từng bước tìm cách trở lại xâm chiếm Vùng mỏ. Nhưng với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, quân và dân Vùng mỏ Quảng Ninh kiên quyết đứng lên đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng vì độc lập, tự do Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Emile Bertin ở Vịnh Hạ Long ngày 24/3/1946 theo lời mời của G. d'Argenlieu, Cao uỷ Pháp tại Đông Dương để bàn về thi hành Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Người đi bên tay trái Bác là Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đi bên phải Bác là Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Emile Bertin ở Vịnh Hạ Long ngày 24/3/1946 theo lời mời của G. d'Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương để bàn về thi hành Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Ảnh tư liệu

Trước tình thế thù trong giặc ngoài

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn do chế độ thực dân phong kiến để lại, như: Sản xuất đình đốn, nạn đói hoành hành, gần 2 triệu người chết đói, hơn 90% dân số mù chữ, tài chính quốc gia trống rỗng. Trung tuần tháng 9/1945, Sư đoàn 62 (thuộc Quân đoàn 66) của Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân đội Đồng minh vào giải giáp quân Nhật tràn qua biên giới, từ Móng Cái kéo về Hòn Gai, Quảng Yên. Theo sau quân Tưởng là bọn tay sai Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách) do Vũ Kim Thành, Nguyễn Ái, Nghiêm Kế Tổ cầm đầu, lực lượng khoảng 500 tên. Do được quân Tưởng che chở, bọn chúng tràn về Ba Chẽ, Cửa Ông, Cẩm Phả, Hòn Gai. Ở nhiều nơi quân Tưởng và bọn Việt Cách trắng trợn nổ súng tiến công lực lượng cách mạng ta, mưu toan biến vùng Đông Bắc thành sào huyện của chúng, lật đổ chính quyền nhân dân.

Cùng lúc, lợi dụng dựa thế quân Tưởng, bọn phỉ người Hoa ra sức hoành hành ở Yên Tử (Uông Bí), Yên Lập, Trới (Hoành Bồ). Ở khu vực miền Đông, phỉ từ biên giới Việt - Trung tràn xuống chiếm Ba Chẽ, Tiên Yên, Hà Cối… cát cứ một vùng rộng lớn, uy hiếp nghiêm trọng đời sống nhân dân và chính quyền cách mạng.

Trong khi đó, bọn thực dân Pháp luôn coi khu mỏ là một miếng mồi béo bở, hấp dẫn, chúng sẽ không dễ dàng từ bỏ. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 16/8/1945, tàn quân Pháp ở Phòng Thành (Trung Quốc) bỏ chạy sau khi bị Nhật đảo chính ngày 9/3/1945 đã tập hợp lực lượng tổ chức thành đơn vị vũ trang lấy tên là Mác-li-nhích chiếm Vạn Hoa và đảo Cô Tô. Do chưa đủ lực lượng nên Pháp chỉ củng cố vị trí chiếm đóng, đồng thời chúng lôi kéo quân Nhật chờ ngày giải giáp nhằm phá hoại an ninh chính trị, trật tự xã hội của chế độ ta.

Toàn cảnh khu phố Cửa Ông năm 1950. Ảnh Tư Liệu
Toàn cảnh khu phố Cửa Ông năm 1950. Ảnh tư liệu

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê… thế nhưng các cơ sở sản xuất than đang ở tình trạng thoi thóp, sản lượng than thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước cách mạng, ứ đọng lại không tiêu thụ được, đời sống công nhân khó khăn.

Trong khi đó, ở các tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò trọng yếu, nhưng do lũ lụt, hạn hán, chính sách áp bức bóc lột hà khắc của chế độ thực dân và nạn thổ phỉ, nền nông nghiệp vẫn trong tình trạng đình đốn, nông dân đói khổ, nhiều người bỏ làng phiêu bạt; các ngành kinh tế khác gần như hoàn toàn bị ngưng trệ vì chiến tranh, giặc cướp; khó khăn về kinh tế gắn liền tình hình thấp kém lạc hậu về văn hóa xã hội. Mặc dù chính quyền về tay nhân dân, nhưng để bảo vệ củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, nhân dân Quảng Ninh còn phải đấu tranh quyết liệt với thù trong giặc ngoài trong khoảng thời gian vô cùng cấp bách.

Củng cố chính quyền cách mạng

Với vai trò là cái nôi của giai cấp công nhân, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Quảng Ninh là địa bàn sớm có phong trào Việt Minh. Chiến khu Đông Triều ra đời tháng 6/1945 đã phối hợp với Việt Minh ở các huyện, thị giành chính quyền ở Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng…

Ngày 24/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Yên ra mắt nhân dân nhằm đoàn kết các đoàn thể quần chúng, nắm chắc lực lượng vũ trang và an ninh để đối phó các thế lực phản động bảo vệ xây dựng chế độ mới, cải thiện đời sống nhân dân.

Cùng với việc thành lập chính quyền cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện Yên Hưng, Cát Hải, Hoành Bồ, Hòn Gai được xây dựng; tháng 9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Cẩm Phả (bao gồm thị xã Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả (Vân Đồn ngày nay) được thành lập. Tháng 9/1945, Chi bộ Đảng ở Quảng Yên được thành lập, đồng chí Nguyễn Hồng Chương làm Bí thư. Chi bộ Đảng ở Quảng Yên phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ mới. 

Đại đội 54, bộ đội tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu
Đại đội 54, bộ đội tỉnh Hải Ninh trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Trung ương Đảng quyết định thành lập ban cán sự tỉnh Quảng Yên gồm 6 ủy viên, đồng chí Nguyễn Hải Chi làm Trưởng ban. Các đồng chí trong ban cán sự được phân công về phụ trách các huyện thị trong tỉnh. Đồng thời, Ban chấp hành Việt Minh tỉnh cũng được thành lập để tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng.

Chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Yên được thành lập đã khẩn trương giải quyết hàng loạt các vấn đề cấp thiết, nhằm củng cố tổ chức, khắc phục những khó khăn về kinh tế, xã hội; phong trào sản xuất tiết kiệm giải quyết nạn đói, bổ túc văn hóa xóa nạn mù chữ diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Cuối tháng 11/1945, Khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả tách khỏi tỉnh Quảng Yên, thành lập Khu đặc biệt Hòn Gai trực thuộc Trung ương. Khu đặc biệt Hòn Gai gồm có Hòn Gai, Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả (Vân Đồn ngày nay). Việc thành lập Khu đặc biệt Hòn Gai đã tạo điều kiện để Trung ương tập trung chỉ đạo đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng đầy khó khăn phức tạp ở địa bàn quan trọng này.

Cuối năm 1945, đầu năm 1946 một số huyện miền Đông vẫn do quân Tưởng và bọn tay sai Việt Cách cùng phỉ nắm giữ, ta chưa thể thành lập chính quyền cách mạng. Do đó, để đáp ứng yêu cầy xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng vùng biên giới đông Bắc, tháng 2/1946, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh ra đời, trụ sở đóng tại huyện Tiên Yên. Chính quyền cách mạng ở các xã thuộc tỉnh Hải Ninh nhanh chóng được xây dựng củng cố, trọng tâm là lực lượng dân quân tự vệ; tăng gia sản xuất, chống nạn đói, diệt giặc dốt, nhất là ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc tổng tuyển cử toàn quốc ngày 6/1/1946, tại tỉnh Quảng Yên và Khu đặc biệt Hòn Gai thật sự là ngày hội của nhân dân. Mặc dù bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách dựa vào quân Tưởng gây sức ép, nhưng kết quả bầu cử đã khẳng định uy tín lớn lao của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh. Hầu hết các đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao. Nhân dân các tỉnh Hải Ninh, Khu đặc biệt Hòn Gai, tỉnh Quảng Yên đã bầu 6 đại biểu tham gia Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng cả nước kháng chiến

Tháng 1/1946, quân đội Anh rút khỏi nam vĩ tuyến 16 nhường chỗ đứng cho Pháp. Đến ngày 28/2/1946, tại Trùng Khánh (Trung Quốc) Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Theo đó, Tưởng nhường cho Pháp thế chân ở Bắc Đông Dương, bù lại Pháp trả cho Tưởng tô giới cũng như tuyến đường xe lửa Vân Nam (Trung Quốc); hàng hóa của Tưởng qua cảng Sài Gòn được miễn thuế.

Chiếc lô cốt cách mà đại đội tự vệ khu mỏ đánh đêm 25/12/1946 giệt nhiều địch
Lô cốt tại khu 4, phường Hà Lầm (TP Hạ Long) là nơi Đại đội tự vệ công nhân mỏ đã tấn công vào đêm 25/12/1946 tiêu diệt 22 tên sĩ quan và lính Pháp.

Trước tình hình các thế lực đế quốc, thực dân cấu kết để dồn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào thế bất lợi, Trung ương Đảng đã chủ trương hòa với Pháp để gạt quân Tưởng ra khỏi nước ta, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.

Chính phủ ta ký với Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, theo đó, Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Ngược lại, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép 15.000 quân Pháp ra thay thế quân Tưởng, sau đó rút dần trong 5 năm.  

Ngày 4/4/1946, quân Tưởng rút khỏi Hòn Gai.

Ngày 13/4/1946, thực dân Pháp đưa 1.025 quân vào chiếm đóng Cửa Ông, Cẩm Phả, Hòn Gai. Tại Cửa Ông, Pháp cho quân đóng ở Đồn Cao, đồn khố xanh, lán sàng. Tại Cẩm Phả, chúng đóng quân ở trụ sở đại lý Pháp và khu nhà chủ mỏ. Tại Hòn Gai quân Pháp đóng ở đồi bệnh viện, Cột 5, Hà Lầm, Hà Tu. Chúng đặt súng ở phà Bãi Cháy ngăn cấm người qua lại. Quân Pháp đóng ở Hòn Gai, Cẩm Phả hung hăng ngạo mạn, chúng trắng trợn nổ súng vào vị trí canh gác của dân quân tự vệ, cướp bóc tài sản nhân dân, đánh lộn ngoài chợ, đi xe cán người bỏ chạy; bọn chủ mỏ lợi dụng ra sức bóc lột công nhân...

Ngày 5/6/1946, quân Pháp ở Cửa Ông nổ súng tấn công các vị trí của bộ đội ta, bắt một số chiến sĩ công an, giết hại 2 chiến sĩ khác, thu 11 súng và chiếm giữ luôn vị trí này.

Trước tình thế ngang ngược, ngày 29/6/1946, Đảng bộ khu Hồng Quảng đã phát động công nhân mỏ tổng bãi công với hơn 4.000 người tham gia phản đối chủ mỏ Pháp đuổi thợ, cúp lương công nhân.

Đến ngày 7/7/1946, quân Pháp gây ra vụ đốt phá, tàn sát đẫm máu nhân dân ở Lán Bè (TP Hạ Long ngày nay), làm nhiều dân thường chết và bị thương, 90 ngôi nhà bị thiêu rụi, nhân dân vô cùng phẫn nộ, hàng trăm người xuống đường biểu tình đấu tranh.

Người dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào giải phóng. Ảnh Tư liệu
Nhân dân Cẩm Phả tưng bừng đón bộ đội vào tiếp quản. Ảnh tư liệu

Ngày 17/7/1946, quân Pháp ở Vạn Hoa cấu kết với quân "Xứ Nùng tự trị" thực chất là phỉ của Voòng A Sáng đánh chiếm Tiên Yên, sau đó tiến ra Đầm Hà, lên Bình Liêu để thay thế quân Tưởng.

Tháng 8/1946, quân Pháp dùng bọn phỉ tổ chức trận càn lớn vào Bản Hà, Khe Mò, Hà Lâu (Tiên Yên) nhưng đã bị Trung đoàn Tiên Yên và du kích kiên quyết đánh trả, bẻ gãy cuộc càn, bảo vệ nhân dân thu hoạch lúa mùa.

Cho tới trung tuần tháng 12/1946, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi ấy, quân Pháp đã tập trung xung quanh khu mỏ, chiếm những vị trí quan trọng, khống chế giao thông thủy bộ. Pháp tăng thêm quân ở thị xã Hòn Gai.

Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Tại Quảng Ninh, sáng ngày 20/12/1946, chúng đưa tối hậu thư đòi Ủy ban Hành chính đặc khu Hòn Gai đầu hàng. Trưa cùng ngày, chúng cho quân phong toả, đánh chiếm trụ sở các cơ quan của ta. Bộ đội và tự vệ chiến đấu đã tổ chức đánh địch bảo vệ an toàn cho các cơ quan dân chính Đảng rút ra ngoài.

Tại Cửa Ông, đêm 20/12/1946, bộ đội ta đã tập kích quân Pháp ở đồn Cao. Các đơn vị tự vệ cùng công nhân đã phá hoại nhiều phương tiện, máy móc và bảo vệ cho cơ quan và nhân dân rút ra khỏi thị trấn an toàn.

Ngày 21/12/1946, các lực lượng vũ trang, cơ quan đặc khu và thị xã Hòn Gai đã tới Xích Thổ, sau đó về Sơn Dương (Hoành Bồ, nay thuộc TP Hạ Long).

Đêm 24, rạng sáng ngày 25/12/1946, Đại đội tự vệ công nhân mỏ (sau đổi tên Đại đội Hồ Chí Minh) nổ súng tấn công vào bốt Hà Lầm (nay TP Hạ Long) tiêu diệt gần 22 tên sĩ quan Pháp, thu 1 trung liên, 1 tiểu liên và 7 súng trường và một số quân trang, quân dụng khác của địch. Đây là trận tấn công đồn đầu tiên của lực lượng vũ trang khu mỏ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Ngày 30/12/1946, tại xã Sơn Dương, Đại đội Hồ Chí Minh được thành lập. Đây là đơn vị bộ đội đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, gồm hầu hết là công nhân và con em công nhân mỏ.

Để thống nhất chỉ đạo kháng chiến, ngày 31/3/1947, liên tỉnh Quảng Hồng được thành lập bao gồm tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai và các huyện Thủy Nguyên, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Đông Triều. Đồng chí Nguyễn Công Hoà được chỉ định làm Bí thư Liên tỉnh ủy.

Ngày 16/12/1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu I đã quyết định tách tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai. Tỉnh Quảng Ninh khi đó lại bao gồm tỉnh Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai.

Cùng chuyên mục