21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3351703
1497220
Ngọc Vừng - Đảo nhỏ anh hùng
ngoc-vung-dao-nho-anh-hung
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Ngọc Vừng - Đảo nhỏ anh hùng

Được coi là cửa ngõ án ngữ vùng biển phía đông Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, trải qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) đã một lòng kiên định bám đất, bám làng chống lại càn quét của địch, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, lập trận địa phòng không bắn rơi hàng chục máy bay các loại. Trong đó có chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời Quảng Ninh, Ngọc Vừng trở thành số ít xã được phong Anh hùng LLVTND.

Được coi là cửa ngõ án ngữ vùng biển phía Đông Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, trải qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) đã một lòng kiên định bám đất, bám làng chống lại càn quét của địch, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, lập trận địa phòng không bắn rơi hàng chục máy bay các loại. Trong đó chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời Quảng Ninh. Ngọc Vừng trở thành số ít xã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đảo Ngọc kiên cường

Trải qua nhiều triều đại phong kiến, đảo Ngọc Vừng luôn được coi là địa bàn trọng yếu được quan tâm chú trọng, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Việt. Thời vua Trần Dụ Tông (1349) cho lập trấn Vân Đồn, xây dựng đồn Điếm Canh phía Tây Bắc đảo để sớm phát hiện và chống lại bọn xâm lược phương Bắc. Đến thời nhà Mạc (1527-1595) đã đưa quân ra đảo Ngọc Vừng xây dựng thành Cửa Mai để trấn giữ cướp biển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Năm 1709, thời vua Lê Dụ Tông, xã Ngọc Vừng nằm trong châu Vân Đồn của trấn Quảng Yên. Dưới triều nhà Nguyễn và thời thuộc Pháp, xã Ngọc Vừng nằm trong trấn Vân Hải, sau đó trở thành một thôn của tổng Vân Hải. Địa chủ của tổng Vân Hải đóng tại xã Quan Lạn ra sức bóc lột. Nạn đói đầu năm 1945, toàn xã có 350 nhân khẩu thì có 82 người chết đói, có gia đình chết không còn ai.

Bác Hồ về thăm xã đảo Ngọc Vừng và chụp ảnh cùng các em học sinh ngày 12/11/1962. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ về thăm xã đảo Ngọc Vừng ngày 12/11/1962. (Ảnh tư liệu)

Mặc dù nằm xa với đất liền, nhưng dưới ánh sáng của Đảng, người dân xã Ngọc Vừng đã đoàn kết, cùng nhau chống lại bọn thực dân phong kiến và bè lũ tay sai bán nước. Cách mạng Tháng  Tám năm 1945 bùng nổ. Ngày 27/9/1945, lực lượng của ta giành chính quyền ở Cẩm Phả. Chiều cùng ngày, đại diện Việt Minh từ thị xã Cẩm Phả đã đến đảo Ngọc Vừng lãnh đạo nhóm thanh niên ưu tú của xã đứng lên giành chính quyền, tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến và tay sai thân Nhật, đồng thời ban hành 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Ngọc Vừng. Từ đây xã Ngọc Vừng trở thành một đơn vị hành chính độc lập không thuộc một thôn của tổng Vân Hải nữa mà thuộc châu Cẩm Phả (TP Cẩm Phả ngày nay).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Ngọc Vừng đã triển khai ngay việc cấp bách tăng gia sản xuất đảm bảo không ai bị đói; thực hiện phong trào “Bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ, thực hiện đời sống mới...

Ngày 8/1/1946, nhân dân xã Ngọc Vừng đi bầu cử, bầu ra Ủy ban Kháng chiến Hành chính thay cho Ủy ban lâm thời xã càng khẳng định quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Cuối năm 1946, Pháp tiến hành xâm lược nước ta lần nữa. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lúc này toàn tuyến đảo tổng Vân Hải (trong đó có Ngọc Vừng) bị đứt liên lạc với Đặc khu Hòn Gai. Xã Ngọc Vừng và toàn bộ tổng Vân Hải thuộc quyền quản lý của Chiến khu III (tỉnh Thái Bình). Nhiều đợt, các đặc phái viên cách mạng từ Huyện ủy Thụy Anh (tỉnh Thái Bình) vượt biển đến Ngọc Vừng phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đào tạo cán bộ, huấn luyện quân sự, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp. Tháng 12/1948, khu Vân Hải chuyển về Đặc khu Hòn Gai quản lý. Mặc dù bị địch khủng bố gắt gao nhưng cơ sở đảng ở xã Ngọc Vừng đã được xây dựng. Tháng 6/1949, 3 đảng viên đầu tiên của xã Ngọc Vừng được kết nạp.

Lãnh đạo xã Ngọc Vừng bàn phương án tác chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Lãnh đạo xã Ngọc Vừng bàn phương án tác chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ảnh Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và tay sai (1951-1952) là giặc Pháp khủng bố dữ dội; các cơ sở liên xã Vân Hải bị vỡ, nhiều cán bộ cách mạng rút về Ngọc Vừng hoạt động bí mật. Đường liên lạc giữa liên xã Vân Hải và Đặc khu Hòn Gai bị đứt. Mặc dù vậy, nhân dân xã Ngọc Vừng luôn kiên cường bám đất, bám làng, không đi lính cho Pháp. Từ năm 1949 đến 1952, toàn xã có 19 thanh niên tòng quân giết giặc. Sau khi quân ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ 7/5/1954), nhân dân xã Ngọc Vừng biết tin đã tổ chức mít tinh mừng chiến thắng.

Vững vàng dưới mưa bom

Ngọc Vừng là một trong số rất ít các xã đảo cả nước đã được hầu hết các lãnh đạo Đảng, nhà nước đến thăm, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Ngày 12/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm quân và dân trên đảo, Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân: “Phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân; dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo; bộ đội và nhân dân phải đoàn kết, bộ đội phải giúp nhân dân sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Nhân dân phải giúp bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.

Các khẩu đội phòng không 12,7mm trên đảo Ngọc Vừng bắn rơi máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh ngày 24/12/1972. Ảnh Tư liệu
Các khẩu đội phòng không 12,7mm trên đảo Ngọc Vừng bắn rơi máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh ngày 24/12/1972. Ảnh Tư liệu

Với vị trí vô cùng quan trọng, xã Ngọc Vừng án ngữ đường hàng hải quốc tế vào cảng Cửa Ông, Hòn Gai, Hải Phòng và đường hàng không. Máy bay Mỹ muốn vào đánh phá Vùng mỏ và nhiều địa phương ở miền Bắc đều phải đi qua khu vực đảo Ngọc Vừng. Vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngọc Vừng là một trong những mục tiêu địch đánh phá ác liệt, thậm chí là hủy diệt. Trong nhiều lần địch trực tiếp ném bom vào các trận địa phòng không của quân, dân ta ở Ngọc Vừng, hoặc sau khi chúng đánh phá các địa điểm khác trên bầu trời miền Bắc, khi bay qua Ngọc Vừng, bom tồn trong máy bay, địch cũng sẽ chút toàn bộ xuống bất kỳ chỗ nào trên đảo.

Ông Nguyễn Thanh Sửu (bên trái) Trung đội Trưởng Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng chỉ huy bắn rơi máy bay thứ 200 giặc mỹ tại bầu trời Quảng Ninh. Ảnh Tư liệu
Ông Nguyễn Thanh Sửu (ngoài cùng bên trái), Trung đội Trưởng Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng chỉ huy bắn rơi máy bay thứ 200 giặc mỹ tại bầu trời Quảng Ninh ngày 24/12/1972. Ảnh Tư liệu

Sau khi gây cớ ra cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom vào Hòn Gai và nhiều vị trí ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình (5/8/1964), mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngăn cản sự chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Ngày 10/5/1965, Mỹ cho máy bay trở lại đánh phá Quảng Ninh. Ngày 20/9/1965, 3 máy bay của hải quân Mỹ vào bắn phá Hòn Gai, Cẩm Phả. Khi bay đến Ngọc Vừng bị lực lượng phòng không trên đảo bắn cháy 1 chiếc, 2 chiếc còn lại tháo chạy. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, khí phách “Nhìn thẳng quân thù bắn”, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), quân và dân xã Ngọc Vừng đã đánh 231 trận, bắn rơi 14 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác của giặc Mỹ.

Ông Nguyễn Thanh Sửu, vẫn nhớ rõ những ngày tháng trực tiếp đánh máy bay Mỹ cách đây hơn 50 năm.
Ông Nguyễn Thanh Sửu (nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô) vẫn nhớ rõ những ngày tháng trực tiếp đánh máy bay Mỹ cách đây hơn 50 năm.

Giai đoạn phá hoại ác liệt nhất của giặc Mỹ ở miền Bắc (1968-1973), xã Ngọc Vừng được ví là “rốn bom” của địch đánh phá. Cảng Cống Yên, xã Ngọc Vừng là địa điểm tập kết tàu thuyền chở vũ khí, lương thực của các nước xã hội chủ nghĩa giúp ta. Mặt khác hải quân của ta chốt tại hang Quan và vùng núi đá Cửa Triều (xã Thắng Lợi ngày nay) canh giữ vùng biển, do vậy, Mỹ đánh phá Ngọc Vừng bằng không quân, thả thủy lôi. Ngày 3/5/1972, huyện Cẩm Phả (Vân Đồn ngày nay) chở 30 tấn gạo, ngô trên 2 thuyền cung cấp cho quân, dân đảo Ngọc Vừng để phục vụ chiến đấu. Thuyền cập bến cảng Cống Yên, sau khi máy bay Mỹ phát hiện, lao đến ném bom, bắn rốc két làm nhiều cán bộ, chiến sĩ ở cảng hy sinh.

Nhớ lại những năm tháng ác liệt đó, bà Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi (lúc đó là Bí thư đoàn Thanh niên xã Ngọc Vừng) phụ trách 7 nữ đoàn viên thanh niên tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Bà Lan không thể quên được chiều 3/8/1972, địch ném bom cảng Cống Yên làm chết 4 người và nhiều người bị thương. Bà Lan kể: Ngay trời bắt đầu sẩm tối, bất ngờ các tốp máy bay Mỹ đến tập kích vào cảng, từng loạt bom làm mặt đất rung chuyển. Sau khoảng 30 phút đánh phá chúng rút lui, chúng tôi cùng 7 đoàn thanh niên và 4 chiến sĩ bộ đội hỗ trợ. Cảng Cống Yên tang hoang, lửa bốc cháy dữ dội khu nhà kho. Có 2 đồng chí công nhân cảng bị thương ở đầu và chân, chúng tôi đem cáng để vận chuyển vào trong trạm xá cách 7km.

Bà Nguyễn Thị Lan (nguyên Bí thư đoàn Thanh niên xã Ngọc Vừng năm 1972) trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu đánh máy Mỹ những năm tháng chiến tranh.
Bà Nguyễn Thị Lan (nguyên Bí thư đoàn Thanh niên xã Ngọc Vừng năm 1972) trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Còn bà Nguyễn Thị Hoan (72 tuổi) là một trong 7 thanh niên tải thương trong trận đánh đó kể: Lúc đó khói lửa mù mịt, bộ đội dân quân khiêng người bị chết ra, còn người bị thương thì chúng tôi đưa vào trạm xá. 3 người phụ trách một cáng thay nhau khênh. Đồng chí bị thương ở chân máu chảy rất nhiều. Quãng đường đi hiểm trở, nhưng lúc đó thanh niên trẻ, ai cũng hăng hái. Mọi người dò dẫm không được bật đèn đề phòng máy bay địch phát hiện.

Để triển khai trận địa đánh địch, xã Ngọc Vừng bố trí các trận địa phòng không dày đặc từ 12,7mm, 14,5mm, đến 37mm bố trí nằm ở các địa điểm khác nhau để đón lõng máy bay địch khi chúng vào đánh phá. Cuối tháng 12/1972 là giai đoạn ác liệt nhất của quân và dân xã đảo Ngọc Vừng, hầu như ngày nào cũng có máy bay địch đến đánh phá. Ngày 19/12/1972, ba máy bay địch từ biển bay vào sa vào lưới lửa phòng không 14,5mm và 12,7mm của ta ở phía Đông đảo, 1 chiếc bốc cháy lao xuống biển khu vực xã Quan Lạn. Ngày 23/12/1972, một tốp máy bay Mỹ vào bắn phá trung tâm đảo Ngọc Vừng. Các trận địa bắn lên quyết liệt khiến 1 máy bay trúng đạn bốc cháy, rơi xuống bãi biển Trường Chinh.

Bà Nguyễn Thị Hoan là một trong 7 thanh niên tải thương trong trận đánh cuối năm 1972 chỉ khu vực Cảng Cống Yên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
Bà Nguyễn Thị Hoan là một trong 7 thanh niên tải thương trong trận đánh cuối năm 1972 chỉ khu vực cảng Cống Yên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Ngày 24/12/1972, hai chiếc máy bay của Mỹ từ biển vào đánh phá Ngọc Vừng, quân và dân trên đảo đã đánh trả. Các chiến sĩ dân quân tại đồi Điếm Canh đã bắn rơi 1 chiếc máy bay F4 của giặc Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Thanh Sửu là Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã, chỉ huy trung đội súng máy 12,7mm bắn rơi máy bay thứ 200 giặc Mỹ tại bầu trời Quảng Ninh kể: Trời cuối năm mù sương, lúc đó tầm 15h chiều, trung đội tôi có 3 khẩu đội 12,7mm đặt tại đồi Điềm Canh gồm 6 đồng chí. Khi có tiếng máy bay ù ù từ ngoài biển vọng lại, quan sát chúng tôi thấy có 2 chiếc F4 bay nối đuôi nhau. Tôi hô tập trung chiếc bay phía sau, lấy mục tiêu tọa độ. Khi chúng vừa đến tôi hô “bắn” các khẩu đội đồng loạt bắn loạt dài. Chiếc F4 chớp đuôi phụt khói và lao xuống biển tại xã Thắng Lợi. Tên giặc lái nhảy xuống biển bị quân và dân ta cho thuyền vây bắt, nhưng chống trả quyết liệt đã bị ta tiêu diệt. Xác tên phi công sau đó được đưa về cảng Cống Yên.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn thăm quân và dân xã đảo Ngọc Vừng ngày 5/6/1977. Ảnh Tư liệu
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn thăm quân và dân xã đảo Ngọc Vừng ngày 5/6/1977. Ảnh Tư liệu

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xã Ngọc Vừng phải chịu 1.588 quả bom các loại, 1.697 quả rốc két, chiếm 2/3 số lượng bom và rốc két chúng ném xuống các xã khác của huyện Cẩm Phả. Quân và dân xã Ngọc Vừng đã mưu trí dũng cảm bắn rơi 23 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 200 bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh. Với nhiều chiến công vang dội, Ngọc Vừng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973.

Ngày 15/6/1977, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đến thăm và khen ngợi quân dân Ngọc Vừng đã chiến đấu dũng cảm bắn rơi 23 máy bay của kẻ cướp Mỹ, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đó cũng là động lực để Đảng, chính quyền và nhân dân xã đảo phải phấn đấu trở thành đơn vị vững về chính trị, giàu về kinh tế an ninh quốc phòng.

Chiến tranh lùi xa, giờ đây Ngọc Vừng đã dần hiện ra với diện mạo mới như viên ngọc sáng giữa vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc vững bước đi lên. Dưới bàn tay cần cù và khối óc sáng tạo, người dân Ngọc Vừng đang ra sức xây dựng quê hương tươi đẹp hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng chuyên mục