Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, lực lượng vũ trang của Việt Minh chỉ trong buổi sáng 8-6-1945 đã đánh thắng 4 đồn địch gồm đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch (Đông Triều) và Chí Linh (Hải Dương).
Đây là một chiến công vang dội đánh dấu ngày chính thức ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo (hay còn gọi là Đệ tứ Chiến khu - Chiến khu Đông Triều) theo nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Bộ để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Từ đó, lực lượng vũ trang của Việt Minh đã đánh chiếm TX Quảng Yên, tiếp tục đánh đuổi cường hào ác bá, xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân ở TP Hải Phòng và cả vùng duyên hải Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám thành công.
![]() |
Lô cốt chỉ huy ở Đồn Cao. |
Bà Trần Thị Nghĩa (bí danh Bé), 91 tuổi, hiện ở khu phố Dân Chủ, phường Mạo Khê (TX Đông Triều) kể lại ngày mà bà đã hoà mình vào không khí cách mạng năm 1945. Ngày ấy, bà mới 19 tuổi, sống cùng gia đình ở chân Đồn Cao (nay là phường Đông Triều). Sáng sớm 8-6-1945, người dân quanh đó đổ ra đường cái hoan hô cách mạng. Chúng tôi thấy đoàn quân mang cờ đỏ sao vàng tiến lên phía Đồn Cao thì cùng háo hức chạy theo, khi xông vào đồn đã thấy binh lính bỏ súng đầu hàng. Ngay lúc đó, chúng tôi được phân công vào phá kho lấy thóc để đưa đi cứu đói cho nhân dân quanh vùng. Những ngày sau đó, chúng tôi được phân công phục vụ nghĩa quân cách mạng đã chiếm được Đồn Cao, đi tham gia các cuộc mít tinh tại phố Đông Triều. Chúng tôi phục vụ nghĩa quân cách mạng ở Đồn Cao đến cuối năm 1945 thì chia tay một số anh em đi Nam tiến, còn chúng tôi ở lại tham gia đội du kích kháng Nhật. Những ngày sau đó, chúng tôi được đưa vào căn cứ cách mạng ở Tân Mộc (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) và tiếp tục phục vụ cách mạng trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp...
Đồn Cao nằm trên quả đồi có độ cao 61m, có diện tích trên 14,5ha, thuộc địa phận phường Đông Triều và xã Hồng Phong. Vị trí Đồn Cao án ngữ tuyến giao thông huyết mạch QL18 Chí Linh (Hải Dương) - Uông Bí và từ Kinh Môn (Hải Dương) - Đông Triều. Đứng trên lô cốt chỉ huy ở Đồn Cao có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang Tây của khu vực Đông Triều. Năm 1896, thực dân Pháp đã xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược và khai thác vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều. Ngày 8-6-1945, Đồn Cao đã thuộc quyền quản lý của lực lượng vũ trang cách mạng. Năm 1947, thực dân Pháp chiếm lại Đông Triều đã cho xây dựng củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa. Năm 1951, tại Đồn Cao đã xây dựng 2 hầm ngầm, 14 lô cốt, 2 trận địa pháo và hệ thống nhà chỉ huy, nhà nghỉ, khu ăn chơi, khu biệt giam tra tấn tù cộng sản. Các công trình này được bố trí liên hoàn, vững chắc, xung quanh được xây dựng hàng rào kẽm gai bảo vệ trung tâm chỉ huy. Từ năm 1951 đến 1954, Đồn Cao chủ yếu làm nhiệm vụ khống chế và kiểm soát các hoạt động của ta trên toàn tuyến QL18 và chi viện đắc lực cho các cuộc hành quân càn quét cướp bóc của Pháp trong khu vực.
Hiện 12 lô cốt còn nguyên vẹn, đường hầm đã được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh, riêng khu vực nhà sở chỉ huy, khu sinh hoạt và khu biệt giam của Pháp xây dựng đã bị phá, tháo dỡ phần mái và tường. Năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo khu vực di tích Đồn Cao để TX Đông Triều xây dựng thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng thời kỳ chống thực dân Pháp.
Ngày 24-5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2078/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Đồn Cao. Cùng với khu đình, chùa Hổ Lao (xã Tân Việt), chùa Bắc Mã (xã Bình Dương), di tích Đồn Cao là những địa danh gắn liền với sự hình thành và ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo - Khu di tích quốc gia thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trong thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Quảng Ninh nói riêng và vùng duyên hải Bắc Bộ nói chung.
Nguyễn Xuân (CTV)