Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hàng ngàn giáo viên từ cấp I đến đại học. Tôi vinh dự được là một trong số giáo viên ấy.
Số giáo viên Quảng Ninh được chi viện cho miền Nam (gọi là đi B), tôi biết chia thành 3 đợt. Đợt 1 (cuối năm 1972) có anh Hồ Cẩn, Hiệu trưởng Trường Sư phạm bồi dưỡng, kiêm dạy chính trị và anh Nguyễn Thế Quang, giáo viên văn. Hai anh này thực ra là người miền Nam. Đợt 2 (tháng 3/1973), có anh Phạm Bá Suý và Phạm Bá Đằng. Đợt 3 (tháng 6/1973) có số đông là giáo viên cấp III, có các anh: Trần Trọng Lan, Ngô Văn Hiểu, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Trọng Thiều, Nguyễn Văn Doanh, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Quốc Hội, Huỳnh Bé, Nguyễn Văn Quê, và mấy anh cấp II như anh Hiệp, anh Tấn…
Vào miền Nam, chúng tôi được cử đi nhiều khu, tỉnh khác nhau như anh Hiệp, anh Tấn đi khu 9, anh Đằng, anh Đức và tôi đi khu 8, anh Doanh đi Bình Phước… Dù ở đâu, chúng tôi cũng đều công tác tốt, lành mạnh và an toàn cho đến sau ngày 30/4/1975. Trong thời gian dạy các lớp học tại miền Nam, kỷ niệm thì có nhiều nhưng tôi nhớ nhất là buổi học ngày 30/4/1975 - ngày đất nước thống nhất.
Trước đó, từ giữa tháng 3/1975, nhiều tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên được giải phóng, làm cho nhân dân ta rất phấn khởi. Ai cũng chăm chú theo dõi chiến sự hằng ngày. Tại vùng giải phóng, những ngày này, chúng tôi thường mở radio để nghe tin tức Đài Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng, nhiều lúc còn nghe cả Đài Phát thanh Sài Gòn.

Sáng ngày 30/4/1975, tại một cái lán nhỏ của Trường Cán bộ y tế khu Trung Nam Bộ nằm trên đất Campuchia, tôi vừa chuẩn bị bài vở lên lớp, vừa nghe tin tức Đài Sài Gòn. Mọi ngày, đài này nói mạnh lắm. Vậy mà hôm nay rất lạ, đài nói yếu hẳn, giọng phát thanh viên nghe rất buồn.
Khoảng 9 giờ, đài tự nhiên ngừng mấy giây rồi giọng phát thanh viên nói tiếp nhưng giọng vẫn yếu và buồn bã: “Mời đồng bào mở sẵn máy thu thanh và truyền hình để nghe tin tức đặc biệt”. Sau câu nói ấy là những bản nhạc vàng rời rạc, nối tiếp nhau được phát ra liên tục mà không có một lời giới thiệu nào.
Ngừng mấy giây rồi lại lặp lại câu nói buồn bã lúc trước: “Mời đồng bào…”, rồi lại hát nhạc vàng và lặp lại cái câu “Mời đồng bào…” ý chừng như là lấp chỗ trống cho buổi phát thanh “đặc biệt”.
Tôi lấy làm lạ liền vặn to máy nghe cho rõ. Bỗng đài ngừng hát lâu hơn, rồi đột nhiên một giọng đàn ông buồn bã nói yếu ớt, đại ý: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà xin đầu hàng. Mời Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng nhận bàn giao…”. Rồi Đài lại phát những bản nhạc vàng như lúc trước. Nghe xong tôi sung sướng đến rơi nước mắt, vội nhảy cẫng lên.

Ba chân bốn cẳng, tôi giẫm đạp lên bao cây que gai lao sang lán bên cách tôi chừng 10 mét báo tin cho anh Tư Thân, Bí thư Chi bộ, Hiệu phó nhà trường biết. Là người nhiều tuổi lại từng trải hơn tôi, anh Tư Thân bình tĩnh bảo: “Không biết là nó chịu đầu hàng thật hay giả. Hãy cảnh giác với tụi nó đấy”. Nghe anh Tư Thân nên sau đó tôi không dám báo cho ai biết cái tin tôi vừa nghe được.
Hơn 12 giờ trưa, tôi lên lớp dạy như thường. Dạy được chừng 15 phút, tôi nghe từ phía sau bục giảng có người gọi nhỏ: “Thầy Hai! Thầy Hai!”. Tôi ngoảnh lại thì thấy anh Tám Tiền, cán bộ tổ chức của nhà trường đứng đó.
Anh Tám nói luôn: “Thầy cho tôi thông báo bức điện của khu ủy về việc Dương Văn Minh đầu hàng”. Tôi nói: “Xin mời anh!”.
Lúc anh Tám đọc, cả lớp tưởng như nín thở. Anh vừa dứt lời, hơn bảy chục học viên của tôi, toàn những người lớn tuổi vỡ òa sung sướng, rộn lên hò reo như một đám hội. Người đứng, người ngồi, nói cười, vỗ tay, đập bàn, đập ghế, tung khăn, tung mũ, có người bất ngờ khóc hu hu; lại có người cao hứng sẵn súng bên mình hứng nòng lên trời nhả đạn đoàng đoàng, gây náo động cả khu rừng.
Chương trình khoa học chưa hết nhưng đến đây coi như kết thúc. Hôm sau, thầy trò nhận lệnh kéo về tiếp quản các tỉnh trong khu với niềm vui khôn tả.