21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3354483
1499796
Ký ức về Đại thắng mùa Xuân của người lính giải phóng
ky-uc-ve-dai-thang-mua-xuan-cua-nguoi-linh-giai-phong
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Ký ức về Đại thắng mùa Xuân của người lính giải phóng

Những ngày tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được gặp và trò chuyện với những CCB đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.

Trong những ngày của tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được gặp và trò chuyện với những CCB đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của toàn dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí những người lính năm xưa.

CCB Nguyễn Quốc Chiến (ngoài cùng, bên phải) kể về thời gian tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Đông Triều, CCB Nguyễn Quốc Chiến đã dành cả thời tuổi trẻ xông pha trên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhập ngũ đợt đầu tiên của năm 1972, hăng hái ra trận với tinh thần cách mạng dâng cao, chàng trai Nguyễn Quốc Chiến khi mới ở độ tuổi 20 đã sát cánh cùng đồng đội ở Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 trên nhiều tuyến lửa tại mặt trận phía Nam.

Mưa bom bão đạn ác liệt đã khiến nhiều đồng đội ngã xuống, nhưng bước chân hành quân của những người lính trẻ vẫn không dừng lại. Chàng trai Vùng mỏ Nguyễn Quốc Chiến đã góp phần vào nhiều chiến công vang dội, từ cánh quân chốt chặn ở Bình Long, Phước Long, cho tới mũi đánh chiếm Nam Tây Nguyên, giải phóng TX Xuân Lộc - “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, rồi đến mặt trận Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa...

ĐVTN phường Mạo Khê (TP Đông Triều) lắng nghe chuyện kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua lời kể của các CCB.

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về không khí sục sôi chiến đấu dồn dập khắp các chiến trường miền Nam vẫn khiến ông Chiến không khỏi nghẹn ngèo xúc động. Đặc biệt là những cuộc chiến giằng co ác liệt của quân ta với kẻ địch trong từng căn nhà, trên từng góc phố... với quyết tâm bằng mọi giá phải mở đường tiến nhanh, hướng mũi tấn công chính diện và thần tốc vào Sài Gòn - Gia Định.

Và thời khắc không thể nào quên là đúng 11h30' ngày 30/4/1975, cánh cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng 390 húc đổ, quân ta đã làm chủ sào huyệt cuối cùng của địch. Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Lá cờ cách mạng với ngôi sao vàng rực rỡ tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy, kết thúc 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

Trong giờ khắc ấy, ông Chiến kể rằng cảm giác như trái tim nhảy ra khỏi lồng ngực vì quá đỗi sung sướng. Anh em, đồng đội vui mừng ôm nhau cùng nhảy múa. Nhìn ra xung quanh biết bao người dân cũng đổ xuống đường reo mừng toàn thắng đã về ta.

Hồi ức tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 của người lính pháo cao xạ Nguyễn Văn Châu cũng đầy ắp cảm xúc, dù đã nửa thế kỷ qua đi. Trong căn nhà nhỏ ở khu phố 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, ông Châu vẫn còn lưu giữ những kỷ vật nhắc nhớ về cuộc chiến năm xưa. 50 năm trước ông Châu là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 262, Sư đoàn 3, đã trực tiếp có mặt tại Hà Nội trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không. Năm 1975 ông được tham gia mũi tiến công đánh vào Đông Nam Bộ.

Một trong những ký ức sâu đậm không thể nào quên là khi ông Châu tận mắt chứng kiến hàng trăm đồng đội hy sinh khi vượt sông Vàm Cỏ tiến về Sài Gòn - Gia Định với tinh thần quyết tử vì Tổ quốc dâng lên cao trào. Sau này nghĩ lại, ông Châu cho rằng một trong những động lực giúp đoàn quân vững bước, chính là được nghe Bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời hịch tướng sĩ: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Ông Châu rưng rưng nhớ lại giây phút lịch sử của dân tộc: Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nghe tin ấy, tất cả chúng tôi ai nấy đều vỡ òa trong niềm vui, nô nức hò reo trong câu hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

CCB Nguyễn Văn Châu (thứ 3, phải sang) chia sẻ về thời gian tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Những kỷ vật của CCB Nguyễn Văn Châu.

Giữa những ngày của tháng 4 lịch sử, câu chuyện về chiến thắng 30/4/1975 vẫn sống mãi qua ký ức của những người lính năm xưa. Trong cuộc chiến giải phóng dân tộc, cùng với cả nước, hàng nghìn người con đất mỏ Quảng Ninh đã xung phong lên đường tham gia chiến đấu. Có nhiều người đã không kịp chứng kiến giờ phút lịch sử của ngày toàn thắng, xương máu của họ đã giúp dân tộc đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành lấy độc lập, tự do.

Những người được may mắn trở về trong khúc khải hoàn lại tiếp tục làm nòng cốt, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", thầm lặng cống hiến trong lao động, sản xuất, ra sức góp công sức, trí tuệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Như CCB Nguyễn Văn Châu, rời quân ngũ ông về công tác tại ngành điện Quảng Ninh suốt 22 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2000. Sau đó ông tiếp tục tham gia phong trào CCB tại cơ sở, là Chi hội phó Chi hội CCB khu phố 2 (phường Hồng Hà) nơi ông cư trú. Còn CCB Nguyễn Quốc Chiến cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” suốt nhiều năm; được dân tin, Đảng cử, giao đảm nhiệm vai trò Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.

Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, mà còn là dịp để truyền cảm hứng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ được sống, học tập và cống hiến, dựng xây đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha, anh.

Cùng chuyên mục