Nhiều cựu chiến binh từng là chiến sĩ Binh đoàn Than còn nhớ mãi chuyện tại Nghĩa trang Liệt sĩ Kon Tum trước đây, có một phần mộ có dòng chữ ghi quê quán liệt sĩ rất đặc biệt là “Công ty Than Hòn Gai”. Sinh thời, chiến sĩ ấy đã luôn tự hào tâm niệm rằng, sống là lính Binh đoàn Than, chết cũng là người vùng than. Hài cốt của anh đã được di dời về quê hương an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long) nhưng câu chuyện quê quán của liệt sĩ thì vẫn được đồng đội kể cho con cháu mãi sau này.

Người chiến sĩ ấy là Tạ Quang Truyện sinh năm 1947 là con trai của ông Tạ Quang Bức (bí danh là Lê Vinh), nguyên Phó Giám đốc Công ty Than Hòn Gai (lúc đó Công ty Than Hòn Gai bao gồm tất cả các mỏ ở Quảng Ninh, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bây giờ. Ông Lê Vinh là người yêu mỏ, được ngành Than tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo nhiều mỏ than.

Ông thường xuyên giáo dục cho con cái tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về ngành Than và tỉnh Quảng Ninh mà mình gắn bó, cống hiến cả cuộc đời. Không chỉ là lãnh đạo ngành Than với những quyết sách đúng đắn, ông Lê Vinh còn là người động viên thợ mỏ lên đường chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Trong đoàn quân của Binh đoàn Than năm ấy, có cả con trai ông, người đã được ông động viên nhập ngũ.

Mặc dù là con của lãnh đạo nhưng khi ngành Than tuyển quân, chàng trai Tạ Quang Truyện hăng hái viết đơn xung phong nhập ngũ. Vì lúc đó người quá thấp bé lại thiếu cân nên chàng trai Tạ Quang Truyện phải tìm đá cuội nhét đầy các túi quần túi áo trước khi vào kiểm tra cân nặng. Cuối cùng, anh vẫn được đặc cách nhập ngũ.
Ngày 27/7/1967, người thợ mỏ Tạ Quang Truyện cùng với gần 2.000 chiến sĩ con em các dân tộc Quảng Ninh chào từ biệt người thân và quê hương Vùng mỏ lên đường nhập ngũ và được huấn luyện tại Yên Tử. Tháng 1/1968, chiến sĩ Tạ Quang Truyện chính thức đi B vào Nam chiến đấu.

Chiến sĩ Tạ Quang Truyện được biên chế vào Tiểu đoàn 9 (gộp chung với 2 Tiểu đoàn 385 và 386 được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và ngành Than gọi chung là Binh đoàn Than). Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 9 vào bổ sung lực lượng cho tỉnh Kon Tum, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Lúc này, chiến sĩ Tạ Quang Truyện cùng với nhiều đồng đội từ Vùng mỏ được bổ sung cho Đại đội 209, Tiểu đoàn đặc công 406 (viết tắt là C209, D406). Vốn là một người thợ ra đi từ Vùng mỏ anh hùng nên khi vào chiến trường Tây Nguyên, chiến sĩ Tạ Quang Truyện lúc nào cũng thể hiện phẩm chất kiên cường, bất khuất tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.
CCB Trần Đình Diễn, hiện ở Khu 2, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) từng là đồng đội với liệt sĩ Tạ Quang Truyện, kể: “Khi còn là tân binh, vì thấp bé nhẹ cân nên Truyện được ưu ái phân công làm anh nuôi quân. Trong một cuộc sinh hoạt đại đội, anh đã khẳng khái đứng lên phát biểu kiên quyết rằng: Tôi vào bộ đội để đi chiến đấu chứ không phải để làm anh nuôi và đề nghị bằng được trở lại trung đội để tham gia huấn luyện. Từ đó, anh được trực tiếp cầm súng chiến đấu”.

Cũng theo lời kể của CCB Trần Đình Diễn, chiến sĩ Tạ Quang Truyện luôn tự hào là công nhân mỏ, là người con của Vùng mỏ ra đi từ ngành Than. Tự hào đến mức trong hồ sơ của anh chỉ khai quê quán là “Công ty Than Hòn Gai”. Tất cả các giấy tờ tùy thân và cả mẩu giấy ghi thông tin để trong lọ penixilin mang bên mình cũng đều ghi như vậy. Và vì thế sau này, khi anh hy sinh, đội quy tập tìm kiếm được hài cốt, trên bia mộ của anh an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum người ta đã tạc lên dòng chữ: Liệt sĩ Tạ Quang Truyện, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 406.
Riêng phần quê quán thay vì ghi tên huyện tên tỉnh như các liệt sĩ khác thì phần mộ liệt sĩ Truyện được ghi là “Quê quán: Công ty Than Hòn Gai”. Điều rất đặc biệt: Công ty Than Hòn Gai là tên một doanh nghiệp nhà nước chứ không phải là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc đề thông tin quê quán như chiến sĩ Tạ Quang Truyện ghi là chưa có tiền lệ.

Ngày Trung úy Tạ Quang Truyện hy sinh được ghi là 30/8/1970 tại mặt trận Tây Nguyên, nơi hy sinh được viết tắt là H16, Kon Tum. Chức vụ lúc hy sinh của là Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 8, Tiểu đoàn 406.
Theo lời kể của đồng đội, lúc còn sống, chiến sĩ Tạ Quang Truyện luôn nguyện phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, là người khẳng khái, gan dạ dũng cảm và rất cầu thị, là một trung đội trưởng quyết đoán và xuất sắc.

Liệt sĩ Tạ Quang Truyện hy sinh khi còn rất trẻ, chưa kịp lập gia đình. Anh Tạ Phước Sơn (phường Hà Tu, TP Hạ Long), người cháu đảm nhiệm nghĩa vụ hương khói thờ cúng liệt sĩ Tạ Quang Truyện, cho biết: “Lúc sinh thời, ông nội tôi thường kể lại tấm gương về chú Truyện cho chúng tôi nghe như một cách giáo dục truyền thống gia đình. Bởi vậy, dù chúng tôi sinh ra lớn lên không được gặp chú Truyện nhưng lúc nào cũng tự hào vì mình có một người chú đáng kính. Chú là tấm gương để chúng tôi phấn đấu vươn lên”.

Bây giờ, hài cốt liệt sĩ Tạ Quang Truyện đã được gia đình và đồng đội chuyển về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu ở quê nhà. Trên bia mộ anh, người ta cũng đã không còn đề dòng chữ “Quê quán: Công ty Than Hòn Gai” nữa mà đề là Quảng Ninh. Công ty Than Hòn Gai cũng chỉ còn là tên một đơn vị thuộc ngành Than đóng chân trên địa bàn TP Hạ Long nhưng chắc hẳn ở nơi đâu đó linh hồn liệt sĩ Truyện vẫn tự hào về cách ghi quê quán đặc biệt này, tự hào vì mình là một người con của vùng than. Và vùng than, ngành Than cũng như tỉnh Quảng Ninh luôn tự hào vì có những người chiến sĩ yêu quê hương thiết tha như anh.