Ngày 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm 2025; thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, Mỹ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nước ta, tuy nhiên kết quả tăng trưởng GDP trong năm 2024 đạt 7,09% là mức cao so với bối cảnh tình hình chung và quý I/2025 cũng đạt tăng trưởng 6,93%. Điều này cho thấy những tín hiệu phục hồi rất tích cực về tăng trưởng kinh tế nước ta.
Đánh giá cao số thu ngân sách năm 2024 vượt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15% so với dự toán thu, song Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần xem xét cơ cấu thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm bao nhiêu và thu từ cấp quyền sử dụng đất như thế nào. Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, chỉ số xuất nhập khẩu năm 2024 và những tháng đầu năm nay vẫn tích cực. Năm 2024 thặng dư tới gần 25 tỷ USD, xuất khẩu tăng, nhập khẩu cũng tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi, đạt 8,4%. Đây là những chỉ số rất quan trọng và tích cực trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2024. Và trong những tháng đầu năm 2025, nhiều chỉ số mà Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này đã tốt hơn.

Đánh giá cao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2024 là rất tích cực, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, qua tiếp xúc cử tri, cảm nhận của xã hội đối với giá cả các mặt hàng thiết yếu không hoàn toàn giống với những điều chúng ta phản ánh, chỉ số CPI còn tiềm ẩn nguy cơ, có thể làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả của các chính sách vĩ mô. Do đó, cũng cần làm rõ để phản ánh dư luận xã hội về vấn đề này.
Dẫn chứng nhiều ý kiến đại biểu về vấn đề hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị các cấp chính quyền cần tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo đảm đời sống của người dân. Quan ngại biến động giá vàng trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do tâm lý, cung - cầu vàng nên có sự chênh lệch giữa giá vàng trong trước và giá vàng thế giới. Vì vậy, Chính phủ sớm có quy định để sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đồng thời có giải pháp căn cơ để kiểm soát được cung - cầu vàng trên thị trường và để giá vàng “không nhảy điên loạn” như trong thời gian qua. Liên quan đến giá thị trường bất động sản, Chính phủ cần có các giải pháp, giải quyết được bài toán về nhà ở cho các cán bộ, công chức, qua đó ổn định tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng thời gian qua, đất nước đã gặp nhiều rào cản trong phát triển kinh tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã tác động rất nhiều vào phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, để phát triển kinh tế phải khuyến khích hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước, đây cũng là giải pháp quan trọng để tăng trưởng trong thời gian ngắn hạn. Đại biểu đề xuất, thời gian tới, cần mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, tránh việc lệ thuộc vào một số thị trường. Đây là yếu tố mang tính quyết định để duy trì bài toán xuất khẩu.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là quan trọng nhưng việc đánh giá, thống kê xem tiết kiệm những gì, theo tiêu chí nào lại rất khó. Do vậy cần xem xét xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể vấn đề này cho thống nhất cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. “Mặc dù vẫn phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng nhiều việc cần chi mà tiết kiệm thì sẽ lựa chọn sản phẩm thấp, thời gian sử dụng kém hiệu quả, không phát huy được công năng gây lãng phí. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc giảm thiểu trình tự thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Đây cũng là cách chống lãng phí hiệu quả”, đại biểu chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, xuất khẩu hàng hóa là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng nhưng thực tế đang tiềm ẩn nguy cơ. Nếu không có giải pháp quyết liệt xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất kinh doanh tiêu thụ trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu theo chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra.
Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày, cho ý kiến và dự thảo Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết Luật Đấu thầu hiện tại tồn tại 3 khái niệm: “dự toán mua sắm”, “gói thầu mua sắm”, “mua sắm tập trung”. Tuy nhiên tại một số điều (như điều 3, 7) chỉ đề là “hoạt động mua sắm”, “việc mua sắm” sẽ gây khó khăn để hiểu rõ trường hợp áp dụng. Đại biểu đề nghị rà soát toàn bộ cụm từ “mua sắm” trong luật để ghi rõ thuộc trường hợp nào.

Tại Khoản 9, điều 1, đại biểu đề nghị làm rõ việc chào giá trực tuyến có là một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu không. Nếu có thì cần được bổ sung vào hình thức lựa chọn nhà thầu tại khoản 1, Điều 20. Tại Khoản 11, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 23 quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu: “Có yêu cầu cấp bách, khẩn cấp, cần triển khai”, “Có yêu cầu về bảo vệ bí mật nhà nước”, “Có duy nhất một nhà thầu, nhà sản xuất cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường”, “Có tính chất đặc thù trong nghiên cứu, thử nghiệm”, “đáp ứng tình hình thực tế triển khai”; Đại biểu cho rằng như vậy sẽ phát sinh thêm nhu cầu phải thẩm định việc đáp ứng các quy định trên trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, do đó cần bổ sung trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định các quy định trên.
Đối Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu cho rằng bản chất phương thức là dự án đầu tư công thực hiện theo PPP sẽ đem lại hiệu quả hơn. Đại biểu đề nghị bước chủ trương đầu tư và bước dự án đầu tư lập nguyên tắc nhà nước đầu tư (tổng mức theo định mức nhà nước, tiền đầu tư từ ngân sách hoặc đi vay (nếu tỉnh không đủ tiền), chi phí vận hành tính cho 1 đơn vị cụ thể của địa phương, chi phí bảo dưỡng theo định mức nhà nước. Khi nhà thầu dự thầu có thể đề xuất lại toàn bộ các chi phí trên theo mô hình kinh doanh của mình, nếu đảm bảo tính khả thi phương án tài chính, vốn nhà nước bỏ ra ít hơn, hiệu quả kinh tế hơn thì nhà đầu tư trúng thầu.
Ngoài ra đại biểu đề nghị có quy định cho trường hợp này cần thực hiện: Điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh chủ trương, dừng chủ trương để làm chủ trương mới và quy định rõ trách nhiệm thẩm định của các cơ quan chuyên ngành đối với các nội dung trên. Đồng thời quy định có thể thuê tư vấn thẩm tra trong quá trình thẩm định.