21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3359451
1504419
Thủ tướng: Kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin-cho
thu-tuong-kien-quyet-cat-bo-thu-tuc-hanh-chinh-ruom-ra-bo-co-che-xin-cho
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Thủ tướng: Kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin-cho

"Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin-cho," Thủ tướng nhấn mạnh.

"Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin-cho," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về phát triển kinh tế-xã hội, một số dự án luật, nghị quyết đang được cho ý kiến.

Thúc đẩy động lực mới và làm mới các động lực truyền thống

Phát biểu tại thảo luận tổ về thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và 4 “trụ cột” gồm: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Bên cạnh những động lực tăng trưởng mới, chúng ta cần làm mới lại những động lực tăng trưởng truyền thống,” Thủ tướng nêu rõ về xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, trong đó thúc đẩy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài.

Về động lực xuất khẩu hiện gặp khó khăn, tuy nhiên Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chúng ta phải bình tĩnh, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại, tích cực đàm phán với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời trong bối cảnh này thì cần mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Về động lực tiêu dùng, Thủ tướng cho rằng cần chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, lệ phí; tăng thu, giảm chi, nhất là chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có chi phí đầu vào...

Đối với những động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Đảng, Nhà nước, Quốc hội vừa qua đã ban hành các Nghị quyết về vấn đề này, các bộ ngành, địa phương cần tập trung việc triển khai, thực hiện.

Quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái

Về triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, Thủ tướng cho rằng vấn đề quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái, từ thụ động tiếp nhận các nhu cầu của người dân để xử lý thì cần chuyển đổi sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp; giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, tăng cường kết nối dữ liệu...

“Về cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, Chính phủ đang quyết liệt vấn đề này," Thủ tướng nêu rõ, để làm được cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các điều kiện cần thiết khác, từ đó công bố công khai để người dân thực hiện, được làm những gì pháp luật không cấm; chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường công tác hậu kiểm... Để triển khai chính quyền 2 cấp, thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính thì cần tăng cường kết nối dữ liệu, trong đó có dữ liệu về dân cư, đất đai...

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tăng cường hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin-cho," Thủ tướng nhấn mạnh. Tinh thần là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, vì “phân cấp, phân quyền mà không có nguồn lực thì không làm được."

Về chuyển đổi trạng thái trong lĩnh vực y tế, giáo dục, Thủ tướng cho rằng cần chuyển từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là chính... Về giáo dục, thì con người là chủ thể, là trung tâm, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, chuyển từ đào tạo kiến thức sang đào tạo kỹ năng sống toàn diện cho người dân; đồng thời quan tâm đến chính sách bình đẳng trong tiếp cận giáo dục với các đối tượng, vùng miền...

Thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng dự thảo 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo và về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Thủ tướng, chúng ta đã "bắt được bệnh" và đang hoàn thiện thể chế để "chữa bệnh."

Thủ tướng cho biết đầu Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí. Bên cạnh đó, theo thống kê các địa phương gửi, Thủ tướng cho biết có hơn 2.200 dự án tồn đọng. "Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước. Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa cái sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, về tổ chức," Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề nghị có Nghị quyết dành riêng cho thúc đẩy nông nghiệp

Cũng tại thảo luận tổ, các đại biểu quan tâm đến những động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động.

Nhìn lại quá trình phát triển, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, đất nước có tăng trưởng liên tục. Năm tăng trưởng cao nhất là năm 1995 (9,54%), năm thấp nhất là năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó, đại biểu nhấn mạnh đến nguy cơ ảnh hưởng của dịch, trong bối cảnh mới đây, dịch bệnh trở lại ở một số nước châu Á, từ đó đại biểu đề nghị có chính sách, giải pháp từ sớm, từ xa, đề nghị sớm chủ trương để nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Tây Ninh, Bến Tre thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện GDP bình quân đầu người của nước ta khoảng 4.700 USD/người, đã tiếp cận nhóm thu nhập trung bình cao. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát... trong thời gian dài. Thương mại, xuất nhập khẩu đạt nhiều thành tựu, xuất siêu liên tục trong 10 năm.

Các hoạt động về văn hóa, xã hội có những bước phát triển, nhất là ngành công nghiệp văn hóa có những điểm sáng, từ đó thúc đẩy ngành du lịch đạt được lượng khách lớn. Chỉ số hạnh phúc có bước tiến (theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 thế giới, tăng 11 bậc so với vị trí 65 của năm 2023 và đứng thứ 6 châu Á). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cũng được thăng hạng...

Để tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, đại biểu nhấn mạnh vai trò của 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và các nghị quyết về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng, thi hành pháp luật và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân... Bên cạnh đó cần tiếp tục thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Về động lực tăng trưởng mới, đại biểu đề nghị quan tâm đến động lực từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và động lực từ việc sáp nhập tỉnh, thành phố, tạo không gian phát triển mới, phải coi đây là động lực quan trọng.

Đại biểu cũng cho rằng cần phát huy 3 thế mạnh của Việt Nam, bởi trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới, những vấn đề phức tạp về địa chính trị, địa kinh tế... thì phải dựa vào tiềm năng, lợi thế của chính mình, trong đó cần thúc đẩy 3 thế mạnh về du lịch, dịch vụ, ngành nông nghiệp.

Theo đại biểu, nông nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh với khí hậu, đất đai, nhiều sản phẩm đang top đầu thế giới như: cà phê, hồ tiêu, thủy sản... nên đại biểu đề nghị có Nghị quyết dành riêng cho ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.

Đối với dịch vụ, cần chính sách phát triển về tài chính ngân hàng, logistics, công nghệ thông tin, y tế chất lượng cao... Đây là những lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển./.

Cùng chuyên mục