Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, đồng thời siết chặt điều kiện chỉ định thầu gắn với trách nhiệm giải trình và tăng chế tài xử lý đối với tình trạng bỏ thầu sau khi trúng thầu gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Cần làm rõ các khái niệm ưu đãi trong đấu thầu, bảo đảm khả thi
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 23/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi khoản 7 Điều 3 và bổ sung các khoản 8, 9, 10 Điều 3 của Luật Đấu thầu, coi đây là một bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu cho rằng, việc các bệnh viện tự chủ tài chính có nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn bị ràng buộc bởi cơ chế đấu thầu như đầu tư công là không hợp lý và sửa đổi lần này đã đi đúng hướng.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất, nhất là khi nhiều nội dung trong dự thảo có liên quan trực tiếp đến các luật đang được Quốc hội xem xét thông qua như Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, tại Điều 10 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, dự thảo có sử dụng nhiều khái niệm quan trọng như “công nghệ cao”, “đổi mới sáng tạo”, “sản phẩm đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo”, “doanh nghiệp khoa học và công nghệ”…
Tuy nhiên, các khái niệm này hiện vẫn mang tính định tính, chưa có tiêu chí cụ thể, thiếu cơ chế xác nhận chính thức, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi xác định có thuộc diện được hưởng ưu đãi hay không.
Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm hoặc viện dẫn các văn bản chuyên ngành, giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi, đồng thời lượng hóa các mức ưu đãi để bảo đảm khả thi trong triển khai.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ chính sách ưu đãi này được áp dụng với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hay chỉ áp dụng đối với những sản phẩm khoa học công nghệ cụ thể.
Về quy định ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam, đại biểu khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, hiện nay chưa có quy định pháp lý đầy đủ và có giá trị cao về tiêu chí xác định hàng hóa “sản xuất trong nước”, “xuất xứ Việt Nam”. Điều này gây khó khăn cho các bên mời thầu trong thực tiễn áp dụng ưu đãi và có thể phát sinh tranh chấp, khiếu kiện từ phía nhà thầu.
Đấu thầu nhiều nhưng một nhà thầu trúng hàng chục công trình

Cũng liên quan Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ quan tâm đến quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu.
Đồng tình với quy định này trong dự thảo, đại biểu nhấn mạnh rằng việc lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm chất lượng, năng lực, uy tín và tiềm lực tài chính, đặc biệt là những nhà thầu đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ móc nối, thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn đến thất thoát ngân sách và giảm chất lượng công trình - một thực trạng đã từng xảy ra tại một số địa phương.
Về hình thức chỉ định thầu, đại biểu ủng hộ đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng nhằm tăng tính chủ động. Tuy nhiên, ông đề nghị cần gắn chặt với yêu cầu “chỉ định thầu có giảm giá” để bảo đảm hiệu quả thực chất.
Dẫn chứng thực tiễn, đại biểu cho biết, tại một số địa phương, có hiện tượng một nhà thầu trúng hàng loạt công trình trong nhiều năm, nhưng mức giảm giá rất thấp, dưới 1%, không mang lại lợi ích cho ngân sách nhà nước.
Vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết cho phép chỉ định thầu có điều kiện rõ ràng: có giảm giá, bảo đảm chất lượng công trình và phải chịu trách nhiệm về việc chỉ định thầu. Cách làm này, theo đại biểu, sẽ tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí và hạn chế tiêu cực.
Liên quan đến việc bỏ thầu sau khi trúng thầu, đặc biệt trong các gói thầu xây lắp và khai thác bãi vật liệu, đại biểu phản ánh thực tế đã xảy ra tình trạng bỏ thầu với mức giá cao gấp nhiều lần giá thực tế, nhưng sau đó không triển khai dự án.
Mặc dù thời gian qua đã có xử lý, song theo đại biểu, cần có chế tài mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như cấm tuyệt đối không cho nhà thầu vi phạm tham gia các gói thầu khác trong vài năm.
“Chỉ có như vậy họ mới sợ, không dám, không muốn làm những việc để dư luận quan tâm nhiều như thời gian qua”, ông Hòa nhấn mạnh.
Bảo đảm đấu thầu thực chất, minh bạch, hiệu quả

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này nhằm khắc phục những bất cập kéo dài như chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, thất thoát và ảnh hưởng đến cán bộ, bảo đảm yêu cầu hiệu quả cao nhất.
Theo ông Thắng, dự thảo luật trao quyền tự quyết cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu (đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng...) nhưng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, không làm tăng tổng mức đầu tư.
Để phù hợp với thực tiễn, luật mở rộng áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, đồng thời bổ sung cơ chế giám sát, kiểm tra theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Luật cũng bổ sung phương pháp định giá hồ sơ dự thầu dựa trên tiêu chí kỹ thuật hoặc kết hợp kỹ thuật-giá, nhất là với các gói thầu thuộc lĩnh vực y tế, viễn thông, công nghệ chiến lược, nhằm lựa chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất, giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất.
Về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng cho hay, dự thảo tiếp tục sửa đổi theo hướng trao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập nhóm 1 và 2 trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị không sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời, cho phép các cơ sở đàm phán giá trực tiếp với nhà cung cấp, sử dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp kỹ thuật-giá, tăng tỷ trọng điểm kỹ thuật để lựa chọn được giải pháp công nghệ tốt, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Để ngăn ngừa tình trạng bỏ thầu giá thấp bất thường, gây chậm tiến độ, phát sinh thiệt hại và ảnh hưởng đến chất lượng, ông Thắng nêu rõ, dự thảo đã bổ sung các chế tài xử lý mạnh hơn.
Theo Bộ trưởng, đã có nhiều dự án rơi vào tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp để trúng thầu nhưng sau đó không thực hiện, gây thiệt hại lớn. Một số trường hợp, mức giá bỏ thầu dưới 20% giá trị gói thầu, chiếm gần 10% số gói thầu trong giai đoạn vừa qua.
Để xử lý vấn đề này, dự thảo quy định các biện pháp ràng buộc bổ sung như: yêu cầu cam kết bảo hành dài hạn, nâng mức bảo đảm thực hiện hợp đồng, hay phạt hợp đồng khi nhà thầu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu và tổ chuyên gia trong toàn bộ quy trình.
Để nâng cao tính minh bạch, dự thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa-dịch vụ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ đó hình thành cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm, uy tín nhà thầu phục vụ giám sát, theo dõi.
Bộ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh đấu thầu điện tử nhằm tăng cạnh tranh, giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận, hạn chế can thiệp chủ quan trong đấu thầu.