Trong những năm cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới chân núi Yên Tử là nơi đứng chân của một đơn vị quân đội có nhiệm vụ huấn luyện, cung cấp binh lực cho các đơn vị ở tiền tuyến. Đó là Trung đoàn 5 - Yên Tử (thuộc Sư đoàn 350, Quân khu 3) được thành lập ngày 15/6/1967 và kết thúc sứ mệnh của mình khi đất nước giải phóng năm 1975. Trong 8 năm từ 1967-1975, Trung đoàn đã huấn luyện 113 Tiểu đoàn với trên 72.000 chiến sĩ đến từ 5 tỉnh, thành phía Bắc gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Từ Yên Tử, những người lính Trung đoàn 5 - Yên Tử đã tỏa đi chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, hỗ trợ nhân dân Lào, Campuchia giải phóng đất nước.

Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi cùng cựu chiến binh (CCB) Vũ Văn Bính về Nam Mẫu 1, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, ôn lại những ngày tháng huấn luyện gian truân cùng đồng đội ở Trung đoàn 5 - Yên Tử trước khi lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bồi hồi nhớ lại những ký ức xưa, CCB Vũ Văn Bính chia sẻ: Tôi sinh năm 1955, tại TX Đông Triều (nay là TP Đông Triều), nhập ngũ và được tham gia huấn luyện tại Trung đoàn 5 - Yên Tử từ tháng 2/1975. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi cùng các đồng đội lên đường vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tôi, thời gian được huấn luyện tại Trung đoàn là kỷ niệm không thể nào quên. Đó là những ngày tháng được cùng đồng đội rèn luyện từng phần kỹ năng chiến đấu, cùng nhau đeo đá hành quân dã ngoại trong đêm tối, là khi chia nhau từng miếng cơm, ngụm nước… Hay có khi phải vừa huấn luyện vừa sơ tán dân khi bị tình báo quân địch phát hiện vị trí và ném bom phá hoại. Chính sự huấn luyện khắt khe, nghiêm ngặt ấy, đã tạo được ra những người lính Trung đoàn 5 - Yên Tử kiên trung, dũng cảm, luôn giữ vững ý chí sắt đá, không lùi bước trước mọi kẻ thù để cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bản thân tôi luôn tự hào mình là một người chiến sĩ Trung đoàn 5 - Yên Tử.

Để tưởng nhớ, ghi nhận công lao, lòng dũng cảm của các chiến sĩ Trung đoàn 5 - Yên Tử và lưu giữ địa danh lịch sử hào hùng này, tháng 3/2017, Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 5 - Yên Tử thuộc Dự án “Điểm ghi dấu sự kiện lịch sử Trung đoàn 5 - Yên Tử” đã được khởi công xây dựng. Dự án gồm 17 hạng mục, được xây dựng tại thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, với tổng diện tích 2,2ha. Trong đó, có các hạng mục chính như: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ, nhà văn bia, nhà truyền thống Trung đoàn…
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, mức đầu tư ban đầu hơn 30 tỷ đồng. Tháng 4/2025, dự án khánh thành giai đoạn I là Đền thờ các anh hùng liệt sĩ và tiếp tục triển khai giai đoạn II với các hạng mục: Khuôn viên, nhà truyền thống, vọng lâu các, chòi bảo vệ... “Điểm ghi dấu sự kiện lịch sử Trung đoàn 5 - Yên Tử” cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nghẹn ngào cảm xúc khi trở lại nơi đã từng huấn luyện, CCB Bùi Văn Sáu chia sẻ: Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, nhiều đồng đội khi xưa đã anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nền độc lập nước nhà, nhiều người cũng đã trở về quê nhà làm việc, sinh sống, nhưng mỗi gương mặt, mỗi đồng đội cùng nhau huấn luyện năm xưa đều luôn in sâu trong trái tim, trí nhớ của tôi. Chính vì vậy, việc có được “điểm hẹn” để được cùng tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh, được tề tựu, trò chuyện ôn lại kỷ niệm năm xưa khi cùng nhau huấn luyện, chiến đấu luôn là điều những CCB chúng tôi hết sức mong mỏi. Dự án “Điểm ghi dấu sự kiện lịch sử Trung đoàn 5 - Yên Tử” đã hiện thực hóa mong muốn của chúng tôi, đây là niềm vui, niềm động viên vô bờ bến với những CCB Trung đoàn 5 - Yên Tử.


Giờ đây, núi rừng Yên Tử và những người dân dưới chân núi xã Thượng Yên Công đã khác xưa. Thế nhưng, qua những câu chuyện, lời kể của người đi trước, khi những người chiến sĩ Yên Tử trở về thăm lại chốn xưa, tình cảm quân dân vẫn luôn mãnh liệt, thắm thiết và trân trọng. Những cái ôm đầm ấm, những nụ cười giòn tan hòa cùng những lời chúc, những câu chuyện rôm rả của người chiến sĩ Yên Tử và người dân càng tô thắm thêm cho tình quân dân keo sơn, gắn bó dù là thời chiến hay thời bình.