Ngày 5/8/1964 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và của tỉnh Quảng Ninh như một dấu son sáng chói, đánh dấu thắng lợi của quân và dân ta trước không quân Mỹ được trang bị hiện đại gấp nhiều lần. Với chiến công bắn rơi 3 máy bay Mỹ và bắt sống một phi công, vùng mỏ đã cùng cả nước viết lên khúc tráng ca “Chiến thắng trận đầu”, chứng minh cho đế quốc thấy được tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh của người Việt, nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thế lực thù địch.
Dưới làn bom đạn ác liệt của đế quốc Mỹ suốt 8 năm trời (1964-1972), Quảng Ninh - mảnh đất địa đầu Tổ quốc - đã phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề bởi vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và quân sự. Thế nhưng, không khuất phục trước kẻ thù, quân và dân Quảng Ninh đã kiên cường chiến đấu, biến đau thương thành sức mạnh, viết nên bản hùng ca bất khuất.
Trong giai đoạn 1969-1972, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết ĐH Đảng bộ Tỉnh lần thứ nhất, cán bộ, Đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khôi phục kinh tế, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, giành nhiều thắng lợi trong sản xuất, chiến đấu, góp phần cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ.
Sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ cho máy bay và tàu chiến ra bắn phá miền Bắc. Trước tình hình đó, cùng với các địa phương miền Bắc, quân và dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã tăng cường đấu tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời hăng hái lao động quên mình, thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đặc biệt là đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong lĩnh vực sản xuất than và điện.
Giai đoạn 1965-1968, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc bằng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Với vị trí quân sự quan trọng, huyện Yên Hưng khi đó, nay là TX Quảng Yên đã gấp rút xây dựng làng chiến đấu. Tháng 12/1965, xã Nam Hòa (nay là phường Nam Hòa) đã thành lập lực lượng vũ trang của xã với 3 trung đội dân quân trực chiến; từ đó tổ chức 3 trận địa làm nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với bộ đội chủ lực, đã trực tiếp bắn rơi 2 máy bay Mỹ.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, người Quảng Ninh đã oanh liệt dệt nên những bản hùng ca mà dấu tích còn lại tới hôm nay là hàng chục di tích trải dài ở nhiều vùng đất trên địa bàn.