Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quảng Ninh có hàng nghìn nữ thanh niên dũng cảm tình nguyện có mặt ở những trọng điểm ác liệt để cùng quân, dân ta “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tình đồng chí, đồng đội trong những năm tháng gian khổ, hào hùng đó đã theo họ suốt bao năm tháng, từ thời chiến đến thời bình. Để rồi giờ đây những nữ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn năm xưa lại sát cánh bên nhau cùng chia sẻ, động viên đồng đội vơi bớt khó khăn dưới “mái nhà chung” - Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh.
Trọn nghĩa, vẹn tình
Trở về từ trong khói lửa chiến tranh ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn, bà Trần Thị Tứ (phường Hà Tu, TP Hạ Long) bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe suy yếu nên không xây dựng gia đình. Căn nhà nơi bà Tứ sinh sống từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Bà Tứ cho biết: “Ở trong ngôi nhà không kiên cố, xập xệ, nên tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Vào mùa mưa bão, tôi không thể ngủ yên vì sợ bất trắc có chuyện gì xảy ra. Bởi vậy bao năm tôi luôn mơ ước có thể cất lại ngôi nhà mới chắc chắn hơn”.

Thấu cảm với hoàn cảnh khó khăn của bà, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh đã cùng nhau quyên góp tiền, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp bà. Có sự trợ lực của đồng đội, cuối năm 2012 ngôi nhà mới khang trang với mức đầu tư gần 300 triệu đồng đã thay thế cho căn nhà cũ trước đây. Trong đó Hội hỗ trợ 30 triệu đồng cùng nhiều quà tặng là vật dụng đồ đạc thiết yếu.
Giờ đây, khi đã về già, sức khỏe không còn được như xưa, mơ ước cả đời của bà Tứ cũng đã thành hiện thực. “Bản thân tôi cuộc sống neo đơn nên không có chỗ dựa. Nếu không có sự hỗ trợ của các đồng đội, tôi cũng chẳng dám nghĩ đến việc làm nhà. Sự đùm bọc, sẻ chia của các chị em trong Hội đã giúp tôi không phải lo lắng về nơi ăn chốn ở của mình trong nhiều năm nay. Nếu ngày trước trong mưa bom, bão đạn, những đồng chí chúng tôi chia nhau từng củ khoai, củ sắn, thì nay chúng tôi lại được sống trong tình yêu thương của chị em theo phương châm “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, bà Tứ bộc bạch.
Tháng 9/2024, trận bão lịch sử Yagi đã khiến cho ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Tư (thôn Chợ, xã Thống Nhất, TP Hạ Long) hư hỏng nặng, toàn bộ ngôi nhà bị ngập, nhiều phần trong căn nhà vốn đã cũ kỹ, xuống cấp, càng trở nên xập xệ. Nắm bắt được thông tin, các hội viên Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh đã kêu gọi nhau “của ít lòng nhiều” đóng góp tiền, giúp gia đình bà Tư sửa chữa lại ngôi nhà.

Bà Tư chia sẻ: “Bao nhiêu năm qua vợ chồng tôi gồng gánh, buôn bán ngược xuôi, vất vả đồng áng sớm hôm để trang trải cuộc sống. Căn nhà ở đã xuống cấp nhiều năm mà vẫn chưa có điều kiện để sửa sang. Năm nay được các đồng đội ở Hội hỗ trợ 35 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm được, chúng tôi đã lợp lại mái tôn, thay cửa và sửa lại một số phần tường đã bong tróc, nứt, hỏng. Tuy chưa thể xây mới, nhưng sau khi sửa lại, ngôi nhà cũng đã chắc chắn hơn, có thể ở được thêm nhiều năm nữa”.
Cùng chung niềm vui với bà Tứ, bà Tư còn có nhiều chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh. Ông Nguyễn Bống Tiến (tổ 3, khu Quỳnh Trung, phường Đại Yên, TP Hạ Long) tâm sự: “Trở về quê hương sau thời gian phục vụ chiến trường thì cả hai vợ chồng tôi đều phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Gánh nặng kinh tế đè lên hai vợ chồng già, nên cuộc sống rất khó khăn. Rất may là chúng tôi được các đồng đội thường xuyên quan tâm, động viên, hỗ trợ những lúc khốn khó. Năm 2017, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh hỗ trợ cho gia đình tôi 50 triệu đồng để xây lại ngôi nhà này. Đây là nguồn động viên to lớn giúp chúng tôi cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Tinh thần cách mạng trong thời bình
Chiến tranh đã lùi xa, những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn trở về cuộc sống thời bình. Dù sức khỏe không còn như xưa, cuộc sống riêng còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn giữ vẹn tình đồng chí, đồng đội. Họ luôn sát cánh cùng nhau, đoàn kết, sống cao đẹp về nghĩa tình đồng đội, xứng đáng phẩm chất của người lính Trường Sơn.
Bà Đặng Thị Xuân, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh, cho biết: Sau thời gian dài nung nấu, ngày 23/10/2011, Ban Liên lạc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh được thành lập với 11 đồng chí. Ngay sau đó, Ban Liên lạc đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tiến hành họp mặt các nữ chiến sĩ Trường Sơn cơ sở. Đến nay đã có 13/13 địa phương tổ chức ra mắt thành lập Ban Liên lạc Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn và đi vào hoạt động có nền nếp. Toàn tỉnh hiện có 600 cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn hoạt động trong tổ chức Hội; trong đó có 250 cựu quân nhân, 348 cựu thanh niên xung phong; 2 đồng chí là dân công hỏa tuyến.

Phát huy phẩm chất kiên cường, truyền thống tốt đẹp của người lính Trường Sơn, cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn đều gương mẫu thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Đặc biệt, với trọng trách và nghĩa tình đồng đội, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh luôn quan tâm giúp đỡ động viên các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, góp phần làm vơi bớt nỗi đau chiến tranh. Hằng năm ban chấp hành hội các cấp thường xuyên vận động hội viên đóng góp quỹ theo quy định và tự nguyện đóng góp thêm theo khả năng; đồng thời vận động các nhà hảo tâm và doanh nghiệp ủng hộ xây dựng quỹ hội.
Từ nguồn quỹ này và nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như giúp đỡ thường xuyên hội viên nghèo, nhiễm chất độc da cam, ốm đau kéo dài; hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở; trao tặng sổ tiết kiệm; thăm, tặng quà con em chất độc da cam… Đến nay có trên 30 gia đình hội viên được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở; 64 hội viên được tặng sổ tiết kiệm; thăm, tặng quà 30 con em bị nhiễm chất độc da cam với suất quà trị giá 300.000 đồng...

Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn đã trở thành “Mái nhà chung” của những người có chung miền ký ức về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để họ gặp gỡ, ôn lại truyền thống và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Với mục tiêu hướng về đồng chí, đồng đội, những hoạt động của Hội đã thể hiện ý thức trách nhiệm, sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn. Hoạt động của Hội không chỉ thể hiện rõ nghĩa tình đồng đội, truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, mà còn có sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, góp phần giáo dục truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay.