Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết vào 20/7/1954, miền Bắc bước vào giai đoạn chuyển giao lịch sử. Theo hiệp định, trong vòng 300 ngày, quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc và chính quyền cách mạng sẽ tiếp quản các vùng tạm chiếm. Trong hành trình đó, Hòn Gai - trung tâm của Vùng mỏ Quảng Ninh, là một điểm tựa chiến lược mà cả hai phía đều không thể xem nhẹ. Trước buổi sáng lịch sử 25/4/1955 là những ngày người dân Hòn Gai vừa lao động sản xuất, vừa kiên cường giữ từng con phố, từng giàn tuyển, từng mét hầm lò, không để vùng đất này rơi vào tay giặc thêm một lần nào nữa.
Cuộc chiến chưa yên tiếng súng
Cuối tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mở ra việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo thỏa thuận, quân đội Pháp buộc phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 300 ngày, trao lại quyền kiểm soát cho lực lượng kháng chiến. Những ngày đầu của thời kỳ chuyển tiếp ấy, tại Vùng mỏ Quảng Ninh, tiếng súng đã dần lắng, nhưng cuộc chiến chưa hề kết thúc.
Ngay từ ngày 8/8/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hải Ninh, Tiên Yên. Làn sóng rút lui lan dần khắp vùng Đông Bắc. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng không vội vã tiến vào. Trong suốt nhiều tháng sau đó, các lực lượng tiếp quản được huấn luyện bài bản, từ chính trị đến nghiệp vụ, để đảm bảo khi bước vào tiếp nhận sẽ không gây xáo trộn đời sống nhân dân. Các tổ chức, ban chỉ đạo ở cơ sở âm thầm củng cố lực lượng, lập kế hoạch hành động chi tiết. Đó là một cuộc đấu trí bền bỉ và quyết liệt giữa một bên âm thầm xây dựng và một bên điên cuồng phá hoại.

300 ngày chờ đợi, với Vùng mỏ, không phải là khoảng thời gian lặng yên. Những bước chân lặng lẽ của cán bộ cơ sở, những chuyến hàng bí mật vận chuyển tài liệu, những căn hầm chứa vũ khí, những sợi dây liên lạc không tên - tất cả như mạng lưới ngầm nâng đỡ ngọn lửa cách mạng còn âm ỉ chờ ngày bùng lên. Bởi tại nhiều nơi, quân Pháp và tay sai không rút đi một cách yên ổn.
Ở Tiên Yên, lính Pháp thiêu rụi hơn 100 nóc nhà chỉ trong một đêm.
Tại Vạn Hoa (nay thuộc xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), chúng phá hủy pháo đài, công sở, đập nước - những công trình thiết yếu cho sản xuất và dân sinh.
Ở Hải Ninh, máy móc bị tháo dỡ, đường cấp nước bị cắt đứt. Các tuyến giao thông đường bộ, đường sông đều bị đánh sập, gây khó khăn nghiêm trọng cho việc lưu thông hàng hóa và đi lại. Pháp và Mỹ cùng tay sai ráo riết phá hoại, cài lại gián điệp, tung lực lượng phản động vũ trang dưới vỏ bọc “dân binh”, gây hoang mang trong dân chúng.
Tại khu vực phía Tây Tiên Yên, đặc biệt là vùng Ba Chẽ, bọn phản động tổ chức những ổ kháng cự vũ trang, kích động dân chống phá. Ở các khu phố lò, phường chợ, thợ mỏ vừa làm vừa canh chừng. Nhiều vụ nổ súng lẻ tẻ vẫn xảy ra. Một số vùng biển như Hà Cối, Quan Lạn tiếp tục bị lợi dụng làm căn cứ tập kết người, vũ khí từ miền Nam ra để phá hoại miền Bắc. Đó là những cuộc chiến không quy mô lớn, nhưng âm ỉ và đầy mất mát.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (tập 2), vào tháng 7/1954, chỉ hai ngày sau khi Hiệp định có hiệu lực, tại Đông Triều - một địa bàn giáp ranh chiến lược - hơn 6.000 người dân đã xuống đường biểu tình, giương cao biểu ngữ: “Pháp - Mỹ cút khỏi Đông Dương”. Khí thế ấy lan nhanh sang Mạo Khê, Kinh Môn, Chí Linh... báo hiệu quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, từng hòn than khỏi tay kẻ thù. Khu ủy Hồng Quảng sau đó đã phát động chiến dịch bảo vệ cơ sở cách mạng, điều động các đơn vị vũ trang bí mật bám trụ, chặn đứng mọi âm mưu cướp chính quyền.
Lực lượng cách mạng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ: Vừa bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân dân, vừa ngăn chặn địch phá hoại, lại vừa chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho ngày tiếp quản. Lệnh tổng động viên được ban ra khắp nơi. Ở Cửa Ông, Cẩm Phả, Hòn Gai… các đội an ninh bán công tổ chức tuần tra ngày đêm tại bến cảng, khu phố lò, hầm mỏ, đường giao liên. Tại vùng đồng bào tôn giáo như Cửa Đạo (xã Hồng Hà, Hòn Gai), nhiều gia đình tín hữu tự nguyện tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ cơ sở, che giấu cán bộ kháng chiến, tổ chức tiếp tế lương thực.

Cũng trong thời gian ấy, phong trào thi đua sản xuất - chiến đấu được phát động rộng khắp. Những người thợ lò vẫn đi ca, những chị phụ bếp vẫn nhóm lửa đều tay, những tổ sửa chữa, cứu mỏ vẫn ngày đêm túc trực. Những “tuyến đường huyết mạch” nối từ Đồng Triều, Mạo Khê về Cẩm Phả vẫn được bảo vệ tuyệt đối an toàn, dù luôn có nguy cơ bị phục kích. Không ít lần, cán bộ ta phải cải trang thành lái buôn, ngư dân, thậm chí cả thợ mỏ để vận chuyển tài liệu, lương thực, thuốc men cho cơ sở.
Cuộc chiến kết thúc bằng những tiếng súng cuối cùng ở dãy núi phía Bắc Cẩm Phả, ngày 9/3/1955. Cũng chính ngày ấy, lực lượng vũ trang ta đã bí mật kiểm soát hoàn toàn mỏ Cẩm Phả. Ngày 22/4, ta tiếp quản thị xã Quảng Yên, Cửa Ông, Cẩm Phả trong khí thế tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân.
Và đúng ngày 25/4/1955 - tại thị xã Hòn Gai, lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo đường, góc phố. Mảnh đất cuối cùng của khu Hồng Quảng đã hoàn toàn giải phóng.
Hòn Gai rợp sắc cờ đỏ sao vàng
70 năm đã trôi qua, nhưng với nhiều người dân Hòn Gai, ký ức về ngày 25/4/1955 vẫn rõ như in. Đó là ngày bộ đội tiến vào Vùng mỏ, là ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời phố biển, là ngày cả thị trấn Hòn Gai như vỡ òa trong niềm vui sau bao tháng năm kháng chiến.
Tôi tìm đến nhà ông Đồng Duy Hùng, ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long. Năm nay ông Hùng đã gần 80 tuổi, giọng nói vẫn còn hào sảng, ánh mắt lấp lánh như thể hình ảnh năm xưa chưa bao giờ phai nhạt.
“Tôi sinh năm 1947, khi tiếp quản mới chỉ là học sinh Trường Lê Văn Tám” - ông Hùng bắt đầu chậm rãi, “Gia đình tôi xưa ở phố Bái Tử Long, ngay cạnh phố Vịnh Hạ Long, phố Hàng Nồi - trung tâm thị trấn Hòn Gai hồi đó. Những ngày trước 25/4/1955, cán bộ kháng chiến đã về nắm cơ sở, gặp gỡ dân, tuyên truyền vận động. Buổi tối, lớp thiếu nhi chúng tôi được tập hợp để học hát các bài như Giải phóng Điện Biên, các bài hát ca ngợi Bác Hồ…”.
“Sáng sớm ngày 25/4/1955, bộ đội từ các ngả đường tiến vào trung tâm Hòn Gai. Họ đi ngang qua dãy phố nhà tôi, tiến về phía sân vận động. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi. Người dân đổ ra đường, mắt ai cũng sáng lấp lánh. Không có tiếng súng, không có giằng co, không có tiếng quát tháo. Mọi việc diễn ra trong trật tự, êm đềm” - ông Hùng nhớ lại.

Còn ông Nguyễn Văn Quý, sinh năm 1945, cũng ở phường Hồng Gai, thì ký ức ngày 25/4 năm ấy lại gắn với tiếng hát, với lũ trẻ con háo hức trong sắc cờ.
“Tôi sống ở Phố Chợ - nơi tấp nập nhất thị trấn Hòn Gai khi ấy. Ngay từ mấy tháng trước, tôi đã để ý có những chú mặc quần áo nâu, đi lại trong phố, đến nhà tôi nói với bố mẹ rằng quân Pháp sẽ rút, miền Bắc sẽ được giải phóng. Họ xin bố mẹ tôi cho tôi vào đội thiếu nhi, tập hát chuẩn bị đón bộ đội. Mỗi tối, chúng tôi đến tập hát dưới gốc đa to sát núi Bài Thơ. Bài nào cũng hát thuộc: Giải phóng Điện Biên, Dân Liên Xô vui hát, bài ngợi ca Bác Hồ...”.
“Sáng 25/4/1955, chúng tôi được gọi dậy từ tờ mờ sáng, mặc áo trắng, quần xanh, cầm cờ Tổ quốc, đứng xếp hàng ngay khu phố trước nhà. Bộ đội đi tới đâu, bọn trẻ tụi tôi chạy theo hò reo tới đó. Khi đoàn quân tiến đến gần Rạp Bạch Đằng, tôi thấy một nhóm văn công - các cô chú nắm tay nhau nhảy múa rộn ràng. Hồi ấy nghèo lắm, mà không khí cứ như hội lớn, ai cũng vui vẻ, phấn khởi”.
Sau ngày tiếp quản, theo lời kể của ông Quý, Hòn Gai dần đi vào ổn định. Không còn bóng dáng quân Pháp. Loa phát thanh vang lên từ sáng sớm đến tối muộn, phát những bài hát về hòa bình, xây dựng đất nước, đắp đê, làm thủy lợi. Người dân bắt đầu trở lại sản xuất, các tổ chức cách mạng nhanh chóng triển khai các phong trào học tập, xóa mù chữ.
“Tôi biết đọc, biết viết, nên sau đó được vào đội Bình dân học vụ. Còn bé nhưng tôi dạy chữ cho cả bà con lớn tuổi trong phố” - ông Quý chia sẻ.

Sau ngày 25/4/1955, Hòn Gai chính thức được tiếp quản. Quân Pháp rút đi, chính quyền cách mạng tiếp quản toàn bộ địa bàn. Trên đất mỏ, tình hình an ninh nhanh chóng được ổn định. Các tuyến phố, khu lò, bến cảng trở lại sinh hoạt thường ngày. Từ loa phát thanh, những bài ca cách mạng vang lên rộn rã.
Các cơ sở sản xuất trọng yếu được khôi phục. Nhà máy điện, mỏ than, xưởng cơ khí... lần lượt hoạt động trở lại. Công nhân bắt đầu đi làm ca. Các tổ bảo vệ mỏ được thành lập, canh gác máy móc, kho tàng. Công an, dân quân phối hợp giữ gìn trật tự. Ở các khu phố, cán bộ cách mạng phối hợp với nhân dân thành lập tổ dân phố, tổ chức họp bàn, phân công sản xuất, dọn dẹp vệ sinh, thu gom vũ khí còn sót lại. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn được thành lập lại.
Chính quyền cách mạng cũng tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến chính sách, vận động người dân yên tâm ở lại quê hương. Nhiều gia đình từng chuẩn bị vào Nam đã quay trở lại. Người dân dựng lại nhà cửa, sửa đường, mở chợ. Cuộc sống mới bắt đầu...
Cuộc tiếp quản Hòn Gai ngày 25/4/1955 đã trôi qua tròn 70 năm. Những con phố ngày ấy giờ đã trở thành trung tâm của thành phố Hạ Long - đô thị loại I, vùng di sản. Những bến than, bãi mỏ giờ là những khu công nghiệp hiện đại, khu du lịch sầm uất. Nhưng trong lòng những người từng chứng kiến thời khắc ấy như ông Đồng Duy Hùng, ông Nguyễn Văn Quý cũng như bao người dân Hòn Gai năm xưa nơi đây là minh chứng sống động cho một thời kháng chiến và xây dựng đầy gian khổ, đầy niềm tin. Sự kiện tiếp quản không chỉ là dấu mốc chính trị, mà là bước ngoặt làm nên diện mạo hôm nay. Từ vùng đất bị bom đạn, Hòn Gai trở thành nơi khởi đầu cho hành trình xây dựng Vùng mỏ anh hùng, thành phố du lịch, vùng đất đáng sống. Lịch sử đã đi qua, nhưng tinh thần giữ đất, giữ niềm tin, đoàn kết một lòng - vẫn là giá trị còn mãi.