Lịch sử vệ quốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với khói lửa chiến tranh. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, biết bao người con ưu tú đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đất nước hòa bình, hài cốt của các liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trên mọi miền của Tổ quốc, nhưng cũng có những thanh xuân mãi nằm lại chiến trường…

Thanh xuân gửi lại chiến trường
Sớm thanh minh trong tiết tháng 3, trong không gian linh thiêng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long), có đông thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, họ là những người cha, người mẹ, anh chị em, con, cháu đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu, dâng những nén hương thơm tưởng nhớ. Tại phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Quý (sinh năm 1925, quê quán Bến Tàu - Hòn Gai - Quảng Ninh, hy sinh ngày 15/5/1947, chức vụ đại đội trưởng), nằm bên phải ngay cổng vào nghĩa trang, một người phụ nữ tóc đã bạc trắng cùng các con, cháu quây quần trước mộ, ai cũng nghẹn ngào ngấn lệ dâng lên những nén hương thơm cùng những nhành hoa trắng trao gửi đến người thân... Trong nắng vàng nhè nhẹ quện khói hương cùng mùi của cỏ cây, hoa, lá, tôi lặng lẽ đi qua những dãy mộ đầy hoa trắng, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả trong nỗi xúc động trào dâng.
Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Tu có gần 500 phần mộ anh hùng liệt sĩ, họ đã dành trọn thanh xuân cho đất nước, vì nền độc lập dân tộc. Trong hàng trăm ngôi mộ ấy, có những phần mộ với di ảnh nữ liệt sĩ được phục dựng, họ còn rất trẻ, nhưng toát lên sự kiên cường, dũng cảm với những cái tên, địa chỉ vô cùng gần gũi: Liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1926, nguyên quán Thành Công - Hòn Gai - Quảng Ninh, hy sinh tháng 10/1948; Liệt sĩ Chu Thị Nụ, sinh năm 1950, nguyên quán Trực Thắng - Trực Ninh - Nam Định, hy sinh ngày 10/3/1967; Liệt sĩ Trần Thị Quý, quê quán khu 8 - Cao Xanh - Hòn Gai - Quảng Ninh, sinh tháng 10/1944, y tá - thanh niên xung phong, hy sinh ngày 17/5/1968 tại Tân Đức - Tuyên Hóa - Quảng Bình... Nhiều phần mộ liệt sĩ có nguyên quán: Tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình…; có những phần mộ bia ghi “Chưa xác định được thông tin”, nhưng các anh không đơn lẻ. Những nén hương, những đóa hoa thơm ngát dâng lên từng phần mộ, tỏa theo làn gió nhẹ trong tiết thanh minh tháng 3, tháng của sự tưởng nhớ với “Đạo lý uống nước nhớ nguồn”...

Đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm, mưa bom, bão đạn dưới ách quân xâm lược. Những năm kháng chiến, bao chiến sĩ, bộ đội, lớp lớp thanh niên đã xung phong lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng; xương máu của biết bao người con đất Việt đã hòa vào sông núi trên mảnh đất hình chữ S.
Đất nước hòa bình, hài cốt của các chiến sĩ được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, thể hiện sự tri ân sâu sắc của dân tộc đối với những người con đã ngã xuống vì tự do của nhân dân, độc lập của Tổ quốc, các anh là tượng đài bất tử trong trái tim người Việt Nam.
Tôi nhớ trong chuyến công tác của Báo Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) tại tỉnh Quảng Trị, tôi cùng các đồng nghiệp đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Đây là một trong 4 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có quy mô lớn nhất nước; là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong đã hy sinh trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Liệt sĩ an nghỉ tại đây chủ yếu là bộ đội của các sư đoàn 308, 304, 320...
Sau khi dâng hương tại đài tưởng niệm trong Nghĩa trang, chúng tôi đến thắp hương tại khu mộ liệt sĩ quê Quảng Ninh, được quy hoạch bố trí nằm sát khu tưởng niệm chính với 212 mộ, trong đó có 127 phần mộ người Quảng Ninh. Từng hàng mộ đều tăm tắp, trong không gian thinh lặng thoảng trong gió mùi hương và mùi hoa đại, thắp nén hương thơm nên các phần mộ, tôi ngậm ngùi xúc động. Trên bia mộ các liệt sĩ Quảng Ninh hầu hết là bộ đội của Sư đoàn 308. Tôi thực sự xúc động khi đọc những cái tên, quê quán là những địa danh quen thuộc ở Quảng Ninh ghi trên các bia mộ: Liệt sĩ Vũ Văn Mốt, sinh năm 1940, quê quán Nguyễn Huệ - Đông Triều - Quảng Ninh, hy sinh ngày 9/6/1972; Liệt sĩ Hoàng Tiến Lộc, sinh năm 1942, quê quán Vạn Ninh - Móng Cái - Quảng Ninh, hy sinh 13/8/1972; Liệt sĩ Phạm Hồng Dương, sinh năm 1943, quê quán Cái Chiên - Hà Cối - Quảng Ninh, hy sinh ngày 15/6/1968... Có những phần mộ liệt sĩ không có năm sinh, như: Liệt sĩ Hoàng Văn Thịnh, quê quán Vĩnh Thực - Móng Cái - Quảng Ninh, hy sinh 8/4/1972; Liệt sĩ Trương Văn Liêu, quê quán Châu Sơn - Đình Lập - Quảng Ninh, hy sinh 10/4/1972; Liệt sĩ Nguyễn Văn Lạn, quê quán Xuân Lan - Móng Cái - Quảng Ninh, hy sinh 15/6/1968...

Có rất nhiều phần mộ trên bia ghi “Chưa xác định được danh tính”, “Chưa xác định được đầy đủ thông tin”, hoặc có những bia mộ liệt sĩ có ghi quê quán nhưng chưa thật rõ ràng, sai tên xã hoặc tên huyện, tên tỉnh… Có lẽ chiến tranh quá khốc liệt. Những người lính dũng cảm xung trận năm ấy mang theo trái tim cháy bỏng tình yêu Tổ quốc, khi ngã xuống nhiều người không một dòng địa chỉ, thất lạc thông tin. Trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ, việc cất bốc khó tránh khỏi thất lạc địa chỉ, thông tin…
Đứng giữa không gian bốn bề mênh mông, tĩnh lặng bên những dãy mộ thẳng tắp trong Nghĩa trang, một cảm giác miên man, xúc động theo làn khói hương tỏa nồng ấm hòa quện trong gió; không khí trang nghiêm thành kính của những đoàn khách vào dâng hương tưởng niệm, tri ân. Tổ quốc ghi công các Anh hùng liệt sĩ, các thế hệ mãi thành kính tri ân những người có công với cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử vệ quốc của dân tộc Việt Nam.

Tại tỉnh Quảng Trị còn có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đây là nơi an nghỉ của hơn 1 vạn Anh hùng liệt sĩ, trong đó có 80 người Quảng Ninh. Các anh đã chiến đấu, anh dũng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, nhiều người nằm xuống không còn nguyên vẹn.
Tưởng nhớ, tri ân
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 21 nghĩa trang liệt sĩ với 3.719 phần mộ, trong đó có 2 nghĩa trang lớn nhất là Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long) và Nghĩa trang Liệt sĩ Yên Thọ (TP Đông Triều) với trên 500 phần mộ mỗi nghĩa trang. Trên địa bàn tỉnh còn có 135 nhà bia ghi tên Anh hùng liệt sĩ, 1 đền thờ Anh hùng liệt sĩ, 8 đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Những năm qua, tỉnh luôn dành những quan tâm, tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Hằng năm tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm dành nguồn lực để tu sửa, nâng cấp chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ tại địa phương. Tỉnh phân bổ kịp thời, đầy đủ nguồn kinh phí trung ương ủy quyền để nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ lớn trên địa bàn và tu sửa, xây vỏ mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Các địa phương trong tỉnh chủ động dành nguồn ngân sách địa phương, xã hội hóa để nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo khang trang, sạch đẹp, trang trọng. Năm 2022, từ nguồn kinh phí xã hội hóa trên 1 tỷ đồng, tỉnh tổ chức sửa chữa khu mộ liệt sĩ là người Quảng Ninh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị...

Tỉnh duy trì công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tổ chức đón nhận hàng chục hài cốt liệt sĩ từ địa phương khác chuyển về; bàn giao hài cốt liệt sĩ chuyển đi địa phương khác khi có đề nghị của thân nhân gia đình liệt sĩ. Tỉnh cung cấp thông tin nhiều hồ sơ liệt sĩ cho Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho thân nhân liệt sĩ, để khớp nối thông tin xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ các gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ từ địa phương khác về nghĩa trang liệt sĩ địa phương và ngược lại... Với nghĩa cử tri ân đó, biết bao hài cốt Anh hùng liệt sĩ đã được trở về với quê hương, trở về Đất mẹ trong nỗi mong chờ mòn mỏi của thân nhân.
Ông Trần Công Vượng (em trai liệt sĩ Trần Quang Thịnh, SN 1949, quê quán Hòn Gai - TP Hạ Long, hy sinh ngày 29/10/1968 tại mặt trận phía Tây Quảng Trị) xúc động: "Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thông tin liên lạc vô cùng khó khăn. Trong một trận chiến, anh trai tôi bị thương, hy sinh. Mãi sau gia đình tôi nhận được giấy báo tử nhưng hài cốt thất lạc. Cách đây chục năm, trong một lần viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tôi giật mình khi trên một bia mộ có ghi những thông tin trùng khớp với anh trai mình. Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trong xác định thân nhân liệt sĩ, gia đình tôi đã hoàn tất thủ tục và xin được di chuyển hài cốt anh trai về về quê an táng. Thương lắm, khi phút giây nhìn thấy hài cốt của anh trai mình!”.
Vẫn còn nhiều hài cốt của các chiến sĩ vùi lấp nơi chiến trường; vẫn còn những gia đình ngày ngày mong ngóng tìm lại được hài cốt người thân. Thời gian có thể lâu hơn, xương cốt của các chiến sĩ có thể vùi sâu hơn vào lòng đất, nhưng cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin sẽ không dừng lại. Đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là sự biết ơn, tri ân những người đã quên mình vì đất nước.

Để các liệt sĩ được về gần với gia đình, quê hương, theo đề nghị của nhiều thân nhân liệt sĩ, các đơn vị chức năng của tỉnh đã gửi giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ đến ban quản trang nghĩa trang liệt sĩ tại nhiều địa phương để hỗ trợ thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà mai táng. Cụ thể năm 2024 đã hỗ trợ đưa Liệt sĩ Nguyễn Văn Canh (quê TP Uông Bí, hy sinh ngày 21/1/1979 tại mặt trận phía Tây Nam) về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Đông Triều; đưa Liệt sĩ Vũ Văn Thực (quê xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên, hy sinh ngày 27/4/1975 tại mặt trận Trảng Bom, TP Biên Hòa) về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Cộng Hòa, TX Quảng Yên; đưa Liệt sĩ Hoàng Tiến Lộc (quê xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, hy sinh ngày 13/8/1972 tại mặt trận phía Nam) về an táng tại khu mộ gia đình quản lý tại thôn Bắc, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái…
Tri ân các Anh hùng liệt sĩ, hằng năm, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đều đến thành kính dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, cùng nhiều nghĩa trang, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại các địa phương trên mọi miền Tổ quốc, nhằm bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc với sự cống hiến, hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.