21
3
Xã hội/
/xa-hoi
3352361
1497829
Kỳ tích phi thường của những chiến sĩ tàu không số
chuyen-nhung-doan-tau-khong-so-chi-vien-cho-mien-nam
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Kỳ tích phi thường của những chiến sĩ tàu không số

Không số hiệu, không quân phục nhưng trong suốt giai đoạn chống Mỹ cứu nước, những con tàu không số xuất phát từ Quảng Ninh đã tham gia nhiều cuộc hải trình chi viện khí tài, vật lực và cả chở đồng đội vào Nam chiến đấu, góp phần thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ sau, những câu chuyện hào hùng mà họ kể dường như vẫn còn nguyên tiếng gầm gào của sóng gió, đạn bom. 

Không số hiệu, không quân phục nhưng trong suốt giai đoạn chống Mỹ cứu nước, những con tàu không số xuất phát từ Quảng Ninh đã tham gia nhiều cuộc hải trình chi viện khí tài, vật lực và cả chở đồng đội vào Nam chiến đấu, góp phần thống nhất đất nước. Nửa thế kỷ sau, những câu chuyện hào hùng mà họ kể dường như vẫn còn nguyên tiếng gầm gào của sóng gió, đạn bom. 

Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 - 1975 (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh một con tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 - 1975. Ảnh tư liệu.

Những chiến binh dũng cảm

Trên địa bàn tỉnh từng có hàng trăm chiến sĩ một thời là lính hải quân của những đoàn tàu không số. Tuy nhiên, do tuổi tác và sức khoẻ bởi vết thương chiến tranh, hiện nay, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Ninh chỉ còn lại 61 hội viên - những con người đã thực hiện hàng trăm chuyến tàu không số vào Nam. Mỗi người và mỗi một chuyến tàu lại có những câu chuyện có thể chưa đưa vào sử sách nhưng đã sống mãi không thể nào quên.

Lịch sử nước ta từng có những trận hải chiến lẫy lừng trên vùng biển An Bang, Hải Đông xưa, như trận Vân Đồn năm 1288 của Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương của quân Nguyên. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc tiếp tế và chi viện thường xuyên cho cách mạng trong miền Nam là hết sức cần thiết nên ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Ngày 23/10 là ngày truyền thống của đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay đồng thời là ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Cùng với Hải Phòng thì Quảng Ninh cũng là nơi xuất phát của những con tàu không số. 

Trong suốt cả chiều dài 14 năm hoạt động của đoàn tàu không số từ 23/10/1961 đến 30/4/1975 được chia ra các thời kỳ lịch sử: Giai đoạn bí mật, giai đoạn bị lộ sau sự kiện Vũng Rô, giai đoạn nửa bí mật, nửa công khai từ 1968-1971; và giai đoạn công khai sau khi ký kết Hiệp định Pari 1973 đến tổng tiến công mùa xuân 1975. Mỗi thời kỳ đều có dấu ấn riêng mà thông qua các nhân chứng lịch sử của mỗi giai đoạn ấy cùng viết nên một bản hùng ca của những người lính đoàn tàu không số anh hùng.

Dù cho vẫn biết đi là có thể chết, không hẹn ngày trở về nhưng các chiến sỹ tàu không số luôn kiên định một ý chí chiến đấu sắt đá. Để làm được điều ấy dựa vào “sức mạnh tinh thần” chính là ý chí của tinh thần chính trị, một lòng vì Tổ quốc. Vậy nên mới có cảnh truy điệu sống như một nhà thơ nào đó đã viết: "Tàu không số những chiến binh dũng cảm/ Truy điệu mình trước lúc ra đi/ Cả con tàu như trái tim rực lửa/ Vì miền Nam hiến cả cuộc đời/ Bao linh hồn đã hóa vào biển cả/ Để làm nên kỳ tích phi thường".

Ông Vũ Đăng Khoa, 82 tuổi, hiện đang ở phố Nhà Thờ, phường  Bạch Đằng, TP Hạ Long, nguyên là chiến sĩ tàu 67 thuộc Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) nhập ngũ tháng 9/1964 thì đến tháng 10 nhận lệnh đi Nam. Tàu 67 của ông và đồng đội nhận hàng ở Tuần Châu, neo ở hang Trinh Nữ rồi vào Vụng Ếch trước khi xuất phát vào Nam.

Sau lễ truy điệu sống, tàu nhổ neo vào lúc nửa đêm đi qua bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) để bảo dưỡng, tu sửa rồi mới chính thức lên đường. Trên tàu chở 70 tấn vũ khí cùng 15 cán bộ, thủy thủ và 3 cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam. Theo ông Khoa, vì là bến phụ nên Tuần Châu đảm bảo an toàn hơn khi xuất phát so với Hải Phòng. Chuyến đi đặc biệt đó trên tàu có 4 sĩ quan cấp tá được bổ sung cho Bộ Chỉ huy Miền.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 nhận hàng vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Nhằm che mắt địch, tàu 67 treo cờ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Có khi tàu phải vòng sang hải phận của Trung Quốc chờ thông tin của tình báo ta gửi ra báo an toàn rồi mới vào. Nhờ ngụy trang khéo léo nên nhiều máy bay địch lượn lờ trinh sát nhưng vẫn không phát hiện ra tàu ta chở vũ khí. Khoảng 20 ngày thì tàu đến Bến Tre. Do đi trong đêm tối, trời lại mưa dông nên tàu 67 bị chệch hướng và mắc cạn ở Cồn Lợi (Bến Tre). Kiên quyết giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển, cán bộ, chiến sĩ tàu 67 được lệnh di chuyển vào bờ. Trên tàu chỉ còn 3 người là Chính trị viên Lê Hồng Phước, máy trưởng Hoàng Anh Dũng và pháo thủ Vũ Đăng Khoa giả trang làm ngư dân Nam Bộ.

Đánh hơi thấy có tàu lạ mắc cạn, nhiều tốp máy bay địch quần thảo trinh sát, pháo thủ Khoa giả vờ vá lưới, Chính trị viên Lê Hồng Phước thì vẫy tay chào như thể gặp người thân. Không thấy khả nghi nên máy bay địch bỏ đi. Tưởng thoát hiểm thì đến 17 giờ, tàu chiến của địch ngoài khơi vào tìm cách tiếp cận Tàu 67. Một số tên lính lái xuồng lượn lờ mấy vòng quan sát cũng tưởng tàu của ta là tàu đánh cá mắc cạn nên đã bỏ đi.

Bằng mọi giá trong đêm đen lực lượng trên bờ liên hệ quân giải phóng và người dân địa phương phải nhanh chóng chuyển 70 tấn vũ khí vào trong căn cứ. Con tàu bị mắc cạn giữa bãi cát khổng lồ, mọi người thảo luận nhiều phương án nhưng cuối cùng không có cách giải cứu. Nước thì mỗi ngày mỗi cạn, vì thế, chi bộ họp ngay trên boong tàu anh em quyết định thà mất tàu chứ nhất quyết không để lộ con đường vận chuyển trên biển. Ông Khoa kể: "Lúc đó, tôi nghĩ mình xuất thân là công nhân Vùng mỏ ra đi, bố mình cũng là công nhân cũng từng tham gia cách mạng, nếu quyết định phá tàu thì mình sẽ xung phong ở lại thực hiện nhiệm vụ này".

Tàu đã huy động 100 chiến sĩ quân giải phóng ở trên bờ xuống bốc hàng. Khoảng 3 giờ sau thì toàn bộ hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thậm chí cả máy tàu đều được tháo dỡ mang lên bờ cất giấu. Theo lệnh của trên, chỉ để 3 đồng chí: Phước, Dũng, Khoa xung phong ở lại điểm hỏa 3 tấn thuốc nổ phá tàu. Khoảng 1 giờ sau thì khối bộc phá phát nổ, con tàu nổ tung không để lại dấu vết, tuyến đường được an toàn. 15 cán bộ, thủy thủ ở lại Bến Tre khoảng hai tuần rồi theo tàu 154 ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ông Khoa tiếp tục trở lại Quảng Ninh và tham gia nhiều chuyến tàu khác nữa.

CCB Vũ Đăng Khoa tự hào nhớ lại: Phía Mỹ - Ngụy vẫn tự hào không để lọt qua dù một con kiến, vậy mà 3 tàu của ta là C54, C57 và C67 vẫn vào được, mắc cạn 3 ngày bốc hết hàng hóa lên mà đến lúc hủy tàu rồi vẫn không bị lộ. Người dân ta thì yêu nước, cưu mang che giấu quân giải phóng. Chỉ những điều ấy thôi đã giúp tôi mường tượng rằng Mỹ nhất định sẽ thua và miền Nam sẽ nhanh chóng được giải phóng.

Biến đau thương thành sức mạnh

Câu chuyện của các CCB đưa tôi về không gian bến Vạn Hoa ở Vân Đồn là nơi tàu 154 xuất phát năm 1969 đúng vào thời điểm Bác Hồ qua đời. Tuy nhiên, biến đau thương thành hành động cách mạng, tàu 154 quyết định phải thực hiện chuyến đi thành công. Do hỏng hóc, tàu phải neo ở Vịnh Hạ Long, gần hang Sửng Sốt. Trong thời gian ở đây, để chuẩn bị, anh em thủy thủ phải tuyệt đối giữ bí mật. Trên tàu có hai thuyền phó là đồng chí La Minh Tốt và Nguyễn Xuân Quế chỉ đạo anh em thủy thủ phải vượt qua đau thương biến thành sức mạnh. Anh em thủy thủ làm lễ truy điệu Bác Hồ trong sự thương tiếc đau đớn. Tất cả cùng nắm tay nhau thề: "Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù có phải hy sinh để đền ơn Bác".

Đến ngày tàu sửa chữa xong, 2 chiếc tàu há mồm do Liên Xô trang bị chở thủy thủ và vũ khí trong bờ ra khu vực hang Sửng Sốt. Thủy thủ tự bốc xếp vũ khí sang tàu. Bốc xếp xong, tàu nhổ neo xuất bến lên đường vào Nam. Vịnh Hạ Long vào tháng 10 trời biển trong xanh, gió mát dịu. Tàu 154 vòng lên bán đảo Lôi Châu Trung Quốc rồi chạy ra hải phận quốc tế. Thuyền trưởng Đỗ Văn Bé cho tàu đi theo đúng lịch trình mà tàu trinh sát 42 đã đi trước. Tàu đi trên biển giống như thuyền buôn, từ Hạ Long, đi vòng xuống tận hải phận Indonesia, qua Malaysia "du lịch" khắp vùng biển Đông Nam Á mà không bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện. Xuống đến vịnh Thái Lan, tàu thấy đèn của Singapore biết là cứ thẳng đường sẽ đi vào Hòn Khoai. Khi mặt trời lặn, tàu đã bắt được hải đăng của Hòn Khoai, phải tính toán chính xác để vào cửa Vàm Lũng thật nhanh, không được chạy lòng vòng ngoài biển địch sẽ phát hiện. Trời mưa tầm tã, tàu chỉ nhìn thấy bờ mờ mờ nhưng vẫn quyết dò đường mà đi vào.

Cuối cùng, con tàu không số đã vào được bến sau 3 năm bến đợi bến chờ. Nhiều đồng đội đã lội ra trèo bằng được lên tàu. Những cái ôm thật chặt đến nghẹt thở. Họ vừa ôm nhau vừa khóc. Tàu 154 chở 58 tấn vũ khí đã vào bến Vàm Lũng Cà Mau thành công sau 3 năm bến vắng thuyền, đã góp phần củng cố phong trào cách mạng miền Nam, giữ vững niềm tin về ngày thống nhất đất nước.

Du kích đồng bằng Sông Cửu Long chuyển vũ khí từ tàu không số đi cất giấu. Ảnh: Tư liệu.
Du kích đồng bằng Sông Cửu Long chuyển vũ khí từ tàu không số đi cất giấu. Ảnh: Tư liệu.

Vịnh Hạ Long che chở mưa bom

Nhìn những hòn đảo nằm rải rác trên Vịnh Hạ Long đang được khai thác để phục vụ du lịch, ít người biết được rằng đây chính là những kho tàng bí mật cất giấu vũ khí của những con tàu không số vận chuyển vào Nam. Trên Vịnh Hạ Long có các hòn đảo có những hang đá là nơi giấu vũ khí của các con tàu không số, như: Hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Sửng Sốt. Nhân dân ta biết các nhiệm vụ và nơi chở vũ khí nhưng với tinh thần, trách nhiệm rất cao luôn giữ bí mật thực hiện không nói, không biết, không cung cấp thông tin về việc này.

Lý do khu vực Vịnh Hạ Long được chọn làm nơi bốc hàng hóa, vũ khí đạn dược lên tàu, theo như lý giải của ông Nguyễn Văn Cải, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Ninh, là vì lúc đó phía Hải Phòng bị địch thường xuyên phong tỏa bằng thủy lôi, máy bay, bom đạn, tàu rất khó tiếp cận. Trong khi đó, Vịnh Hạ Long có rất nhiều hang động, núi non, ta vừa có thể giấu hàng tàu cũng dễ tiếp cận hơn.

Trong số nhiều chuyến tàu vào Nam, ông Hồ Đắc Thạnh đã từng thực hiện những cuộc hải trình xuất phát từ Vịnh Hạ Long. Theo kế hoạch, đêm 22/11/1964, tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy 18 cán bộ, thủy thủ chở 63 tấn khí tài được lệnh xuất phát từ Hạ Long. Với những chiến công cùng đoàn tàu không số, sau này ông Hồ Đắc Thạnh đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tác giả bài viết gặp gỡ Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh, người từng chỉ huy 12 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam tại nhà riêng của ông ở Phú Yên.
Tác giả bài viết gặp gỡ Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh, người từng chỉ huy 12 chuyến tàu không số, có chuyến xuất phát từ Hạ Long, vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam, tại nhà riêng của ông ở Phú Yên.

Khi đi ngang qua vùng biển Ðà Nẵng, máy bay trinh sát của giặc Mỹ phát hiện, nghi ngờ, báo vào bờ và lập tức hai tàu tuần tiễu của địch lao ra kèm song song và chĩa thẳng nòng pháo về phía tàu 41. Nhờ ngụy trang tốt, tàu 41 mang biển hiệu 412 treo cờ nước ngoài đã đánh lừa được địch bỏ mục tiêu. Lúc 23 giờ 50 ngày 28/11/1964, tàu 41 cập bến Vũng Rô, Phú Yên. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui. Tàu chỉ được phép ở lại bến Vũng Rô trong thời gian từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng phải rời bến.

Do lượng hàng đến 63 tấn, quá lớn so với khả năng bốc xếp nên tàu 41 phải ngụy trang ở lại bến thêm một ngày, 3 giờ sáng ngày hôm sau bốc xếp xong tàu rời bến. Bình minh biển Vũng Rô sóng vẫn bình yên tươi đẹp như chưa có chuyện gì xảy ra. Sau thắng lợi chuyến đầu, tàu 41 tiếp tục vào Vũng Rô hai chuyến nữa. Việc tiếp nhận vũ khí từ các chuyến tàu không số đã được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Từ bến Vũng Rô, những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng.

Sau đó 8 năm sau, cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, hoạt động của đoàn tàu không số chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam gặp nhiều khó khăn, địch ngăn chặn diện rộng trên biển, nếu tàu đi thì phải quay lại, nếu cố đi thì không có tàu trở về. Cuối năm 1971, tàu 602 bị lộ ở vùng biển phía Nam, bị Mỹ ngụy đánh chìm. Đêm 16/4/1972, tàu 603 bị trúng bom rải thảm ở sông Cấm. Chiều 19/12/1972, tàu 604 bị trúng bom ở Vịnh Hạ Long. Thời gian này, các tàu của Đoàn 125 phải sơ tán, ẩn tàu và người ở căn cứ A2 là cảng Hậu Thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Ông Vũ Văn Đức, hiện sinh sống ở phố Giếng Đồn, TP Hạ Long, xúc động kể chuyện tàu 604 bị trúng bom đạn Mỹ bắn ở Vịnh Hạ Long. Với ông Đức, đây là chuyến đi biển đầu tiên, sau 2 tháng được biên chế về làm điện công Đoàn tàu không số. Đây cũng là chuyến đi gian khổ, sóng to, gió lớn, bom đạn ác liệt, tàu đầy thương tích. Các tàu thuộc biên đội tàu Nhật Lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chở đạn tên lửa “Hải đối hải” từ Trung Quốc về Việt Nam trong những ngày đêm chống B52 cuối năm 1972 ác liệt của đế quốc Mỹ ở Vịnh Hạ Long.

Ông Khoa
Ông Vũ Đăng Khoa vui thú điền viên trong cuộc sống đời thường.

Đến tháng 12/1972, tại căn cứ A2, Ban chỉ huy Đoàn 125 quyết định điều 3 tàu Nhật Lệ đi làm nhiệm vụ đặc biệt, gồm 604, 607, 608. Sau 2 ngày khởi hành, tàu đến cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông Đức nhớ lại: Chuyến đi này vào mùa đông, gió mùa Đông Bắc, dân đi biển nghe đã ớn huống hồ chúng tôi. Tàu chúng tôi đi trong những đợt sóng rất to, nhất là qua vùng “Cửa Tử” tức là khoảng cách giữa bán đảo Lôi Châu lục địa với đảo Hải Nam. Trung Quốc có câu “Là Hải quân nếu chưa qua Cửa Tử thì chưa phải là Hải quân”, vì ở Cửa Tử sóng nhỏ nhất là sóng cấp 5. Trong chuyến đi công tác biển đợt này, thuyền trưởng yêu cầu tất cả lính mới chúng tôi lên ca bin học lái tàu. Sóng to nên anh em trẻ chúng tôi say sóng. Mặt biển cứ tròng trành đưa chúng tôi lên lại dập chúng tôi xuống. Mật xanh, mật vàng cứ tuôn ra. Tôi và anh Thắng người Thanh Hóa là yếu sóng nhất, còn nôn ra cả máu. 2 anh em vệ sinh lau chùi phi tang nhưng không hết nên mới bị lộ. Cán bộ thuyền tra hỏi, không ai dám nhận mình đã nôn ra máu, vì sợ bị điều lên bờ. Sau này về căn cứ, trong cuộc họp kiểm điểm chuyến công tác, anh em lính mới chúng tôi không có ai bỏ ca. Thuyền trưởng bảo chuyến đầu thế là được, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc đến Trung Quốc, những thủy thủ như ông Đức mới được biết nhiệm vụ của chuyến công tác là đón Đoàn tàu Tên lửa 2 ống phóng (4 chiếc), tiếp nhận vũ khí và trang bị trực tiếp từ 2 tàu vận tải Liên Xô (mỗi tàu trọng tải 15.000 tấn). 2 tàu Liên Xô khởi hành từ cảng vùng Viễn Đông Liên Xô về Việt Nam, trung chuyển qua Trung Quốc. Theo ông Đức, việc bàn giao này cũng rất gian nan. Uy lực loại tàu này rất khủng, tốc độ 45 hải lý/giờ, tầm bắn 20 hải lý. Nếu bắn lệch mục tiêu 1 hải lý, đạn tên lửa tự tìm mục tiêu.

"Chúng tôi được nghỉ 2 ngày, chờ bạn điều tàu cẩu 100 tấn từ Quảng Châu xuống, mới cẩu được tàu tên lửa từ trên tàu Liên Xô xuống nước. Buổi tối, Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải mở tiệc chiêu đãi đoàn quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ phận nhận tàu tên lửa mang danh Hải quân nhân dân Việt Nam mặc quân phục dạ mùa đông màu xanh tím biển. Bộ phận tàu vận tải được xưng danh Đoàn đánh cá Hạ Long mặc quần áo màu vàng sửa đi từ bộ đồ lao động. Sau đó, họ dẫn chúng tôi đi tham quan một số con phố cổ và siêu thị. Trong lúc đi dạo phố, có một số người dân Việt kiều đến hỏi: Các chú là người Việt à, các chú là bộ đội à, tình hình đất nước mình ra sao? Chúng tôi trả lời "vâng" rồi nói cụ thể rõ ràng về tình hình chống Mỹ của nhân dân ta. Chỉ có một điều, chúng tôi không được nhận mình là bộ đội, chúng tôi là thủy thủ tàu đánh cá. Trước khi đi chơi, chúng tôi đã được cấp trên nhắc nhở, hạn chế tiếp xúc với mọị người" - ông Đức kể tiếp.

tttttttttt
Ông Vũ Văn Đức thời mới nhập ngũ.

"Tối hôm sau, 3 tàu vận tải chúng tôi cơ động vào cập mạn 2 tàu Liên Xô. Đêm đó, chúng tôi nhận đủ hàng. Sáng lại trở về cảng đỗ và chờ lệnh trở về Tổ quốc. Trong thời gian ở Trạm Giang, chúng tôi nghe các chỉ huy rỉ tai nhau tin mật: “Đài BBC đưa tin đoàn tàu tên lửa của Việt Nam đang ở Trạm Giang, nó còn nói ngày ta về nước”. Điều đó chứng tỏ tình báo Mỹ đang theo dõi sát sao hoạt động của đoàn tàu Tên lửa của Hải quân nhân dân Việt Nam"- ông Đức nhớ lại.

Vào ngày 16/12, có 3 tàu vận tải 604, 607, 608 và 4 tàu tên lửa kéo 3 hồi còi vang chào thành phố cảng Trạm Giang lên đường về Việt Nam. Đến chiều 17, đoàn tàu về vùng biển biên giới (vùng biển Bắc Hải, Trung Quốc). Đêm 17 rạng sáng ngày 18/12, Bộ Tư lệnh hải quân cho 1 tàu rà phá thủy lôi làm nhiệm vụ mở và dẫn dường cho các tàu 604 và 4 tàu tên lửa trở về nước cập bến cảng E172 an toàn vào sáng ngày 18. Bến cảng này nằm ở Hồng Gai, Quảng Ninh. 2 tàu 607 và 608 ở lại Bắc Hải đợi lệnh về sau.

Sau khi về, tàu được Bộ Tư lệnh Hải quân và ban chỉ huy Đoàn 172 xuống tận cảng đón chúc mừng và động viên toàn thể cán bộ, chiến sỹ 2 đơn vị (172 và 125) đã hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn. Sau đó, 4 tàu tên lửa được đưa đi sơ tán tránh bom ngay ở các đảo đá trong khu vực Vịnh Hạ Long. Tàu 604 ở tại cảng làm công tác chuẩn bị dỡ hàng, đến tối chuyển hàng lên căn cứ. Khoảng 18 giờ tối, tàu chạy 3 máy phát điện 25 kw/máy để đủ công suất phục vụ cấp điện cho hệ thống cần cẩu tàu. Trên bờ điều 2 ô tô cẩu và xe vận tải, bộ đội vận chuyển. Đến khoảng 21 giờ, trên trời bắt đầu có tiếng máy bay Mĩ bay vào bắn phá TX Hồng Gai, giờ mở màn bắt đầu chiến dịch 12 ngày đêm chống B52 của quân dân miền Bắc bắt đầu.

"Đêm đó, chúng tôi chuyển hàng lên bờ trong tiếng bom, đạn nổ vang trời. Tôi làm nhiệm vụ canh gác có nghe tiếng đồng chí chỉ huy hét lên trên máy bộ đàm, đại ý: “Tôi đang ở cảng hải quân. Yêu cầu các trận địa cao xạ Bãi Cháy, Hà Lầm, Cột 8, Hà Tu, các anh bắn mạnh lên trời ở khu hải quân. Máy bay Mỹ trên đầu tôi đây này”. Đến sáng 19/12, công việc hoàn thành, tàu hạ cẩu, đậy nắp hầm hàng. Tàu rà phá phá lôi đến, đưa tàu chúng tôi đến cập sát vào một hòn đảo đá trên Vịnh Hạ Long, địa phận TX Hồng Gai. Tôi nhớ đảo đá đó có tên là hòn Trầu Triện" - ông Đức xúc động kể.

Thuyền trưởng Võ Nhân Huân ra lệnh hạ 2 xuồng cao su và các lính trẻ mới bổ sung về tàu tháng trước đến các đảo đá khác xung quanh tìm chặt cây xanh chở về tàu ngụy trang. Các lính cũ xuống hầm hàng lấy các tấm nilon chống thủng tàu và dàn ngụy trang phủ lên dàn cẩu tàu cùng cây xanh chặt về. Đến trưa công việc hoàn thành. Trong lúc vận chuyển cây xanh về tàu, thủy thủ nhìn thấy phía xa bờ có tòa nhà 3 tầng, nhìn kỹ đó là trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh. "Đó là địa chỉ quen thuộc vì tôi là dân Hồng Gai, mới đi bộ đội một năm. Tôi khoe với mọi người và đánh lời xin phép được về thăm nhà ít phút. Nhà tôi cách đây có 7 cây số. Thuyền trưởng Huân bảo yên tâm, chờ đợi lệnh trên đã. Anh Trọng, thuyền phó nói, anh có kế hoạch chuẩn bị cho anh em chú mày. Cả một thùng táo Tây đây này, lên bờ về nhà chia nhau. Chả là vợ con anh Huân ở khu tập thể bệnh viện tỉnh gần nhà tôi"-  ông Đức chia sẻ những kỷ niệm về quê hương Quảng Ninh.

 2 giờ chiều, máy bay Mỹ gầm rú. Tiếng súng cao xạ trên bờ bắt đầu khai hỏa. Sau đó là tiếng bom đạn nổ vang trời toàn khu vực. Bom ném trúng 1 tàu tên lửa mới nhận. Ông Đức kể tiếp: Anh Tiến chính trị viên tàu, anh Huân thuyền trưởng, anh Kiêm và anh Trọng thuyền phó đã khẩn trương họp hội ý nhanh tìm kế sách đối phó. Sau đó, chúng tôi được phổ biến quán triệt: Tàu ta là tàu vận tải chậm tốc, tàu to, cơ động kém, tàu trang bị vũ khí bộ binh, không thích hợp đánh máy bay. Hiện tại, tàu ta đang nằm trên bùn (cạn), tầm quan sát bị hạn chế, xung quanh toàn núi đá, địch ở trên cao nhìn ta rõ. Phương châm tác chiến đoàn ta là tránh địch, chưa lộ là chưa nổ súng chiến đấu, thực hiện phương án bảo toàn lực lượng.

Thuyền trưởng, Chính trị viên và các đồng chí trưởng ngành ở lại tàu. 2 đồng chí thuyền phó đưa anh em không trực, rời tàu lên đảo, chuyển đạn và súng B41 lên bờ, vì hiện 4 quả đạn B41 để ở phòng câu lạc bộ, nếu tàu trúng bom đạn máy bay Mỹ, 4 quả B41 này bị kích nổ thì tàu tan. "Chúng tôi theo anh Kiêm, anh Trọng lên xuồng vào bờ. Xuồng quay lại chuyển súng đạn 2 khẩu B41 thì nghe tiếng anh Trọng vang lên “Tất cả nằm xuống, bom rơi”. Chúng tôi tất cả nằm xuống, bom nổ ầm ầm, tiếng kêu rít rít. Đúng là từ bé đến giờ tôi mới nhìn rõ quả bom nó tròn xoe như quả trứng gà đang rơi xuống. Đất đá bay rào rào. Loạt bom đầu, chúng thả không trúng tàu mà rơi xuống nước phía bên mạn trái.

ssssssss
Ông Triệu Xuân Hoãn lúc mới nhập ngũ.

Cùng lúc đó, đồng chí Bình là thủy thủ đưa khẩu B41 xuống, đồng chí Hưng ở dưới đón. Xuồng tròng trành làm trượt tay, súng B41 rơi xuống biển. 2 đồng chí lặn xuống vướt lên. Sau trận bom đầu, chúng tôi di chuyển vào được hang. Tiếp theo lại loạt bom nữa, anh Trọng kêu “bám chặt vào đá, như tắc kè bám đá ấy” vì lúc đó sức ép bom thổi rất mạnh. Sau 2 loạt bom thả không trúng tàu, chúng chuyển sang bắn đạn 20 ly. Sau nhiều loạt đạn trúng, tàu 604 bốc cháy dữ dội. Một cột khói đen bốc cao, anh Kiêm, anh Trọng hô anh em chúng tôi nhanh chóng trở về tàu chữa cháy. Thuyền trưởng lệnh nổ máy điện, bật bơm cứu hỏa, lắp vòi rồng phun nước, dập lửa vùng ca bin, buồng lái, nắp khoang máy, buồng thông tin. Còn các chỗ khác cứ để cho nó cháy tự nhiên"- ông Đức xúc động nhớ lại.

Sau một thời gian tàu cháy, thủy thủ vẫn không nổ súng, máy bay Mỹ bỏ đi. Từ đó, bầu trời Vịnh Hạ Long trở lại bình yên. Tốp lính trẻ tiếp tục theo thuyền phó Trọng lên đảo sơ tán lần thứ 2 nhằm bảo toàn lực lượng. Thuyền trưởng lấy hải đồ tác nghiệp cho chuyến hải hành tối nay trở về căn cứ. "Đợt lên bờ lần này, chúng tôi có thời gian khám phá hang động. Đó là một hang nhỏ, càng đi vào hang càng nhỏ đến kịch hang, phía dưới có lạch nước nhỏ chảy từ trong ra ngoài, chúng tôi lặn qua phát hiện đây là hang thông qua hòn Trầu Triện. Ra khỏi hang là khoảng bầu trời trong xanh. Trước mặt là vùng đất bùn có cây sú nước mặn. Cá mắc cạn ở đầy lạch. Lấy tay cào mặt bùn phát hiện có cua bể. Thế là anh em bắt, chắc mẩm tối nay được bữa tươi, có cá, có cua bể. Khoảng 17 giờ, chúng tôi trở về tàu, sơ bộ làm công tác vệ sinh tàu khắp mặt boong, trong hành lang buồng ở"- ông Đức vui mừng kể về kỷ niệm ở Hạ Long.

Sau đợt ném bom, dầu nhớt phủ kín vì đợt oanh kích lúc 15 giờ, máy bay bắn trúng 2 phuy nhớt để trên boong. Dầu chảy ra mặt boong. Toàn tàu làm công tác chuẩn bị đi biển. Mỗi người mỗi việc theo quy định. Thợ máy chuẩn bị máy chính, nổ máy đèn cấp điện cho toàn tàu. Hàng hải kiểm tra hệ thống lái điện, kiểm tra hoạt động máy đo sâu. Thủy thủ cố định pháo 12 ly 7, kiểm tra hệ thống neo. Riêng hệ thống thông tin tàu bị máy bay Mỹ bắn hỏng, mọi liên lạc giữa tàu và trung tâm chỉ huy không thực hiện được.   

18 giờ, bầu trời vùng Đông Bắc tối lắm rồi. Nước thủy triều đã lên cao. tàu đã thoát cạn nổi lên. Thuyền trưởng tập trung anh em ngoài boong tàu, điểm danh tên từng người. Tất cả đều có mặt, không có ai bị thương. Đến giờ khởi hành, lệnh kéo neo, máy chính cài số 1. Con tàu oằn mình trườn khỏi hòn Trầu Triện lạng lách qua các đảo đá Vịnh Hạ Long. Mũi tàu hướng phương Bắc mà đi. Chuyến đi này 604 không được tàu phá lôi dẫn đường. Sự an toàn của tàu và người đều trông vào sự may rủi. Để đảm bảo an toàn, thuyền trưởng yêu cầu toàn thể mọi người đều mặc áo phao. Ai không đi ca, ra ngồi ngoài giữa hầm hàng tàu, nếu tàu trúng thủy lôi địch thả thì người nổi, khi rơi xuống nước có người cứu. Trong thời gian đầu tàu khởi hành, 2 lần tàu phải dừng chạy vì nghe thấy tiếng máy bay. Sợ máy bay Mỹ phát hiện ra tàu ta vì tàu chạy nước biển phát ra luồng sáng lân tinh.

t
Ông Lưu Văn Phú lúc mới gia nhập lính hải quân trước khi xuống tàu Không số.

Đến sáng hôm sau (20/12), tàu 604 về đến vùng biển Bắc Hải được 2 tàu 607 và 608 cặp 2 mạn. Toàn thể cán bộ, chiến sỹ 2 tàu tập trung tổng vệ sinh tàu 604. Lúc này, thủy thủ mới nhìn kỹ toàn tàu găm đầy mảnh bom, đạn, những mảng cháy đen thui. Về đến bến, ai cũng nể phục cán bộ điều khiển tàu cứ như làm xiếc, lạng lách, lúc tíến, lúc lùi qua hết đảo đá này đến đảo đá khác. Còn mấy anh thủy thủ phải đứng trên mũi tàu căng mắt quan sát liên tục hô “trước mũi, mạn trái, mạn phải núi đá” để thuyền trưởng điều khiển tàu kịp thời.

Ở dưới nước, thủy lôi Mỹ rải xuống phong tỏa Vịnh Hạ Long không hiểu sao chúng bị câm hết để tàu đi qua. Chuyến đi này, tàu 604 quá may mắn. "Lúc buổi chiều trong bom đạn, tôi không có thời gian nghĩ về sống chết. Đến tối ngồi ở hầm hàng đợi tiếng thủy lôi nổ, chờ đợi cái chết. Tôi nghĩ tại sao mình không chết ở phương Nam mà lại chết ở đất Bắc. Cái chết ở đất Bắc không vinh bằng cái chết ở phương Nam đối với người lính tàu không số. Tôi có hy sinh thì cũng phải hy sinh ở miền Nam"- ông Đức thành thực chia sẻ.

Chỉ huy 3 tàu họp, quyết định tổ chức liên hoan tại chỗ, mừng tàu 604 thoát chết trở về. Bữa cơm có cá tươi, có cua bể hôm qua bắt được ở Vịnh Hạ Long. Đến chiều, tạm biệt 2 tàu bạn 607 và 608 ở lại, đợi lệnh trở về nước chuyển đạn tên lửa lên bờ, tàu 604 tiếp tục cuộc hành trình. Từ lúc này trở đi không lo sợ máy bay Mỹ săn lùng vì đây là vùng biển, vùng trời Trung Quốc. Tàu hướng căn cứ A2 là cảng Hậu thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc thẳng tiến.

Sau 2 ngày chạy trên biển, chiều 22/12 tàu về cửa biển cảng A2 neo lại ngoài khơi, đợi đêm tối mới về cập cảng vì các tàu trong bến đang tổ chức mít tinh liên hoan chào mừng 28 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ huy căn cứ A2 không cho tàu 604 về bến dự cuộc vui, chỉ huy không muốn cho anh em trong đơn vị nhìn thấy những vết thương trên tàu 604. Đến tối, tất cả các tàu trong bến chạy ra khu neo, các tàu khác không được nhìn thấy tàu 604. Đêm đó, 604 về cập cảng. Sáng hôm sau, tàu rời cảng sang khu doanh trại của bạn, nhờ công xưởng sửa chữa. Phía Trung Quốc tiến hành cắt, hàn vá những vết thương do bom đạn Mỹ gây ra. Riêng việc sơn tàu do lính tàu ta đảm nhiệm. Sau 1 tuần sửa chữa suốt ngày đêm, tàu 604 được khoác lên mình tấm áo mới, lại trở về cập bến bên cạnh những tàu bạn thân yêu như không có chuyện gì đã xảy ra.

ttttttt
Ông Vũ Văn Đức (bên trái) và đồng đội trong trang phục mũ tai bèo của lính giải phóng quân.

Sau ngày Mỹ chịu ký kết hiệp định Paris, một số tàu loại Nhật Lệ, loại Quảng Châu, loại Xưởng Ba được lệnh trở về nước tham gia chiến dịch vận chuyển gián tiếp vũ khí... vào Nam quân khu 4 và Bắc quân khu 5, cụ thể vào sông Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình và sông Cửa Việt, Quảng Trị là vùng giải phóng bộ đội ta quản lý. Thời gian này, tàu 604 vẫn trong quá trình hoàn thiện ở căn cứ A2. Ăn Tết Canh Ngọ 1973 xong, tàu 604 nhận lệnh trở về nước tham gia chiến dịch cùng các tàu bạn.

Khoảng tháng 6/1973, tàu 604 làm nhiệm vụ đi vào Cửa Việt, Quảng Trị khảo sát tuyến vận chuyển sâu hơn, gần chiến trường hơn, giảm chi phí vận chuyển đối với loại tàu 200 tấn. Tàu 604 vào bến Nhật Lệ chuyển tải bớt hàng lên bờ cho nhẹ trước khi đi vào Cửa Việt. Tàu được đón tiếp đoàn lãnh đạo do Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát kể: “Chiều tối hôm đó, tớ đứng trên bờ Cột 8 nhìn ra Vịnh Hạ Long phải chứng kiến thiệt hại của ta. Có 1 trận bom mà có 2 tàu bị máy bay Mỹ tiêu diệt, nhất là tàu tên lửa hiện đại. Thời gian nhận tàu về chỉ có được 1 ngày. Nếu chỉ huy kiên quyết nhường hầm trú ẩn cho 4 tàu tên lửa mới về tránh máy bay Mỹ thì chắc không có thiệt hại xảy ra.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở bến mới thành công, tàu trở về căn cứ A1 cảng K20 huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, Đoàn trưởng là Trung tá Đoàn Tê xuống thăm và thông báo: Trong Quân khu 4 họ phát động phong trào thi đua học tập tấm gương tàu 604 đấy. Theo chúng tớ đánh giá, thành tích của các cậu so với các tàu trong đơn vị thì các cậu chỉ ở bậc trung thôi. Các đồng chí không được kiêu, phải nỗ lực, cố gắng phấn đấu hơn nữa.

Ông Vũ Văn Đức rưng rưng lật danh sách cán bộ, chiến sĩ tàu 604. Từng dòng tên như nhòe mờ trước đôi mắt già nua theo năm tháng và những cảm xúc nhớ thương. 22 cái tên, người còn người mất nhưng không ai và không phút giây nào ông quên họ cả. 

kkkkkk
Các cựu chiến sĩ tàu không số ở Hạ Long trong một lần gặp gỡ.

Trong hàng ngàn chiến sĩ của đoàn tàu không số vào Nam, tôi chỉ gặp những cựu chiến binh Quảng Ninh như các ông Vũ Đăng Khoa, Đặng Văn Hiệt, Nguyễn Văn Cải, Vũ Văn Đức, Triệu Xuân Hoãn, Nguyễn Tài Lộc, Lưu Văn Phú ở Quảng Ninh và CCB Hồ Đắc Thạnh ở Phú Yên. Không ít người đã mang những câu chuyện oai hùng của đời mình, của thế hệ mình về bên kia thế giới. Nhưng không có ai, không có câu chuyện nào bị lãng quên cả. Họ vẫn sống trong tâm trí thế hệ sau, sống mãi với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cùng chuyên mục