Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở KH&CN để làm rõ về những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn cho giai đoạn đến năm 2030.

- Trong giai đoạn 2025-2030, mục tiêu mà tỉnh đã đề ra về chuyển đổi số có rất nhiều phần việc phải thực hiện. Ông có thể cho biết về những giải pháp triển khai trong giai đoạn này?
+ Bước vào giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số. Trong năm 2025, Sở KH&CN đang dự kiến trình UBND tỉnh 45 nhiệm vụ trọng tâm và 14 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 125,839 tỷ đồng (ngân sách tỉnh khoảng 63,175 tỷ đồng). Trên cơ sở này, đề ra những giải pháp cốt lõi cần thực hiện.
Về công nghệ thông tin, Quảng Ninh kế thừa hạ tầng chính quyền điện tử hiện có và tiếp tục nâng cấp. Hiện tỉnh đang có phương án xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu mới theo hướng điện toán đám mây, đảm bảo lưu trữ, xử lý tất cả dữ liệu của tỉnh một cách an toàn, tin cậy. Đồng thời, rà soát cập nhật Kế hoạch phát triển hạ tầng số (Kế hoạch số 230/KH-UBND) theo Quyết định 1132/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch quốc gia mới.
Về viễn thông, giải pháp là phối hợp với doanh nghiệp viễn thông tăng cường trạm 4G, 5G, lấp đầy “vùng lõm” phát sinh và chuẩn hóa trang thiết bị mạng.
Về xây dựng hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số chung, tập trung tích hợp dữ liệu dùng chung vào các ngành, đẩy mạnh chia sẻ thông tin. Xây dựng kho dữ liệu số chung của tỉnh; mở rộng liên thông dữ liệu y tế, giáo dục, bảo hiểm… vào hệ thống dùng chung; đồng thời đưa lên cổng mở (open data) một số bộ dữ liệu công để người dân, doanh nghiệp tra cứu và sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và kết nối hệ thống thông tin. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khai thác hiệu quả tối đa các nguồn dữ liệu hiện có, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi trong các ngành, lĩnh vực và từng bước thay đổi phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông minh, tự động, dựa trên dữ liệu được số hoá.
Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người lao động. Hằng năm, tỉnh tổ chức thêm các lớp ngoại khóa, hội thảo, xây dựng giáo trình, tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số; ngoài ra bổ sung chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học, cao đẳng, để đáp ứng nhu cầu lớn của doanh nghiệp công nghệ. Với người dân, tỉnh duy trì các diễn đàn cộng đồng, phong trào “Tổ công nghệ số cộng đồng” để phổ cập kỹ năng số cơ bản, như thanh toán trực tuyến, ký số điện tử, tự bảo vệ trên mạng…
Tỉnh phấn đấu 100% cơ quan nhà nước đạt chính quyền điện tử mức độ cao, đồng nghĩa với việc hệ thống xử lý văn bản điện tử, một cửa điện tử, cổng dịch vụ công được khai thác, sử dụng triệt để. Về kinh tế số, tiếp tục đẩy mạnh mô hình KCN, KKT thông minh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ số. Tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ.
Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ mở rộng hỗ trợ cho các ngành kinh tế chủ lực ứng dụng công nghệ cao, như thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, du lịch số (xây dựng thêm cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng VR, AR) và duy trì công nghiệp chế biến thế mạnh.
- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành năng lượng mới, thậm chí là "máu’" của nền kinh tế số”, đồng thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là vì người dân hạnh phúc, vì doanh nghiệp phát triển”. Trước lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Sở KH&CN với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho tỉnh về chuyển đổi số có giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh thực hiện các nhiệm vụ như Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã nêu, thưa ông?
+ Đối với Sở KH&CN, các giải pháp lớn được tập trung vào 3 nội dung (dữ liệu, nhân dân và doanh nghiệp), theo đúng tinh thần “mỗi nỗ lực đều hướng về người dân và doanh nghiệp”. Sở KH&CN đã chủ trì xây dựng và vận hành nền tảng dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đồng thời, sẽ thúc đẩy triển khai kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, nhằm phục vụ hiệu quả cho bài toán quản lý, điều hành, dự báo, ra quyết định của chính quyền và hỗ trợ phát triển dịch vụ số trong các ngành, lĩnh vực.

Về phía người dân - đối tượng trung tâm của chuyển đổi số, Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan phát huy mạnh mẽ phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, tham mưu cho tỉnh tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để bảo đảm người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận dịch vụ công thuận tiện, nhanh chóng, không cần đến cơ quan nhà nước. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để đăng nhập, thực hiện TTHC, tra cứu kết quả ngay trên nền tảng số của tỉnh, từng bước giúp người dân làm việc với chính quyền mà không cần đến trụ sở.
Đối với doanh nghiệp, đây là động lực và là chủ thể sáng tạo trong nền kinh tế số, Sở KH&CN tập trung tham mưu các cơ chế hỗ trợ tiếp cận công nghệ, sử dụng dữ liệu, đổi mới mô hình kinh doanh. Triển khai kế hoạch đã ban hành hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2024-2026. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tư vấn tận nơi, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại, kế toán, nhân sự… Ngoài ra, Sở KH&CN đang xây dựng đề xuất cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) để doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo có không gian linh hoạt thí điểm giải pháp mới trong khuôn khổ quản lý an toàn, tạo điều kiện cho những mô hình đột phá ra đời từ thực tiễn địa phương.
- Xin cảm ơn ông!