Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc khu Vân Đồn đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), với mục tiêu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và giảm tối đa những thiệt hại về tài sản cho người dân trên địa bàn.

Để đối phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Vân Đồn đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác PCTT-TKCN; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch PCTT-TKCN phù hợp với tình hình địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống; rà soát, kiện toàn, củng cố hoạt động các Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, Tổ quản lý đê nhân dân…
Đơn cử, trong việc triển khai giải pháp phòng chống bão số 3 (Wipha) vừa qua, là cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, với mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và giảm tối đa những thiệt hại về tài sản cho người dân trên địa bàn, ngay khi có thông tin áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía Đông Bắc Philippines (ngày 17/7/2025) đang mạnh lên và gần như chắc chắn sẽ trở thành bão, địa phương đã chủ động nắm bắt, chỉ đạo chuẩn bị công tác phòng chống; tổ chức họp triển khai công tác ứng phó.
Theo đó, ngay trong ngày 17/7, UBND đặc khu đã ban hành quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS; ngày 18/7 ban hành văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 3, xây dựng kế hoạch ứng phó trên địa bàn… Trong sáng ngày 20/7, lãnh đạo đặc khu chủ trì cuộc họp cùng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS; tham dự họp trực tuyến với Trung ương, tỉnh để triển khai nhiệm vụ, chủ động ứng phó với bão; đồng thời trực tiếp đi kiểm tra thực địa trên các tuyến có nhiều hoạt động trên biển để chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Đặc khu đã thành lập 11 tổ công tác tại 12 địa bàn khu vực thực hiện công tác chống bão trực tiếp. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão trên địa bàn được phân công phụ trách.
Địa phương cũng chỉ đạo các tổ công tác, các cơ quan, đơn vị thông báo rộng rãi thông tin về bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với bão và những tác động của bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ", từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác cả trước, trong và sau bão.

Công tác theo dõi nắm lại số tàu thuyền, đặc biệt là tàu khai thác thủy sản xa bờ được thực hiện khẩn trương; thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, thông báo các vị trí neo đậu tránh trú bão. Thường xuyên giữ thông tin liên lạc với chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Tuyên truyền vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, rà soát số người đang có mặt trên các nhà bè nuôi trồng thủy sản để sơ tán khi có yêu cầu; sẵn sàng triển khai các phương án phòng tránh, di chuyển dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhà yếu… Vân Đồn hiện đang có 1.070 hộ nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có 618 nhà bè trông coi nuôi trồng. Phương tiện tàu cá 1.353 chiếc, trong đó thuộc thẩm quyền quản lý 1.278 chiếc. Các tổ vận động, triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết hoàn thành di chuyển về bờ trước 10h ngày 21/7.
Cùng với đó, rà soát tất cả các công trình, dự án trên địa bàn đặc khu về phương tiện sản xuất, các khu lán trại, nhà ở cho công nhân tại các công trình, tập trung rà soát tất cả các điểm, các công trình viễn thông, điện lực, biển quảng cáo trên cao, cắt tỉa cây xanh đô thị. Chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn. Rà soát cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng theo phương án đã xây dựng. Đồng thời, tổ chức theo dõi mức nước ở các hồ, đập để thực hiện xả nước, có các biện pháp phòng chống. Toàn đặc khu có 25 công trình hồ đập hiện được đảm bảo an toàn trong công tác vận hành, tích trữ nước và thoát nước khu vực hạ du. Tổng số 17,89km đê biển thuộc đê địa phương đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo chống chịu được bão cấp 9, triều cường tần suất 5%.
Địa phương cũng chỉ đạo các tổ công tác tại các khu vực đảo nắm chắc số lượng khách du lịch trên đảo, thông báo cho nhân dân và du khách về diễn biến của bão để chủ động về đất liền trước giờ cấm tàu; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chủ động bảo đảm an toàn cho du khách còn lưu trú trên địa bàn. Theo thống kê, tổng số khách du lịch đến địa bàn có khoảng 5.378 khách, đến 7h ngày 21/7, khách du lịch tại các tuyến đảo đã di chuyển về bờ an toàn.
Các đơn vị Ban Chỉ huy quân sự đặc khu, Công an, các Đồn Biên phòng Quan Lạn, Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Trạm ra đa 485 Hải quân, Lữ đoàn 169 sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương án đã xây dựng, sẵn sàng triển khai thực hiện khi có yêu cầu.
Với sự quyết liệt, khẩn trương, trước 13h ngày 21/7/2025 (dự báo sáng ngày 22/7 bão đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình) trên địa bàn đặc khu cơ bản thực hiện xong các phương án phòng chống bão.
Phát huy tinh thần chủ động, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc khu kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.