Nếu ví ngành Than Việt Nam như một bản anh hùng ca, thì tự vệ Nhà sàng Cửa Ông chính là những nốt nhạc hào hùng, viết nên bởi máu, mồ hôi và lòng quả cảm của những thợ mỏ. Họ không chỉ cầm súng chiến đấu dưới bom đạn của máy bay Mỹ, mà còn kiên cường bám máy, giữ cho dòng than chảy mãi. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời lửa đạn vẫn chưa phai trong trái tim của những người thợ Nhà sàng Cửa Ông. Hôm nay, trong nhịp đập hối hả của thời đại mới, những người con ấy vẫn miệt mài lao động, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha anh.
Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, trong quá trình khai thác than ở Quảng Ninh, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng Nhà sàng và Cảng Cửa Ông. Năm 1924, Nhà sàng và Bến Cửa Ông chính thức đi vào sản xuất. Chủ thầu người Pháp chiêu mộ công nhân trước đây làm thuê xây dựng cảng và nhiều nông dân bần cùng từ các miền quê ra khu mỏ, hình thành một đội ngũ làm công nhân khá đông đảo. Giai đoạn đó, Cửa Ông là cảng than đầu tiên ở Đông Dương, một mắt xích quan trọng trong việc chế biến, sàng tuyển than. Nơi đây cũng chính là một trong những cái nôi hình thành giai cấp công nhân, tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn Việt Nam đầu tiên ở Vùng mỏ.
Tuyến đầu giữ lửa
Năm 1955, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Cửa Ông, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. Hậm hực khi phải rút quân, chủ mỏ Pháp và tay sai đã ra sức phá hoại, làm tê liệt máy móc, nhà xưởng với âm mưu thâm độc: “Ít ra cũng phải 20 đến 25 năm nữa người An Nam mới đào được than và đưa sản xuất trở lại”.
Song, những người thợ Bến Cửa Ông năm đó đã khiến người Pháp phải ngỡ ngàng: Bằng trí nhớ của mình, người thợ điện Lê Văn Hiển (Anh hùng lao động đầu tiên của ngành Than) đã vẽ lại toàn bộ hệ thống mạng điện của xí nghiệp. Nhờ vậy, bến cảng, nhà máy hàn hơi, nhà máy luyện than, đường dây cao thế ở cảng Cửa Ông, hệ thống vận tải đường sắt, các đầu máy kéo than và hệ thống cầu trục đều đã được sửa chữa và đi vào hoạt động trong thời gian chưa đầy một tháng. Sự hồi phục thần tốc của Xí nghiệp Bến Cửa Ông ngày đó đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Việc khôi phục Nhà sàng Cửa Ông, cùng hệ thống trục 2 công trường Đèo Nai đã làm tăng sản lượng than tháng 8/1955 của toàn Vùng mỏ từ 2.400 tấn/ngày lên 3.000 tấn/ngày, rồi 3.400 tấn/ngày - gấp 1,5 lần so với ngày đầu tiếp quản.
Anh hùng lao động Lê Văn Hiển sinh năm 1890, tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông ra Vùng mỏ từ khi còn rất trẻ, xin vào làm công nhân tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông và chỉ trong thời gian ngắn, ông đã được đề bạt làm Đốc công Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Cùng thời với thợ điện Lê Văn Hiển còn có các đồng chí Huỳnh Văn Nguôn, Vũ Hữu Luyện, Trương Hữu My, Trần Sinh Xướng... cũng là những trụ cột về lao động sản xuất của Xí nghiệp.
Ông Đỗ Văn Tăng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV, cho biết: Anh hùng Lao động Lê Văn Hiển đã mất từ lâu, chúng tôi cũng chỉ được tìm hiểu về cụ phần nhiều qua tài liệu lịch sử. Nhưng những câu chuyện về phẩm chất thông minh, cần cù, sáng tạo và trí nhớ tuyệt vời của người thợ điện Lê Văn Hiển vẫn luôn truyền cảm hứng cho thế hệ công nhân Tuyển than Cửa Ông ngày nay thi đua lao động sản xuất.

5 năm sau ngày giải phóng Vùng mỏ, Xí nghiệp Bến Cửa Ông được thành lập với 1.629 cán bộ và công nhân, chủ yếu là lao động phổ thông, khí thế thi đua khôi phục sản xuất luôn sôi sục với các chiến dịch sản xuất than: “Đắc Tô”, “Vì Miền Nam ruột thịt”. Xí nghiệp đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1964) và được Bác Hồ gửi thư khen, đồng thời được ghi tên trên Cờ thưởng luân lưu của Bác.
Niềm vui trong lao động sản xuất vừa được thổi bùng lên đã phải thử thách trong bão táp của chiến tranh. Giặc Mỹ leo thang, đánh phá miền Bắc. Khi tiếng bom đạn rền vang bầu trời Vùng mỏ, Xí nghiệp Bến Cửa Ông lại trở thành trận địa pháo, những người thợ lại đứng lên trở thành chiến sĩ.
Lần đầu tiên, cán bộ và công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông phải đương đầu chiến đấu với máy bay phản lực Mỹ có tốc độ nhanh, hiện đại. Khối lượng bom đạn rất lớn giặc Mỹ trút xuống hòng huỷ diệt con người và sức sản xuất của xí nghiệp nhưng những người thợ Nhà sàng Cửa Ông không lùi bước. Họ đã sát cánh cùng nhau chiến đấu. Đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông với pháo cao xạ 37 ly, những khẩu súng trường trong tay và tinh thần thép trong tim, đã bắn rơi nhiều máy bay giặc, lập nên những chiến công lẫy lừng. Trong các trận chiến đấu, tự vệ xí nghiệp đã cùng các lực lượng quân và dân thị trấn Cửa Ông bắn rơi 8 máy bay giặc Mỹ. Trong đó, ngày 19/4 - ngày Đội tự vệ xí nghiệp bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên (19/4/1965) đã được chọn làm ngày gặp mặt kỷ niệm hàng năm của Lực lượng tự vệ công binh và pháo cao xạ Tuyển than Cửa Ông.

Giai đoạn 1965-1972, khi chiến sự leo thang, không quân Mỹ đã biến Cửa Ông thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất miền Bắc. Nhà sàng Cửa Ông nằm ngay trên mạch vận chuyển than quan trọng ra cảng đã trở thành mục tiêu bắn phá không khoan nhượng của kẻ thù.
Bị đánh phá ác liệt là thế, nhưng vào năm 1965, lần đầu tiên trong lịch sử khai thác than Việt Nam, sản lượng than sạch đạt 3,2 triệu tấn, trong đó Cửa Ông đạt trên 2,4 triệu tấn. Cũng vào năm này, Xí nghiệp đã xây dựng Đại đội tự vệ gồm 137 chiến sĩ được trang bị 1 súng 12,7mm, 3 súng 14,5mm, một số trung liên, tiểu liên và súng trường các loại. Nhiệm vụ là phối hợp với các đơn vị bộ đội và đơn vị bạn trên địa bàn Cẩm Phả đánh trả máy bay Mỹ xâm phạm Vùng mỏ, bảo vệ nhà máy, bến cảng và nhân dân.
Di sản của Tự vệ nhà sàng Cửa Ông không chỉ được kể trong các chiến công oai hùng mà còn sống mãi qua những giá trị tinh thần được truyền lại qua các thế hệ. Những câu chuyện, những bài học về lòng quả cảm, về sự hy sinh thầm lặng đã trở thành nguồn động lực to lớn cho các thế hệ sau biết nỗ lực vượt khó, vươn lên.

Lật giở từng tấm ảnh đã ngả màu thời gian, bà Nguyễn Thị Gái - nữ tự vệ Nhà sàng Cửa Ông năm xưa không khỏi bồi hồi khi nhớ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng. Bà Gái đi làm công nhân và tham gia tự vệ năm 1966, khi ấy mới 16 tuổi, là một trong người nữ tự vệ đầu tiên của Nhà sàng Cửa Ông. Tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng những ký ức của bà về những năm tháng đó dường như chưa bao giờ phai nhạt.
Bà Gái kể: Đại đội của tôi có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị pháo 37mm của bộ đội địa phương để bảo vệ vùng trời Cửa Ông. Là thanh niên tự vệ, trong chiến đấu cũng như trong sản xuất luôn phải đi đầu. Khi không có báo động, tôi và những nữ thanh niên khác đảm nhận chạy máy tầng trên cùng của nhà sàng. Khi có báo động ngừng máy, tôi lại là người chạy xuống cuối cùng, để những công nhân lớn tuổi hơn chạy xuống trước. Có những khi lại thường trực tác chiến trên những trận địa pháo, đi theo giao thông hào giúp bộ đội trên đồi Đoan, đồi 105, đồi Nhà sàng.
Trong câu chuyện của bà Gái luôn thường trực câu nói: “Mình là thanh niên mà, việc gì cũng sẵn sàng làm, chỉ cần bảo vệ được nhà máy, bảo vệ đất nước, làm chủ nước nhà”. Và cũng trong câu chuyện ấy, những người đồng đội một thời cùng vào sinh ra tử, những tấm gương chiến đấu của Bến Cửa Ông năm xưa luôn được bà nhắc đi nhắc lại với niềm tự hào.
Đó là tấm gương đồng chí Phạm Văn Hùng tự nguyện xung phong lên làm pháo thủ và đã chiến đấu rất dũng cảm, trước lúc hy sinh còn nhắn nhủ lại đồng đội “Hãy quyết giữ lấy nhà sàng thân yêu của mình”. Đó còn là Tiểu đội thanh niên công binh với 16 chiến sĩ trẻ do Đoàn Văn Lầy làm Tiểu đội trưởng, bám trụ trên cầu 20 để giữ vững cho tuyến vận tải than mỏ luôn thông suốt. Đó là bà Lê Thị Thìn, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc đầu tiên của Xí nghiệp, đã cùng tập thể Nhà sàng duy trì sản xuất trong lúc chiến tranh ác liệt; là nữ y tá Trần Thị Ánh Tuyết đã quên mình, dũng cảm ngày đêm có mặt ở các trọng điểm đánh phá của địch cứu chữa công nhân bị thương. Đó là các chị Đỗ Thị Hải, Nguyễn Thị Khang, Đặng Thị Mùi, Thái Thị Nga cùng tập thể nữ tự vệ nhà sàng, suốt 8 năm trời ngày, đêm chiến đấu, bám trụ bảo vệ nhà sàng, giữ vững sản xuất.
Đơn vị Anh hùng đầu tiên của Vùng mỏ

Năm 1965, Đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông trở thành “Đơn vị Quyết thắng” đầu tiên của khu Hồng Quảng. Chỉ hai năm sau, vào tháng 1/1967, đơn vị được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” - Đơn vị Anh hùng đầu tiên của Vùng mỏ, ghi dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương. Đó là danh hiệu xứng đáng cho những chiến công hiển hách, những sự hy sinh và máu xương của những người thợ Bến Cửa Ông đã nằm xuống vì vùng than, vì mảnh đất này.
Ngày 10/5/1972, Mỹ điên cuồng quay lại ném bom miền Bắc hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Cửa Ông một lần nữa lại trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Hứng chịu biết bao trận không kích, nhưng Nhà sàng, Cầu 20 và Bến cảng vẫn hiên ngang đứng vững. Tự vệ Xí nghiệp đã kiên cường chiến đấu trên 100 trận, phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang bắn rơi 2 máy bay địch.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, xuất khẩu than từ Bến Cửa Ông là nguồn ngoại tệ lớn nhất của nước ta, góp phần thiết thực cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lịch sử đã khắc ghi 115 công nhân và 172 con, em công nhân Xí nghiệp lên đường vào Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó có 47 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 81 đồng chí đã để lại một phần xương máu ở chiến trường...
Ông Đoàn Kiển, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam từng xúc động nói: “Những chiến sĩ tự vệ Nhà sàng Cửa Ông không chỉ chiến đấu như những người lính thực thụ, mà còn sản xuất như những người thợ thực thụ. Họ đã biến Nhà sàng thành pháo đài kiên cố, nơi bom đạn kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần của thợ mỏ”.
Ngày 12/8/1974, Xí nghiệp Bến Cửa Ông được đổi tên thành Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông với những quy chuẩn mới về chế biến, sàng tuyển và quản lý. Khi đất nước thống nhất, Tuyển than Cửa Ông được xem như một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Trong giai đoạn từ 1974 đến 1985, Xí nghiệp không ngừng được đầu tư mở rộng. Ngày 20/7/1980, Nhà máy Tuyển than 2 với công nghệ của Ba Lan cùng các thiết bị đánh đống, bốc, rót của Nhật Bản, đầu máy TY7E của Liên Xô, toa xe 30 tấn của Rumani được đưa vào sử dụng… Từ đây, Xí nghiệp mang một dáng vẻ mới, hiện đại hơn, quy mô hơn.
Viết tiếp bản hùng ca
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Nhà máy Tuyển than 3 ra đời và tuyến đường sắt Cửa Ông - Cao Sơn được đưa vào khai thác. Năm 1989, Xí nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ sàng tuyển của Úc có trị giá 11 triệu USD, nâng công suất Nhà máy Tuyển than 2 từ 3 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn/năm, sản xuất ra nhiều chủng loại than chất lượng cao.
Năm 2001, đánh dấu cột mốc mới khi Xí nghiệp được nâng tầm lên thành Công ty Tuyển than Cửa Ông. Hàng loạt giải pháp quản lý, cải tiến kỹ thuật và công nghệ mới được ứng dụng từ đây, cục diện phát triển của doanh nghiệp thay đổi. Một luồng sinh khí mới như được thổi vào đời sống và tinh thần hàng nghìn người thợ. Hơn một thế kỷ qua, Nhà sàng và Cảng Cửa Ông đã chứng kiến biết bao cuộc chiến, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nay vẫn rộn ràng tiếng máy, tiếng than reo; vẫn đang tiếp tục sứ mệnh của mình, cung cấp hàng chục triệu tấn than mỗi năm cho nền kinh tế.

Hôm nay, dù khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần tự vệ nhà sàng Cửa Ông vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ công nhân Vùng mỏ. Hình ảnh người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Ngô Huy Tăng cắm lá cờ đỏ Búa Liềm tung bay kiêu hãnh trên đỉnh cầu trục Pooctic số 1 cùng những chiến công hiển hách của quân dân và công nhân ngành Than đã ghi tạc vào lịch sử vùng đất này. Họ chính là minh chứng cho sức mạnh của giai cấp công nhân - những người không chỉ làm giàu cho Tổ quốc bằng mồ hôi, mà còn bằng cả máu xương và lòng yêu nước bất diệt. Với lòng tự hào về các thế hệ cha anh, những người trẻ hôm nay đang viết tiếp khúc tráng ca mang tên Tuyển than Cửa Ông trên hành trình vươn ra biển lớn.