Là thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long được tỉnh ưu tiên phát triển về mọi mặt. Nhất là khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long thì thành phố bước sang một giai đoạn mới, một hành trình mới, cơ hội mới để phát triển. Trong đó, ngoài phát triển đô thị trọng điểm, Hạ Long còn chú trọng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ kết quả tích cực của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp thành phố, cấp xã khi kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các đơn vị hành chính sau sáp nhập không ngừng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp xã, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong đó, huyện Vân Đồn và Cô Tô sẽ xây dựng trở thành đặc khu. Hiện 2 địa phương này đã và đang xây dựng đề án, thực hiện các bước đảm bảo tiến độ đề ra.
Cuộc cách mạng sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả. Với 461/465 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết lịch sử, Việt Nam chính thức còn 34 tỉnh, thành phố, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.
Cùng với 33 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, sắp xếp trong cả nước, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thử nghiệm chính quyền 2 cấp. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương lên phương án, kế hoạch để sử dụng hiệu quả tài sản công, trụ sở dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp của các xã, phường, bỏ chính quyền cấp huyện, với phương châm không để lãng phí.
Vào 8h, sáng hôm nay (30/6) là thời khắc lịch sử khi Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Lễ Công bố nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; Quyết định thành lập đảng bộ cấp xã; Chỉ định nhân sự cấp uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Như vậy là Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố, xã, phường trong cả nước nói riêng đã bước vào giai đoạn lịch sử - thực hiện chính quyền 2 cấp. Cuộc cách mạng sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy tổ chức đã mở ra một mô hình mới, không gian mới, vận hội mới và thành công mới, mà mục tiêu cuối cùng là đưa đất nước phát triển bền vững, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Sau tinh gọn bộ máy, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thì nhiệm vụ tổ chức thành công đại hội đảng bộ các xã, phường, đặc khu trên địa bàn tỉnh càng trở nên quan trọng, từ đó cùng với xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện là xác định các dự địa, xây dựng vị thế trong không gian phát triển mới cho cấp xã, phường.