Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với Việt Nam có thể ngay lập tức khiến các đơn hàng sụt giảm. Mức thuế cao sẽ khiến các sản phẩm gỗ từ Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh, khách hàng sẽ tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia bị áp mức thuế thấp hơn. Về lâu dài điều này sẽ khiến thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam bị thu hẹp, giá trị mang về từ xuất khẩu lâm sản có nguy cơ sụt giảm đáng kể.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, giá trị xuất khẩu lâm sản sang Hoa Kỳ năm 2024 đạt 9,417 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2,122 tỷ USD, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu áp toàn bộ mức thuế 46%, chi phí sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,14 tỷ USD mỗi năm, từ đó làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
Hiện các doanh nghiệp gỗ và chế biến lâm sản của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có không ít doanh nghiệp hoạt động ở quy mô hộ gia đình. Điều này gây khó khăn trong việc làm chủ toàn bộ chuỗi hàng, đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến để tiết giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất gỗ, chế biến lâm sản cũng đang là yếu tố bất lợi. Việc phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu kéo theo tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam với các thị trường xuất khẩu gỗ khác trên thế giới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết: “Mặt hàng gỗ và lâm sản chịu tác động nhiều hơn các ngành hàng khác do trước đó, ngày 1/3/2025 đã nằm trong diện bị khởi xướng điều tra về tác động của việc nhập khẩu gỗ xẻ đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Cuộc điều tra này được tiến hành theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, cho phép Tổng thống Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế nhập khẩu nếu một mặt hàng nhập khẩu đe dọa gây hại đến an ninh quốc gia. Nhóm sản phẩm thuộc diện này, Việt Nam có khoảng trên dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ”.
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo, thông báo từ phía Hoa Kỳ cho thấy, một số mặt hàng về gỗ nhiên liệu, dăm gỗ, viên nén gỗ, than củi, gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván... sẽ bị áp thuế đối ứng. Một số sản phẩm gỗ về nội thất, ngoại thất, sản phẩm gỗ xây dựng và các sản phẩm gỗ khác chưa bị áp thuế đối ứng, các mặt hàng này đang nằm trong diện khởi xướng điều tra để xác định tác động của việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và các sản phẩm gỗ (như giấy, đồ nội thất và tủ gỗ) đối với an ninh quốc gia. Với các sản phẩm gỗ thuộc diện điều tra này, thời gian Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra quyết định khoảng từ 270-360 ngày.
Để chủ động giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực từ những điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ đến toàn bộ sản phẩm gỗ, ông Trần Quang Bảo cho biết, hiện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đang chủ động theo sát tình hình điều chỉnh chính sách thương mại của Hoa Kỳ và các biện pháp ứng phó của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Cục kịp thời đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và sản phẩm gỗ để có giải pháp kịp thời, phù hợp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Cục tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các nội dung cam kết với Hoa Kỳ tại Thỏa thuận gỗ hợp pháp; các Biên bản ghi nhớ (MOU) và Ý định thư (LoI) về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp với Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ cân nhắc gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ tương đương như thời kỳ dịch Covid-19 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bởi đây là ngành hàng sử dụng rất nhiều nhân lực, chi phí cho nhân công nhiều, biên độ lợi nhuận không rộng.
Đơn hàng giảm, thị trường Hoa Kỳ bị thu hẹp, giá thành sản phẩm bị đội lên, kéo theo giảm nhu cầu mua, sức cạnh tranh của hàng Việt sụt giảm. Những điều này sẽ tác động đến khả năng thanh khoản, thậm chí một số doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy thanh khoản.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đi 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên những năm qua doanh nghiệp quá chú trọng vào thị trường Hoa Kỳ, chưa quan tâm đúng mức đến việc đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, đa dạng hóa thị trường cần được xem xét, đặt vấn đề một cách đúng mức hơn.
Ông Ngô Sỹ Hoài phân tích: “Trước kia chúng ta chỉ xuất khẩu dăm gỗ và đồ mộc sang Nhật Bản, giờ cần nghiên cứu hàng chế biến sâu để cung ứng sang thị trường này bởi Nhật Bản là thị trường tiềm năng xuất khẩu nội thất gỗ.
Với thị trường Trung Quốc, trước kia chỉ xuất khẩu dăm gỗ, nhưng qua tìm hiểu người dân Trung Quốc cũng rất quan tâm đến sản phẩm mây tre đan của Việt Nam. Thị trường Hàn Quốc trước đây chỉ xuất khẩu gỗ dán và viên nén gỗ, thị trường này rất thuận lợi về vận tải logistics để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu các lâm sản khác.
Với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang rất thuận lợi vì có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhưng xuất khẩu sang thị trường này mới chỉ chiếm 3,8-4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Một loạt các thị trường khác như Anh, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ hay ASEAN cũng đang còn nhiều tiềm năng chưa được tận dụng, khai phá. Đó là các thị trường mà doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu để bù đắp phần thiếu hụt khi thị trường Hoa Kỳ áp thuế đối ứng”.
Bên cạnh đó, thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân, nếu doanh nghiệp có chính sách phân phối tốt hơn, đầu tư nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu dân cư thành thị và nông thôn thì sẽ là kênh tiêu thụ sản phẩm tốt.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Thủy (tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, khi có thông tin Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ vào thị trường nước này, doanh nghiệp rất lo lắng, dù Hoa Kỳ chưa phải là thị trường chính. Thời gian tới, để bảo đảm doanh thu và việc làm cho công nhân, công ty đã gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ và xuất khẩu bền vững.
Song song với việc tìm giải pháp, chuyển hướng đa dạng thị trường, giảm chi phí sản xuất đầu vào, về lâu dài, các doanh nghiệp ngành gỗ cần chuyển đổi mô hình kinh doanh. Họ cần chuyển từ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu sang chủ động mẫu mã và xây dựng thương hiệu, để gia tăng hiệu quả kinh doanh, biên độ lợi nhuận.