Mặc dù đại dịch Covid-19 đã đi qua nhiều năm, nhưng loại vi rút này vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng và luôn có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại ở những quốc gia, vùng, khu vực có điều kiện thuận lợi. Thời gian qua, tại Việt Nam, Covid-19 đã lác đác xuất hiện ở một vài tỉnh, thành phố, ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan trước dịch bệnh này.
Hẳn mỗi chúng ta không thể quên sự nguy hiểm, tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 đã khiến khoảng 14,9 triệu ca tử vong. Về kinh tế, chỉ trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất 10.300 tỷ USD cho sản lượng kinh tế toàn cầu.
Cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề khi tính đến tháng 1/2024, Việt Nam ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có trên 43 nghìn trường hợp tử vong. Thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn.
Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 đã đi qua, nhưng dư âm của bệnh dịch này vẫn còn. Loại vi rút này vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng, tuy số ca mắc không còn lan rộng, tính nguy hiểm, độc dược của Covid-19 cũng giảm đi rất nhiều, thế nhưng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân và cộng đồng không nên chủ quan với loại bệnh dịch này.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận rải rác trên 150 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 34 ca, Hà Nội 19 ca, Hải Phòng 21 ca, Bắc Ninh 14 ca, Nghệ An 17 ca, Quảng Ninh 6 ca, Bắc Giang 4 ca, Bình Dương 4 ca; 19 tỉnh, thành phố khác ghi nhận 1-2 ca mắc/địa phương. Không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.
Trên thế giới, khoảng 1 tháng qua ghi nhận trên 25 nghìn ca mắc Covid-19. Một số nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Trung Quốc đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Trong đó tại Thái Lan xuất hiện biến thể phụ XBB.1.16, có khả năng lây lan nhanh chóng nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và WHO hiện chưa có cảnh báo mới đối với Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Trước tình hình số ca mắc Covid -19 trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, trong khi một số tỉnh, thành phố cũng đã xuất hiện những ca mắc, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, cơ sở y tế chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi), không để xảy ra các trường hợp tử vong.
Người dân không nên chủ quan với Covid-19, nhất là trong mùa hè khi người dân đi lại nhiều, tụ tập giao lưu, làm tăng nguy cơ lây nhiễm, bệnh có thể diễn biến nặng ở một số nhóm nguy cơ cao như: Người trên 65 tuổi; người mắc bệnh mạn tính (béo phì, tim mạch, các bệnh phổi như hen, COPD...), đái tháo đường; phụ nữ mang thai; người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ nhỏ...
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế, nơi tập trung đông người; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá lo lắng khi nghe tin có ca mắc mới về Covid-19. Tuy nhiên, cũng nên chủ động các biện pháp phòng tránh, hạn chế các loại vi vút nói chung, Covid-19 nói riêng có thể thâm nhập vào cơ thể, qua đó góp phần tạo ra một cộng đồng xã hội an toàn, môi trường sống an toàn.