Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 14% trở lên. Để hiện thực mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân tiếp tục được xác định là lực lượng chủ công kiến tạo tăng trưởng, tạo việc làm, đóng góp ngân sách. Song song với đà phát triển, nhiều rào cản vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự đồng hành quyết liệt và giải pháp đồng bộ từ chính quyền các cấp.

Trong nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, năm 2024 có 2.085 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 104% kế hoạch. Dù số vốn đăng ký chỉ đạt 21.073 tỷ đồng, giảm mạnh 36,2% so với năm 2023, nhưng điểm sáng là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 782 đơn vị, tương đương năm trước, cho thấy sức phục hồi đang dần trở lại sau nhiều khó khăn khách quan và chủ quan.
Theo số liệu thống kê, trong quý I/2025, toàn tỉnh ghi nhận thêm gần 400 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký gần 3.200 tỷ đồng, tăng gần 11% về số lượng so với cùng kỳ năm 2024. Mức vốn bình quân mỗi doanh nghiệp đạt hơn 9 tỷ đồng, phản ánh phần nào năng lực tài chính khởi sự ở mức trung bình khá. Đáng chú ý, doanh nghiệp hoạt động trở lại tiếp tục tăng với gần 300 đơn vị, trong khi số doanh nghiệp giải thể không thay đổi so với cùng kỳ. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh hiện có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký lên tới gần 370.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ 97,84%, cho thấy vai trò trung tâm không thể thay thế của lực lượng này trong kiến tạo tăng trưởng. Tỉnh cũng hiện có gần 38.200 hộ kinh doanh, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ (chiếm đến 83,3%).
Tuy nhiên, bên cạnh những con số khả quan trên, Quảng Ninh vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp tư nhân. Năm 2024, tỉnh ghi nhận 1.655 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 9%) và 280 doanh nghiệp giải thể (tăng 12%) so với năm trước đó.
Riêng quý I/2025, toàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp giải thể. Những con số ấy phản ánh sức chống chịu yếu, sự thiếu bền vững của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân được các sở, ngành chức năng phân tích trước hết là bối cảnh khách quan do hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024, cùng dư chấn từ đại dịch Covid-19; căng thẳng địa chính trị toàn cầu khiến giá nguyên vật liệu leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn dòng vốn đầu tư và thiếu hụt lao động chất lượng cao…
Bên cạnh đó, chính sách còn nhiều điểm nghẽn, như: Thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường vẫn chồng chéo; chính sách hỗ trợ còn dàn trải; năng lực tiếp cận chính sách của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ còn yếu; nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đi vào thực tiễn…
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, năm 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ, phát triển doanh nghiệp tư nhân là “lõi” của chiến lược phát triển. Vì thế, nhiều nhóm giải pháp trọng tâm đã được kích hoạt. Trong đó, tỉnh xác định việc lắng nghe ý kiến, giải quyết kiến nghị, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Từ năm 2024 đến hết tháng 3/2025, Quảng Ninh tiếp nhận 153 kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã; xử lý, giải quyết dứt điểm được 58 nội dung (tỷ lệ 37,39%), đang trong quá trình giải quyết 95 kiến nghị (tỷ lệ 62,61%).
Tỉnh và các sở, ngành chức năng cũng đã hết sức chủ động, linh hoạt tổ chức đối thoại theo chuyên đề; giao trách nhiệm cụ thể tới từng sở, ngành tiếp nhận, giải quyết kiến nghị theo từng nhóm nội dung, lĩnh vực; triển khai kênh tiếp nhận kiến nghị qua Zalo OA của các sở, ngành chức năng…
Cùng với đó, tỉnh hiện cũng tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các nội dung của Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tái cấu trúc Trung tâm Phục vụ hành chính công, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, loại bỏ chi phí không chính thức… những hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua.

Tỉnh cũng khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, đầu tư; rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc về đất đai, quy hoạch của các dự án trọng điểm; nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và người đứng đầu trong phối hợp giải quyết các ý kiến kiến nghị, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ tài chính, đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, là “cầu nối” giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ dừng ở phản ánh kiến nghị, Hiệp hội tiếp tục chủ động tham mưu chính sách, tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ, hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận tín dụng cho thành viên. Tỉnh hiện cũng đang triển khai nhiều giải pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, trong đó đối tượng trọng tâm là hơn 2.000 hộ kinh doanh có thực hiện kê khai thuế. Đây là lực lượng tiềm năng cần được “cởi trói” bằng các cơ chế khuyến khích về tài chính, mặt bằng, đào tạo và tiếp cận tín dụng.
Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Quảng Ninh đã và đang thể hiện vai trò không thể thay thế trong phát triển kinh tế địa phương. Nhưng để lực lượng này thực sự trở thành “cánh chim đầu đàn”, bứt phá trong bối cảnh mới, Quảng Ninh cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đồng hành thực chất hơn. Trong cuộc “chạy đua” với tăng trưởng kinh tế bền vững, doanh nghiệp cần được tiếp sức bằng những hành động cụ thể, với một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, một chính quyền đồng hành, tạo động lực để khu vực kinh tế tư nhân tỉnh Quảng Ninh vươn mình mạnh mẽ.