21
575
Chuyển đổi số/
/chuyen-doi-so
152
Truyền hình
/truyen-hinh
3354540
1499851
Bình dân học vụ số: Đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân
binh-dan-hoc-vu-so-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-tren-hanh-trinh-chuyen-doi-so
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Bình dân học vụ số: Đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đây, phong trào "Bình dân học vụ số" cũng được phát động và bắt đầu lan tỏa nhằm tăng năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số cho người dân.

Phường Hà Phong (TP Hạ Long) tổ chức lớp "Bình dân học vụ số" hướng dẫn công nghệ cho người dân. Ảnh: Thu Hường (CTV)

Tháng 3/2025, TP Hạ Long là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh phát động phong trào "Bình dân học vụ số" với mong muốn đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân, từ cán bộ, công chức, viên chức đến học sinh, người lao động và các nhóm yếu thế. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là tất cả cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đều thành thạo các nền tảng số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn an ninh mạng. Trong lĩnh vực giáo dục, học sinh từ cấp THCS trở lên sẽ được trang bị kỹ năng số để học tập và sáng tạo, đồng thời biết cách tự bảo vệ mình trên môi trường số.

Với người dân, đặc biệt là lao động phổ thông và người lớn tuổi, TP Hạ Long hướng tới việc giúp 80% người trưởng thành có kiến thức công nghệ cơ bản, có thể sử dụng thiết bị thông minh để tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến hay khai thác các tiện ích từ VNeID. Không chỉ dừng lại ở cá nhân, chính quyền thành phố còn đặt mục tiêu mỗi gia đình đều có ít nhất một thành viên thành thạo kỹ năng số, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hạ Long cho biết: Thành phố tổ chức các đội tình nguyện và tổ chức tập huấn phong trào “Bình dân học vụ số” xuống đến tận khu dân cư, tổ dân, khu phố. Nhân dân sẽ được trực tiếp tương tác trên hệ thống nền tảng mạng xã hội, sử dụng các công cụ AI vào công việc, đời sống. 

Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.

Cùng với Hạ Long, nhiều đơn vị, sở, ngành cũng đã sớm đưa “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thi đua quan trọng trong năm 2025 này. Ở Tỉnh Đoàn, Ban Chỉ đạo “Bình dân học vụ số cấp tỉnh” đã được thành lập. Cùng với đó là sự tham gia của đội ngũ những cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở khắp các địa phương để triển khai phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân. Ngay trong Tháng thanh niên năm nay, Đoàn các cấp đã thành lập 60 đội hình “Bình dân học vụ số”; tổ chức 35 hoạt động phổ cập kiến thức và kỹ năng số, kỹ năng an ninh mạng cho mọi tầng lớp nhân dân với gần 2.500 lượt người dân được phổ cập kiến thức.

Tại Công an tỉnh, phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động trong toàn lực lượng với mục tiêu nâng cao năng lực số, kiến thức công nghệ, kỹ năng sử dụng các ứng dụng số, dữ liệu số trong công tác chuyên môn. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2026, 100% cán bộ, chiến sĩ đều sử dụng thành thạo và có khả năng khai thác tối đa các tính năng ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID, đồng thời thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an; 100% cán bộ, chiến sĩ sở hữu kiến thức cơ bản về công nghệ số và kỹ năng số, thành thạo việc sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công việc… 

Công an tỉnh Quảng Ninh phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: Cổng TTĐT Công an tỉnh.

Trước mắt trong năm 2025, bên cạnh phong trào “Bình dân học vụ số”, Công an tỉnh cũng sẽ triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học AI”. Mô hình “Người hướng dẫn - Người học” sẽ được áp dụng rộng rãi qua mạng lưới “Đại sứ số” tại từng đơn vị, từng địa phương. Mỗi đơn vị, Công an xã, phường, thị trấn bố trí ít nhất 1 nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Với đích đến là xóa "mù số" cho toàn dân, giúp mọi người có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ, phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai rộng rãi sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng như đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Cùng chuyên mục