Nghề Y từ xưa đã được xã hội tôn vinh là nghề cao quý; là nghề “làm phúc”. Cũng phải thôi, bởi “cứu một người phúc đẳng hà sa” cơ mà! Huống chi người làm nghề y cả đời chỉ chuyên tâm mỗi việc cứu người. Vậy nên, đành rằng nghề nào cũng có những quy chuẩn đạo đức của nghề đó, nhưng chắc chắn, với nghề thầy thuốc, đạo đức nghề nghiệp luôn là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất, đề cao nhất. Không phải vô cớ, bất cứ một sinh viên trường Y nào trên thế giới, từ Đông sang Tây, thì trước khi bước vào hành nghề đều phải long trọng tuyên thệ suốt đời thực hiện Lời thề Hippocate… Nói cách khác, cùng với việc chọn nghề này để “dấn thân” thì người thầy thuốc cũng đã gánh trên vai mình một sứ mệnh thiêng liêng, đó là chữa bệnh cứu người! Và họ có quyền kiêu hãnh vì điều đó!
Thế nhưng tại sao người ta vẫn nói nhiều về tình trạng xuống cấp y đức của một bộ phận không nhỏ những người làm công tác y tế? Có rất nhiều ý kiến, có người cho rằng vì đồng lương của cán bộ, nhân viên ngành Y hiện nay quá thấp nên dẫn đến điều đó! Cũng có ý kiến cho rằng do thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, chưa có những hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc nên “căn bệnh” này bị “nhờn thuốc”… Thực tế đúng là như vậy! Nghề y, xét đến cùng, cũng là một nghề “làm công ăn lương”. Người thầy thuốc nếu thu nhập không đảm bảo thì khó mà hành nghề tốt được. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa phải là yếu tố quyết định. Cái quan trọng vẫn là do nhận thức, ý thức về nghề của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành y còn hạn chế, lệch lạc. Lê Hữu Trác, “ông tổ” của ngành Y, đã từng nói: “Suy nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”.
Còn nhớ, từ mấy năm trước, Bộ Y tế đã xây dựng 12 ĐIỀU Y ĐỨC CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC VIỆT NAM; năm 2013 được chọn là năm mở đầu thực hiện chương trình “Nâng cao y đức trong tình hình mới”. Và ngay năm 2015 vừa qua, Bộ cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”... Nói như vậy để thấy, ngành Y tế đã và đang rất quyết liệt nhằm lấy lại hình ảnh người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”. Trong tình hình chung như vậy, nhân ngày “lễ trọng” của những người thầy thuốc Việt Nam, 27-2, chúng ta hy vọng ngành Y tế cả nước nói chung, của Quảng Ninh nói riêng, sẽ có những bước chuyển biến mới, ngày càng bớt đi những “con sâu làm rầu nồi canh”, để ngành Y thực sự là ngành cao quý…
Trung Luận