An toàn thực phẩm (ATTP) trong thời gian qua và hiện nay luôn gây lo ngại, sợ hãi cho người dân và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Mặc dù đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn, nhưng hiệu quả đạt được không cao, chưa được như mong muốn. Thực tế thực phẩm không an toàn vẫn còn xuất hiện tràn lan, phổ biến trên thị trường, ở cả khâu lưu thông, vận chuyển đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong các bếp ăn, nhà hàng…
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư (ngày 21-10-2011) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”, ngày 10-5 vừa qua, Tỉnh uỷ đã có báo cáo chỉ rõ những ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác này. Về những hạn chế, yếu kém, cụ thể là: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo ATTP. Công tác quản lý nhà nước về ATTP ở một số địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, chậm phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trên địa bàn quản lý; một số vụ việc vi phạm xử lý chưa nghiêm, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan. Vẫn còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, sơ chế, chế biến); đặc biệt tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến trong nhân dân còn mất vệ sinh. Công tác thanh kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất - kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông - lâm - thuỷ sản chưa thường xuyên; còn nương nhẹ trong xử lý các vi phạm; chưa làm tốt việc công khai danh tính các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm, còn chạy theo lợi nhuận, sử dụng chất cấm, hoá chất độc hại trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm; sử dụng thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Công tác dự báo, cảnh báo, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm chưa chủ động, kịp thời…
Trên cơ sở xác định rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đó, để tạo chuyển biến tích cực và đảm bảo tốt ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, báo cáo của Tỉnh uỷ đã nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác này đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp. Cụ thể là, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác ATTP, nêu cao vai trò của người đứng đầu. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác đảm bảo ATTP, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác an sinh xã hội và phát triển KT-XH theo hướng bền vững. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục để nâng cao dân trí, nhận thức cho người dân về ATTP; thường xuyên tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi đối với sức khoẻ con người và thiệt hại về kinh tế đối với người sản xuất; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; những sản phẩm bẩn. Chú trọng sản xuất sản phẩm an toàn theo công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm, các lò mổ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường và ATTP gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Tập trung chỉ đạo triển khai áp dụng các thực hành sản xuất tốt vào quá trình sản xuất rau, quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm trong việc chấp hành các quy định về quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát huy vai trò của các thành viên BCĐ liên ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và vai trò giám sát của nhân dân trong công tác đảm bảo ATTP; đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh sự cố về ATTP tại các cấp. Thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, đưa các vụ việc ra xét xử công khai; kiểm soát chặt chẽ hàng hoá qua biên giới, tuyệt đối không nhập khẩu các sản phẩm không đảm bảo ATTP. Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho việc đảm bảo ATTP…
Thanh Tùng