“Sáng 4/10/2018, tại khu Cửa Đài, huyện Hải Hà, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã phát hiện và bắt giữ 5 tàu cá, chủ tàu có hộ khẩu tại Móng Cái, Hải Hà đang sử dụng cào sắt để khai thác thủy sản trái phép”. Những thông tin nhức nhối như vậy đã xuất hiện rất nhiều trên Báo Quảng Ninh trong thời gian dài qua.
Chúng ta đều biết, thuỷ sản (bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt) được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững và hơn hết chính là bảo vệ sinh kế cho ngư dân.
Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá là đa dạng sinh học, giàu nguồn lợi với 516 loài cá và 450 động vật thân mềm, trong đó có những loại thủy sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn. Trên thực tế hiện nay tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, có những loại thủy sản quý hiếm số lượng bị giảm nghiêm trọng, thậm chí biến mất như hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng...
Trong nhiều tháng qua, tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; xử lý các vi phạm dùng ngư cụ bất hợp pháp để đánh bắt, khai thác thuỷ sản được quy định chi tiết trong Nghị định số 103/2013/NĐ/CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản. Các lực lượng như biên phòng, công an, chính quyền các địa phương đã bắt, xử lý hàng trăm vụ, thu rất nhiều ngư cụ trái phép, như kích điện, đánh mìn, lồng bát quái, cào sắt.v.v. tuy nhiên, các hoạt động vi phạm vẫn không hề thuyên giảm và vẫn diễn ra hàng ngày trên khắp các vùng biển từ Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô, vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long. Đối tượng vi phạm ngoài ngư dân của các địa phương trong tỉnh còn có cả các ngư dân ở tỉnh ngoài, xa nhất đến miền Trung, nam Trung Bộ.
![]() |
Bộ dụng cụ "cào sắt" gắn trên những chiếc tàu khai thác thuỷ sản tận diệt do Đồn Biên phòng Quảng Đức bắt giữ tại khu vực Cửa Đài (Hải Hà), ngày 4/10/2018. Ảnh: Thành Thắng (Trung tâm TT&VH Hải Hà) |
Theo một đại diện Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, với những tàu thuyền sử dụng xung điện, luồng điện lên tới 1.500V - 2.000V phóng ra, khiến cho không còn loài sinh vật nào trong phạm vi hàng trăm m2 mặt nước sống sót. Không những vậy, các hình thức đánh bắt bằng lồng bát quái, xung điện, hóa chất, thuốc nổ và hệ thống lưới mắt quá nhỏ sẽ tiêu diệt tất cả các loại thủy hải sản, ngay cả các loại thủy sinh nhỏ bé cũng không thể thoát được. Nói như vậy để thấy việc sử dụng công cụ, ngư cụ trái phép khai thác, đánh bắt thuỷ sản nguy hại nhường nào.
Tại sao cơ quan chức năng đã xử lý quyết liệt nhưng các vụ vi phạm vẫn gia tăng? Nguyên nhân có nhiều, được cho rằng đó là cái cách “ăn xổi” của không ít tổ chức, cá nhân; do tập quán, do nhận thức hạn chế hay do không có tàu lớn đi khơi, chỉ quanh quẩn gần bờ nên muốn khai thác được buộc phải sử dụng thuốc nổ, xung điện…
Để giải quyết vấn nạn trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về khai thác thuỷ sản trái phép, tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhanh chóng có các cơ chế, chính sách nhằm tạo sự ổn định và phát triển về số lượng các tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn nhằm dần thay thế hàng nghìn chiếc tàu thuỷ sản ven bờ công suất nhỏ để giảm áp lực khai thác thuỷ sản ven bờ đang cạn kiệt như hiện nay. Tỉnh cũng đã rà soát, thống kê nguyện vọng của ngư dân để xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác; thống kê danh sách các ngư dân chuyên khai thác thuỷ sản ven bờ để tỉnh làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân mua ngư lưới cụ, nâng cấp tàu thuyền và chuyển đổi nghề đảm bảo sinh kế lâu dài. Đây được hy vọng sẽ là nền tảng căn bản, sinh kế bền vững cho ngư dân và dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng đánh bắt thuỷ sản tận diệt như hiện nay.
Theo một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn, trước mắt không thể khác là các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và sử dụng các nghề khai thác thủy sản bị cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn không được sử dụng các thiết bị cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Đại Dương