“Xin thoát nghèo” – Câu chuyện nghe có vẻ “lạ đời” nhưng lại đang có thật xảy ra ở nhiều địa phương trên mọi miền đất nước, trong đó có các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh.
Có lẽ những ngày qua, hình ảnh cụ bà Đỗ Thị Mơ, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, năm nay đã 83 tuổi, đạp xe lên UBND xã "xin thoát nghèo" được đăng tải trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến mỗi chúng ta không khỏi chạnh lòng.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ một mình đi xe lên UBND xã Lương Sơn đề nghị cán bộ địa phương sớm đưa cụ ra khỏi danh sách hộ nghèo. Dù rằng, các con đi làm ăn xa, cụ sống một mình trong căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 20m2, với hai sào ruộng, cụ trồng rau, nuôi gà rồi hằng ngày đạp xe ra chợ bán, thế nhưng cụ vẫn nhất quyết trả lại sổ nghèo với lý do: Còn nhiều người khó khăn hơn, tôi còn giúp được nhiều hộ nghèo, sao lại để tôi là hộ nghèo. Muốn tôi đến khi mất vẫn mang danh nghèo hay sao?
Hay ở Quảng Ninh, có gia đình cụ Ngô Quang Thịnh, 84 tuổi, ở xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, cũng tình nguyện viết đơn “xin thoát nghèo”. Dù vợ chồng cụ tuổi đã cao, nhưng gia đình không muốn sống dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước để làm gương tốt, động viên con cháu vươn lên trong cuộc sống, tự lực, tự cường phát triển kinh tế làm giàu trên chính quê hương mình.
Chuyện người nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không phải là chuyện mới ở nhiều địa phương. Có thể thấy, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vốn tồn tại từ lâu trong một bộ phận người nghèo đã dần được xóa bỏ. Qua đó tạo một làn gió mới trong công tác giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Để đồng hành giúp đỡ người nghèo cố gắng vươn lên, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, Đề án 196 với cách làm riêng biệt như một “đòn bẩy” để các địa phương xóa nghèo. Từ Đề án này, thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt; số hộ nghèo đến cuối năm 2018 đã giảm 3.661 hộ so với năm 2016. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 400 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Con số này của những năm trước cũng lên đến hàng trăm hộ nghèo.
Có thể thấy, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất để xóa nghèo bền vững là ý thức, tư tưởng của người nghèo được đả thông. Người nghèo đã biết “tự ái với chính mình, với con cháu của họ vì cái nghèo cứ đeo đẳng”. Đặc biệt, rất nhiều hộ nghèo là gia đình đoàn viên, thanh niên, tuổi đời còn rất trẻ, sức dài vai rộng, trong khi đất rừng, đất đồi, ruộng, vườn…, của gia đình, quê hương còn nhiều, thì “tư tưởng thoát nghèo” đã thông là rất quan trọng. Giờ đây, họ đã biết nếu không vươn lên thoát nghèo, làm giàu thì các thế hệ sau lại vẫn cứ mãi nghèo.
Có được thành quả giảm nghèo bền vững như ngày hôm nay thì ngoài sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong kiên trì, quyết liệt, sâu sát vận động, tuyên truyền, cùng những cơ chế, chính sách khuyến khích thoát nghèo sát với cuộc sống, thì phần nhiều thành công là do tư tưởng thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại của người nghèo đã được đả thông.
Thái Bình - Chu Giang