21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2338807
700708
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp khó không?
xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-kho-khong
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp khó không?

Văn hoá doanh nghiệp, theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin - 1999) thì văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được xây dựng nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Văn hoá doanh nghiệp, theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin - 1999) thì văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được xây dựng nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong môi trường chung đó, những quan niệm, tập quán, ứng xử của các thành viên trong doanh nghiệp dần được hình thành và trở thành những giá trị mặc định của doanh nghiệp, mà những nhân viên gia nhập buộc phải hoà nhập vào nền văn hoá đó.

Ngày nay, văn hoá doanh nghiệp đang được coi là một loại tài sản vô hình. Loại tài sản này có thể đưa doanh nghiệp ngày càng làm ăn phát đạt, nhưng nếu không biết phát huy thì nó sẽ đưa doanh nghiệp nhanh chóng đến chỗ phá sản. Tối 7-11-2016, tới dự lễ công bố Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (10-11) và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”, tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt là rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một loại sản phẩm, có công nghệ giống hệt nhau nhưng khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm từ doanh nghiệp này mà không mua của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia.

Nhìn ra thế giới có thể thấy, mỗi tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đều có văn hoá doanh nghiệp của mình tạo thành thương hiệu, thậm chí có những thương hiệu trở thành biểu tượng quốc gia. Những thương hiệu đó đại diện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, sự tiên phong, trách nhiệm xã hội... Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam ngày nay cũng có những thương hiệu được xây dựng dựa trên những cam kết về giá trị và các nguyên tắc phát triển bền vững, như FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT, Công ty ô tô Trường Hải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet...

Đối với Quảng Ninh, “Kỷ luật và đồng tâm” từ lâu đã được coi như tài sản văn hoá tinh thần vô giá, là thương hiệu của ngành Than. Đáng mừng là càng trải qua những khó khăn, giá trị văn hoá tinh thần này lại càng được ngành Than, những người thợ mỏ phát huy. Giá trị của văn hoá doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa sống còn với các doanh nghiệp lớn mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những cơ sở sản xuất kinh doanh. Công ty CP Du thuyền Đông Dương - doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long là một trong các doanh nghiệp từ lâu đã chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Công ty đã xây dựng mối quan hệ khiến hơn 400 cán bộ, nhân viên coi Công ty như mái nhà chung, lợi ích Công ty chính là lợi ích của mình. Hàng quý, Công ty ra bản tin nội bộ, khuyến khích mọi người viết lên suy nghĩ, ý tưởng sáng tạo xây dựng Công ty phát triển. Nhà hàng Phụng Hoàng Bay (đường bao biển Cột 5 - Cột 8), mọi nhân viên đều niềm nở, tươi cười, lễ phép khi khách đến, cả khi ra về, khi gặp trên hành lang khiến vị khách nào dù khó tính chắc hẳn cũng phải hài lòng. Người xưa có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” - Chỉ một lời nói, một thái độ ứng xử văn hoá như thế là một trong các yếu tố tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp, của nhà hàng để rồi khách đi mà muốn trở lại.

Quảng Ninh đang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, văn hoá doanh nghiệp không chỉ tạo nên thương hiệu ngành du lịch Quảng Ninh mà còn là hình ảnh của tỉnh. Mỗi một hành vi “chặt chém”, lừa đảo, đeo bám, dịch vụ mang tính chụp giật... đủ tạo thành hình ảnh xấu về du lịch Quảng Ninh với du khách. Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp Quảng Ninh nói chung, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng cần quan tâm xây dựng “Nụ cười Hạ Long”, những ứng xử văn hoá với cộng đồng, môi trường, trách nhiệm xã hội và ứng xử với chính doanh nghiệp với doanh nghiệp. Thương hiệu của doanh nghiệp Quảng Ninh cũng là góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.

Trần Minh

Cùng chuyên mục