Mới đây, tham dự một buổi lễ do Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”. Cũng tại buổi lễ này, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam...
Theo Thủ tướng Chính phủ, những nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hoá doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường” v.v.. Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hoá doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hoà nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới...
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh văn hoá doanh nghiệp là không trốn thuế, không chuyển giá, có trách nhiệm xã hội, trước hết là với môi trường sống của người dân xung quanh và với người lao động; văn hoá doanh nghiệp là nói không với đưa hối lộ, tham ô, lãng phí và vi phạm pháp luật; văn hoá doanh nghiệp còn là sự tương thân, giúp đỡ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh...
Có thể nói, xây dựng văn hoá doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa với người dân và toàn xã hội. Bởi khi một doanh nghiệp xây dựng được nền tảng văn hoá vững chắc thì đó sẽ là bàn đạp, động lực vững chắc cho đơn vị phát triển; sẽ là thương hiệu của doanh nghiệp; là thước đo niềm tin đối với khách hàng, người tiêu dùng. Vì vậy, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chú trọng, đề cao xây dựng văn hoá doanh nghiệp...
Trong thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh thời gian qua, đã có không ít doanh nhân, doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng, đề cao yếu tố văn hoá doanh nghiệp. Tình trạng trốn, nợ đọng thuế, nợ tiền bảo hiểm xã hội còn diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng; hành động xả thải tuỳ tiện, gây ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương; việc cạnh tranh không lành mạnh, gây điêu đứng cho doanh nghiệp khác vẫn thường xuyên xảy ra; rồi việc đưa hối lộ, tham ô, tiêu xài lãng phí không phải là hiếm trong nhiều doanh nghiệp; tình trạng kinh doanh kiểu chộp giật, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, không nghĩ đến ngày mai còn khá phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp... Tất cả những hành vi vi phạm pháp luật, những điều phi văn hoá này không sớm thì muộn sẽ đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản, lụi tàn, bị khách hàng, người dân lên án, tẩy chay...
Những ngày này, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đang sôi nổi, phấn khởi, tự hào kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016). Và một trong những giá trị được nhắc đến nhiều nhất trong bề dày 80 năm xây dựng và phát triển của ngành Than đó là tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Với tinh thần và phương châm hành động này đã giúp cho công nhân Vùng mỏ, ngành Than không ngừng phát triển lớn mạnh, vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức. Và đây không gì khác chính là một nét văn hoá mang đậm tính truyền thống của các doanh nghiệp ngành Than. Nét văn hoá này đã, đang và sẽ lan toả, phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong các doanh nghiệp của ngành Than. Mà trước mắt là góp phần để TKV vượt qua những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt hiện nay...
Thanh Tùng