Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, khách đến du lịch tại Quảng Ninh tuy có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng nhưng số ngày lưu trú của du khách lại thấp, khách chi tiêu ít, dẫn đến doanh thu từ du lịch không cao. Mặc dù địa phương đang sở hữu một số điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới nhưng lợi nhuận thu được từ du lịch vẫn còn khiêm tốn.
Có thể lấy một vài con số giữa du lịch tỉnh Quảng Ninh và du lịch thành phố Auckland (Newzealand) để so sánh. Về một góc độ nào đó, Quảng Ninh cũng có nhiều nét giống thành phố Auckland trong tiềm năng phát triển du lịch. Theo báo cáo của Sở du lịch Quảng Ninh, năm 2017, khách du lịch đến Quảng Ninh là 9,8 triệu lượt người (khách quốc tế 4,3 triệu lượt, khách trong nước đạt 5,5 triệu lượt). Doanh thu từ du lịch đạt 17.900 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD). Trong đó, thu từ khách quốc tế là 9.230 tỷ đồng, thu từ khách trong nước đạt 8.690 tỷ đồng.
Theo số liệu thể hiện trong Báo cáo thường niên của Tổ chức Phát triển Kinh tế, Sự kiện và Du lịch Auckland, mùa cao điểm du lịch năm 2017 (từ tháng 12/2016 - 6/2017), thành phố Auckland đã đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 7,8 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kì năm trước). Thành phố Auckland ngày một thu hút nhiều hơn lượng du khách du lịch qua đường tàu biển. Mùa du lịch tàu biển tại Auckloand được bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Năm 2017, ngành du lịch Auckland đã đón 104 chuyến tàu biển mang 210.000 lượt khách đến tham quan. Lượng khách này đã đóng góp vào nền kinh tế Auckland 204 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho gần 3.270 người.
Qua so sách số liệu giữa Auckland và Quảng Ninh, chúng ta có lượng du khách quốc tế lớn hơn, nhưng doanh thu từ du khách quốc tế chỉ bằng 1/17. Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên. Trong đó, việc người dân, cộng đồng địa phương nhận thức khá mờ nhạt về sự phát triển du lịch, lợi ích từ du lịch mang lại cho họ. Ngoài ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chưa thực sự coi trọng các yếu tố văn hoá bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt mang lại sự trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, níu giữ chân du khách ở lâu hơn, chi phí nhiều hơn. Đó chính là những rào cản phát triển du lịch ở Quảng Ninh.
Theo đó, để du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững, phát triển thành ngành kinh tế chủ lực, tỉnh đã xây dựng một số giải pháp ưu tiên, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng những sản phẩm du lịch địa phương, có bản sắc văn hóa và sự khác biệt gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa bản địa với phát triển du lịch bền vững. Các sản phẩm này đã góp phần mang lại lợi thế cạnh tranh, tạo sự khác biệt và sức hút lớn đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi đến với Quảng Ninh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đang khuyến khích và phát động phong trào “mỗi người dân là hướng dẫn viên du lịch”. Người dân tự hào về văn hóa của dân tộc mình, từ đó sẽ truyền cảm hứng, tình yêu và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc đến với du khách. Đây cũng chính là cách bảo tồn sống giá trị văn hóa tại chỗ rất hiệu quả, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch vì chất lượng cuộc sống, du lịch mang lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng. Đây chính là những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành nơi đáng sống và nơi muốn đến, là nơi mà ở đó mọi du khách luôn được chào đón...
Lê Hải