21
1
Chính trị/
/chinh-tri
3354939
1500216
Xây dựng “pháo đài” vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
xay-dung-phao-dai-vung-chac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Xây dựng “pháo đài” vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao nhận thức, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố sức mạnh của Đảng và niềm tin trong nhân dân.

Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao nhận thức, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố sức mạnh của Đảng và niềm tin trong nhân dân.

Cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Cô Tô tham dự Lễ Thượng cờ Tổ quốc.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Cô Tô tham dự Lễ Thượng cờ Tổ quốc.

Nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên

Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên là vấn đề sống còn đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua đó, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đổi mới. Nhờ vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, góp phần củng cố, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Những năm qua, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã chủ động đổi mới nội dung cũng như hình thức giảng dạy. Nhà trường đã xây dựng khung chương trình tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trên cơ sở tổ chức tốt hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường đã thu hút hầu hết giảng viên tham gia. Để gắn lý luận với thực tiễn, nhà trường mời các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trực tiếp giảng dạy những chuyên đề gắn với thực tiễn.

Các học viên tham gia bồi dưỡng chính trị tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ.
Các học viên tham gia bồi dưỡng chính trị tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ.

Giảng viên, giáo viên sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để làm phong phú, sinh động bài giảng và lấy học viên làm trung tâm. Các bài giảng bám sát khung chương trình, có liên hệ với thực tiễn của tỉnh, các địa phương, đơn vị. Trong một buổi giảng, giảng viên chỉ thuyết trình tối đa 75% tổng thời gian, phần còn lại dành để trao đổi, thảo luận, thực hiện bài tập tình huống nhằm làm sâu sắc hơn các nội dung trong bài giảng và phát huy được tính tích cực của người học. Đặc biệt, để công tác đào tạo lý luận chính trị trong Đảng đáp ứng yêu cầu cấp thiết với tình hình mới, nhà trường tăng cường tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Học viên Phạm Công Hoàng, Lớp Trung cấp Lý luận chính trị C297 tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, cho biết: "Qua quá trình học tập tại trường, tôi và các bạn được trang bị rất nhiều kiến thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó, giúp học viên có hình thức, phương pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách khoa học, bài bản, thực chất, hiệu quả...".

Thời gian qua, công tác quán triệt, tổ chức triển khai, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được tỉnh quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng. Đối với các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu phục vụ tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt một cách bài bản, khoa học. Cấp ủy các cấp bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả để cụ thể hoá trong chương trình, kế hoạch hành động của mình. 

Đồng chí Vũ Đại Thắng Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ chiến sĩ, nhân dân huyện Hải Hà. Ảnh: Thu Chung
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Hải Hà. Ảnh: Thu Chung

Trong công tác tổ chức, Tỉnh uỷ đổi mới phương pháp, thay vì tổ chức hội nghị trực tiếp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 13/13 đảng bộ địa phương trực thuộc Tỉnh uỷ… Sự thay đổi này đã giúp cấp ủy tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết (giai đoạn trước thường sau hơn 3 tháng mới có kết quả tổ chức đến cán bộ chủ chốt, thì hiện nay chỉ tối đa 1 tháng đã phổ biến đến từng đảng viên ở chi bộ thôn, khu, bản…).

Trong công tác giáo dục chính trị, cấp ủy các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo, tăng cường liên hệ thực tiễn theo hướng phù hợp với từng đối tượng; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề thông qua cơ chế mời báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, địa phương tham gia giảng dạy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chặt chẽ học viên bằng hệ thống camera giám sát; tăng cường trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự… trong các bài giảng, đồng thời tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn, qua đó đã khắc phục cơ bản bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh sôi nổi hưởng ứng phong trào
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh hưởng ứng phong trào "Thanh xuân dâng Đảng".

Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng

Việc xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là công việc của riêng Đảng và các đảng viên, mà còn là công việc của người dân, bởi lẽ người dân chính là “thước đo” để đánh giá kết quả của công việc hệ trọng này. Khi đã hình thành được niềm tin, người dân có cơ sở để “biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra”, “giám sát” và “thụ hưởng”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị sẽ ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch có biểu hiện ráo riết chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, trong đó, nguy hiểm hơn cả là những âm mưu, hành động nhằm làm cho người dân suy giảm, mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Để gieo rắc sự hoài nghi hòng hướng tới phủ nhận, xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, các thế lực thù địch đã “dẫn dụ” bằng nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, chống phá đang âm thầm len lỏi vào đời sống xã hội và đã ít nhiều gây ra những hệ luỵ nguy hiểm. Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống của nhân dân, rất cần phải dựa vào nhân dân. Nhân dân chính là “tai mắt” của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Người dân luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, tiếp xúc với mọi đối tượng; có khả năng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông một cách hiệu quả nên dễ dàng nhận diện được đối tượng cùng các nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Các tầng lớp nhân dân còn là “bức trường thành” vững chắc để ngăn chặn những luận điệu sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đảng ta là Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, vậy nên, bảo vệ Đảng cũng chính là cách người dân bảo vệ mình.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, cho rằng: Dựa vào nhân dân, lấy dân làm gốc chính là cách tạo nên thế trận lòng dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Để củng cố và tăng cường lòng tin của dân với Đảng, thời gian qua cấp ủy các cấp trong tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở và nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nói riêng. Đặc biệt, các cấp ủy đã thực hiện nghiêm cơ chế người đứng đầu cấp uỷ tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐi/TW; tạo điều kiện cho người dân hiến kế, hiến công, của để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở…Trong đó, tỉnh quan tâm đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin, định hướng dư luận, thực hiện tốt việc đối thoại, thông tin 2 chiều trong hệ thống chính trị; tổ chức giao ban hàng quý và trực tiếp làm việc với cấp ủy, chính quyền cơ sở; phát huy vai trò của cán bộ thôn, bản, khu phố trong việc giải quyết những vấn đề chung của địa phương và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Đông Triều giải quyết TTHC cho công dân .
Cán bộ Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Đông Triều giải quyết TTHC cho công dân.

Tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc quy chế người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên đối thoại với cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như xây dựng đảng, chính quyền, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết tồn tại về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo vệ sinh môi trường, khai thác, đánh bắt thủy hải sản, chính sách hỗ trợ… Các ý kiến, kiến nghị đã được các đồng chí lãnh đạo các cấp, cơ quan chức năng tiếp thu trả lời trực tiếp và có báo cáo trả lời tại hội nghị. Tình hình tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định, yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của các cấp chính quyền...

Đặc biệt, với quan điểm xuyên suốt, mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã ban hành gần 20 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Tỉnh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Toàn tỉnh có 90,5% trường chuẩn quốc gia; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại; đạt 57,2 giường bệnh/vạn dân; 15 bác sĩ/vạn dân (cao gần 2 lần so với trung bình toàn quốc); 2,8 dược sĩ đại học/vạn dân; trên 25 điều dưỡng/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,5% dân số... Đó cũng chính là việc hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu lên, trong đó cốt lõi là người dân phải được hưởng phúc lợi xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Từ đây tạo những giá trị niềm tin bền vững.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, như: Cơ bản thực hiện bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp và phương thức “Dân tin, Đảng cử” trong bầu bí thư chi bộ trưởng thôn, bản, khu phố ở 100% thôn, khu trên địa bàn; mở rộng mô hình người dân trực tiếp đánh giá sự hài lòng đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, các cấp ủy cũng chỉ đạo đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong vận động nhân dân, nhất là trong giải phóng mặt bằng, xây dựng đời sống văn hoá, giảm nghèo bền vững.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, đồng thời triển khai mô hình này đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Việc số hóa, đơn giản hóa quy trình, kết nối liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực đã giúp giảm mạnh thời gian, chi phí thực hiện TTHC.. Với nhiều cách làm đồng bộ, hiệu quả, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, nâng cao, từ 73,3% năm 2016 lên 95,6% năm 2023.

Anh Lê Minh Tuấn (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Trước đổi thay tích cực của tỉnh những năm qua, đặc biệt là về hạ tầng, chất lượng đời sống của người dân ngày một nâng cao, người dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền. Từ niềm tin này, càng làm động lực để mỗi người dân luôn đồng thuận và thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước…

Cùng chuyên mục