Nếu căn cứ vào các thông tin được phản ánh trên báo chí, có lẽ trong những năm gần đây Cô Tô là địa phương có nhiều hành động đẹp của người dân trong việc trả lại tài sản cho người đánh rơi, bỏ quên, nhất là với đối tượng là du khách đến du lịch tại địa phương. Và mới đây nhất, ngày 27-5, một cán bộ làm việc tại Phòng Nội vụ của huyện đã nhặt được một chiếc ví ở khu vực Cảng tàu khách của huyện. Trong ví có nhiều giấy tờ quan trọng, thẻ ATM và cả tiền mặt. Thông qua tên tuổi ghi trong các giấy tờ có trong ví, người nhặt được đã nhờ bộ phận làm việc ở Cảng và Trung tâm Truyền thông - Văn hoá huyện thông báo qua hệ thống loa phát thanh của huyện. Nhờ vậy, chỉ sau 1 giờ, chủ nhân của chiếc ví - một du khách đến từ tỉnh Phú Thọ - đã nhận được lại toàn bộ tài sản đánh rơi của mình, với những lời nhận xét, đánh giá rất tốt đẹp về người dân của huyện đảo...
Trước đó, đã có rất nhiều trường hợp người dân của huyện nhặt được tài sản đánh rơi, để quên của khách trả lại cho chủ nhân của nó. Như trường hợp chủ khách sạn Cô Tô Group đã trả lại cho một du khách số tiền 70 triệu đồng, do người này để quên tại khách sạn; học sinh trả lại điện thoại, ví tiền cho khách làm rơi. Đặc biệt, có trường hợp một người dân nhặt được điện thoại còn mang đi sửa để có thông tin liên lạc và gửi qua đường bưu điện đến tận tay người bị mất. Và còn nhiều trường hợp tương tự nữa...
Những việc làm, hành vi tưởng như rất nhỏ bé, bình thường nhưng lại rất ý nghĩa, có sức lan toả của người dân Cô Tô như kể ở trên đã phần nào nói lên vì sao thời gian gần đây địa danh Cô Tô được nhiều người dân, du khách quan tâm, biết đến như vậy. Thước đo cụ thể, sinh động nhất chính là số lượt du khách đến với huyện đảo xinh đẹp, thơ mộng này liên tục tăng mạnh - điều mà trước đây có mơ cũng không thấy. Và đó cũng là một cách để cụ thể hoá việc thực hiện một trong những chủ đề công tác năm 2017 của tỉnh là xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trên địa bàn huyện một cách hiệu quả nhất. Không chỉ vậy, điều này còn góp phần xây dựng thương hiệu cho địa phương, tạo sự lan toả ra các vùng miền, mà chẳng cần phải đầu tư tốn kém gì...
Cách đây khá lâu, khi ấy huyện đảo Cô Tô mới được thành lập, đến với huyện, chúng tôi và nhiều người khách nữa rất thích thú và ngạc nhiên khi thấy các em học sinh đều khoanh tay chào lễ phép người lạ trên đường - điều mà không phải nơi nào cũng làm được như vậy. Và phải chăng từ cái nền tảng văn hoá ứng xử ấy, cộng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể mà giờ đây người dân Cô Tô có được nhiều những việc làm, hành vi thân thiện, mến khách đến vậy...
Trong khi đó, ở nơi này hay nơi kia, mặc dù trong phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển là quyết tâm xây dựng trở thành thành phố du lịch, nhưng vẫn còn nhiều những hành vi, việc làm gây ác cảm, thiếu thân thiện đối với du khách. Cụ thể, như nhân viên tàu du lịch lấy trộm tài sản của du khách; tuỳ tiện nâng giá hàng hoá, dịch vụ; bán hàng theo kiểu chộp giật, không rõ nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá mập mờ; đeo bám du khách để bán hàng v.v.. Những “hạt sạn” gây bức xúc đối với du khách này hiện đang được địa phương, ngành chức năng chấn chỉnh, ngăn chặn, làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch...
Hy vọng, với những hành vi, cách ứng xử đẹp mà người dân Cô Tô đã và đang thể hiện, sẽ gợi mở, giúp ích cho các địa phương khác, đặc biệt là những trung tâm, điểm du lịch tạo dựng được những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa khi đến với địa phương...
Thanh Tùng