Sáng 27-9, Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu các loại mô hình hợp tác xã kiểu mới” của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị toạ đàm xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP Quảng Ninh).
Cuộc thi “Tìm hiểu các loại mô hình hợp tác xã kiểu mới” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành, Đoàn thể ở Trung ương tổ chức. Cuộc thi được triển khai nhằm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị toạ đàm, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung vào các nội dung cụ thể như tại sao phải xây dựng HTX? HTX kiểu mới là mới như thế nào? Xây dựng HTX kiểu mới gắn với Chương trình OCOP Quảng Ninh tiến hành như thế nào? Người dân có nhu cầu gì về HTX? Vấn đề đất đai, chính sách (vốn, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nghề...) cho HTX như thế nào? Trước những câu hỏi này thì doanh nghiệp phải trả lời như thế nào? Vai trò của Nhà nước, của các đoàn thể đối với xây dựng HTX như thế nào?... Từ công tác quản lý, từ thực tế của các HTX, hội nghị phải làm rõ các vấn đề trên để có cơ sở hỗ trợ, phát triển HTX, phát hiện, khuyến khích mô hình sản xuất mới phù hợp với quy luật phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung khẳng định Quảng Ninh vừa triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa triển khai Chương trình OCOP Quảng Ninh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ môi trường này, tại Quảng Ninh đã xây dựng được những HTX kiểu mới trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 380 HTX, cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Toàn tỉnh hiện có 120 đơn vị, tổ chức, cá nhân (33 doanh nghiệp, 36 HTX, 51 tổ hợp tác) tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 10 doanh nghiệp, 29 HTX, 11 tổ hợp tác mới thành lập.
Vai trò kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX chưa được nhận thức đầy đủ, tư tưởng cho rằng HTX là “cha chung không ai khóc” vẫn còn tồn tại. Không chỉ người dân, ngay cả cán bộ cũng còn không ít người hiểu chưa đúng bản chất, vị trí, vai trò, nguyên tắc hoạt động của HTX kiểu mới.
Không chỉ có vậy, những điều kiện về mặt bằng, vốn, cơ sở vật chất và trình độ quản lý của các HTX vẫn còn không ít khó khăn. Nhiều ý kiến của đại diện HTX đã nêu những ví dụ thực tế sinh động về vấn đề này.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy mô sản xuất, kinh doanh của các HTX còn nhỏ, hoạt động đơn điệu, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, phần lớn các HTX không có trụ sở làm việc. Nhiều HTX nông nghiệp chưa mở thêm được dịch vụ phục vụ đời sống cho thành viên và cộng đồng dân cư. Thu nhập của cán bộ HTX, thành viên và người lao động thường xuyên quá thấp nên không thu hút được đông đảo người dân trên địa bàn...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng mô hình HTX kiểu mới, về Luật Hợp tác xã. HTX kiểu mới tạo gia tăng kinh tế hộ gia đình, là “bà đỡ” cho hộ gia đình phát triển kinh tế.
Hội nghị toạ đàm đã gợi mở nhiều vấn đề trong tìm hiểu các loại mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đây là hoạt động nhằm triển khai tốt cuộc thi “Tìm hiểu các loại mô hình hợp tác xã kiểu mới” ở Quảng Ninh. Nội dung cuộc thi này tập trung vào 3 chủ đề: Tìm hiểu Luật Hợp tác xã năm 2012; giới thiệu mô hình hợp tác xã kiểu mới và giới thiệu các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã điển hình tiên tiến, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có kinh nghiệm hay, cách làm tốt, sáng tạo.
Nguyên Đan