Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, quân và dân xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) đã bắn rơi 23 máy bay Mỹ; bắt sống và tiêu diệt hàng chục giặc lái. Trong đó, có chiếc máy bay thứ 200 bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh do Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng thực hiện, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Bảo vệ vùng trời quê hương
Những ngày tháng 4 lịch sử này, trong không khí cả nước tưng bừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi đã gặp CCB Nguyễn Thanh Sửu tại nhà riêng ở xã Đông Xá (huyện Vân Đồn), người chỉ huy bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh 53 năm về trước.
Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964, Mỹ chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968) với mục tiêu phá cơ sở, hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp, bến bãi, công trình giao thông... nhằm đánh vào tiềm lực kinh tế của miền Bắc XHCN; ngăn chặn chi viện của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam. Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp quan trọng, có khai trường than, cảng biển, tiếp giáp vùng biển quốc tế, nên Mỹ tăng cường đánh phá bằng cả không quân và hải quân.

Với vị trí vô cùng quan trọng, xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) án ngữ đường hàng hải quốc tế vào cảng Cửa Ông, Hòn Gai, Hải Phòng và đường hàng không. Máy bay Mỹ muốn vào đánh phá Vùng mỏ và nhiều địa phương ở miền Bắc đều phải đi qua vị trí chiến lược quan trọng là Ngọc Vừng. Cảng Cống Yên nằm cách trung tâm xã Ngọc Vừng 7km; năm 1965 cảng trở thành địa điểm tập kết tàu thuyền chở vũ khí, lương thực của các nước XHCN giúp ta.
Ngày 10/5/1965, Mỹ trở lại đánh phá Quảng Ninh, ngày 20/9/1965, 3 máy bay của Mỹ vào bắn phá khu mỏ. Khi bay đến khu vực Ngọc Vừng bị lực lượng phòng không trên đảo bắn cháy 1 chiếc.
Xác định Ngọc Vừng có vị trí chiến lược quan trọng, Bộ Quốc phòng và tỉnh Quảng Ninh điều động một trung đoàn bộ đội hỗn hợp ra đóng quân tại xã đảo. Trung đoàn đã xây dựng trận địa pháo bờ biển, trận địa pháo phòng không 37mm, 14,5mm để đánh địch. Năm 1967 Huyện đội Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn) thành lập Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng, trang bị 3 súng máy phòng không 12,7mm đóng tại đồi Điếm Canh.

Là người con sinh ra và lớn lên tại xã đảo Ngọc Vừng, ông Nguyễn Thanh Sửu năm 1967 tròn 18 tuổi cùng nhiều thanh niên khác tham gia vào Trung đội dân quân xã. Ông Sửu chia sẻ: Đồi Điếm Canh nằm ở vị trí trung tâm của xã, cao 107m so với mực nước biển; đứng ở đây có thể quan sát được toàn bộ các hướng, nhất là ở phía biển. Theo lời của các cụ cao niên trong xã, ngày xưa đảo Ngọc Vừng thường xuyên bị cướp biển đến đánh phá, cướp bóc, nên người dân ở xã đã phân công nhau lên đồi Điếm Canh để gác. Khi phát hiện cướp biển sẽ báo động để nhân dân tổ chức phòng thủ; trong giai đoạn chống thực dân Pháp và tay sai, đồi Điếm Canh là vị trí quan sát phát hiện địch đến xã càn quét.
Để đảm bảo cho trận địa vững chắc và an toàn, đồi Điếm Canh đặt 3 khẩu súng phòng không 12,7mm được ngụy trang kỹ lưỡng, đồng thời đào hệ thống công sự chống bom của địch. Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, trận địa đồi Điếm Canh phối hợp cùng các trận địa phòng không của bộ đội tạo thành lưới lửa dày đặc, quyết tâm bắn rơi máy bay địch.
Ngọc Vừng được ví như “rốn bom”, bởi mỗi khi máy bay Mỹ oanh tạc Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông còn thừa bom chúng đều trút xuống nơi đây. Để tránh thiệt hại về người và tài sản, trong những thời điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhân dân xã Ngọc Vừng đã phải rời đi sơ tán ở nơi khác.
Chiếc máy bay thứ 200 đền tội
Với mục tiêu “Đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, ngày 18/12/1972, Mỹ mở Chiến dịch “Linebacker II” vào miền Bắc Việt Nam. Trọng tâm đánh phá là thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng, cùng nhiều địa phương khác… Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 cùng hàng trăm máy bay chiến thuật của lực lượng không quân và hải quân. Quảng Ninh cũng không nằm ngoài mục tiêu đánh phá, Mỹ đã ném bom vào Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông… với cường độ lớn và ác liệt.

Tại Ngọc Vừng, các trận địa phòng không lúc này vô cùng căng thẳng, địch đánh phá liên tục với nhiều loại bom phá có độ sát thương lớn, bắn rốc két, tên lửa nhằm tiêu diệt trận địa của ta. Ông Nguyễn Thanh Sửu với cương vị Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng đã chỉ huy 3 khẩu đội súng phòng không 12,7mm gồm 7 người túc trực tại trận địa. Từ ngày 18/12/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ vào đánh phá Hòn Gai, Cẩm Phả; tại Ngọc Vừng chúng ném bom vào khu vực cảng Cống Yên. Ngày 19/12 quân và dân xã Ngọc Vừng đã bắn rơi 1 chiếc máy bay; ngày 23/12 tiếp tục bắn rơi 1 chiếc máy bay nữa tại bãi biển Trường Chinh.
Đặc biệt ngày 24/12/1972, Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng bắn rơi máy bay thứ 200 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh. Ông Nguyễn Thanh Sửu kể: Trời cuối năm sương mù dày đặc, tầm nhìn rất thấp; khoảng 15h15, chúng tôi đang trên trận địa nghe tiếng ù ù từ biển vọng vào, mọi người vào vị trí chiến đấu; tôi cầm ống nhòm đứng quan sát thấy có 2 tốp máy bay; 1 tốp khoảng 10 chiếc bay xa trận địa về hướng Hòn Gai, tốp còn lại có 2 chiếc F4 bay nối đuôi nhau vào thẳng trận địa. Theo tính toán, chiếc phía sau bay tầm thấp hơn, tôi hô tất cả trung đội lấy mục tiêu chiếc máy bay thứ 2 chuẩn bị. Khi chiếc máy bay vừa vào tọa độ tôi hô bắn, các khẩu đội đồng loạt nổ súng, chiếc máy bay trúng đạn đuôi bốc khói cắm đầu lao xuống biển.

Ông Nguyễn Xuân Thu (71 tuổi) ở thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) xúc động nhớ lại: Tôi là xạ thủ ở khẩu đội súng thứ 2, sau khi đồng chí Sửu hô bắn, tôi gồng người, tay siết cò một loạt dài nhằm thẳng vào chiếc máy bay thứ 2, nòng súng tóe lửa, mặt đất rung chuyển, âm thanh như xé bầu trời. Nhìn thấy chiếc máy bay bốc khói đen lao xuống, tôi nói với mọi người, nó đền tội rồi.
Chiếc máy bay bị bắn cháy rơi xuống khu vực xã Thắng Lợi (huyện Vân Đồn). Phi công lái chiếc F4 là Trung úy Phillip Clock nhảy dù xuống biển, rút súng chống trả quyết liệt khi dân quân xã Thắng Lợi vây bắt và đã bị dân quân xã Thắng Lợi tiêu diệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Sửu, ngay sau khi chiếc máy bay bị hạ, đài quan sát của Trung đoàn bộ đội trên xã đảo và Tỉnh đội xác nhận chiếc máy bay bị Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng bắn cháy. Đây là chiếc máy bay thứ 200 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh.
Sau thất bại ở miền Bắc trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, chính thức ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

Trong 2 cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xã Ngọc Vừng phải hứng chịu 1.588 quả bom các loại, 1.697 quả rốc két, chiếm 2/3 số lượng bom và rốc két Mỹ ném xuống các xã khác của huyện Vân Đồn. Quân và dân xã Ngọc Vừng đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi 23 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 200 bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh. Với nhiều chiến công vang dội, năm 1973 xã Ngọc Vừng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau khi anh dũng chiến đấu bảo vệ bầu trời quê hương, những chiến sĩ trong Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng lại bắt tay vào nhiệm vụ mới. Năm 1973, ông Nguyễn Thanh Sửu được tỉnh cử đi học, sau này là lãnh đạo chủ chốt của huyện Vân Đồn và Cô Tô. Những người còn lại tiếp tục nhập ngũ vào Nam chiến đấu đến khi đất nước thống nhất. Giờ đây những chiến sĩ trong Trung đội dân quân xã Ngọc Vừng năm xưa đã ở tuổi xưa nay hiếm, người còn, người mất, song ký ức về những ngày tháng bám trụ trận địa chiến đấu với kẻ thù trên mảnh đất quê hương mãi luôn trong tâm trí của họ, là một minh chứng sống động cho khát vọng độc lập, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.