Mô hình trường học mới (VNEN)- là dự án được Tổ chức quỹ giáo dục toàn cầu ủy thác qua Ngân hàng Thế giới và UNESCO giám sát, điều phối. Mô hình xuất từ Colombia, được đưa vào Việt Nam nghiên cứu vận dụng giai đoạn 1 từ tháng 1/2013 đến hết tháng 5/2016. Được đánh giá là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học của ngành giáo dục nên tại Quảng Ninh mô hình đang được triển khai ở 66 trường tiểu học, 7 trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những ưu điểm của VNEN là học sinh chủ yếu tự học và thông qua thảo luận theo nhóm và hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể tự phát hiện, tự tìm ra kiến thức và tự hình thành kỹ năng, thái độ thích hợp, vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ thì những hạn chế, bất cập của mô hình giáo dục này ngay chính các giáo viên đang trực tiếp thực hiện mô hình cũng thừa nhận. Đó là, sách giáo khoa dành cho đào tạo theo mô hình này không phù hợp, không khoa học, lớp học không đảm bảo về cơ sở vật chất, sỹ số… Hiện tại mô hình mới chỉ thực hiện thí điểm ở cấp tiểu học và THCS nhưng chưa có ở cấp học THPT. Học sinh học theo mô hình đào tạo VNEN nhưng thi vẫn theo chương trình giáo dục đại trà vì vậy không phù hợp với những nội dung mà học sinh được học theo VNEN. Thêm nữa giáo viên được đào tạo theo chương trình dạy phổ thông khi tham gia giảng dạy theo mô hình đào tạo VNEN rất bỡ ngỡ, thiếu kỹ năng, phương pháp….
Trong bối rối, lo lắng chuẩn bị năm học mới cho con mình, một phụ huynh học sinh tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long) có con đang học theo mô hình VNEN than thở, con mình học VNEN từ lớp 1 năm nay lên lớp 4, không biết có phải do kiểu học quây bàn tròn con cứ phải ngoái đầu nhìn lên bảng hay không mà vừa rồi thấy mắt con có vấn đề đưa đi khám bác sỹ thông báo mắt cháu có dấu hiệu bị lác. Theo mô hình này mà học đến hết bậc THCS mình sợ con mình không chỉ bị lác mà còn vẹo cột sống.
Cũng giống như phụ huynh học sinh này, khi chia sẻ suy nghĩ của mình trên facebook rất nhiều ý kiến đều bày tỏ quan điểm không đồng tình với mô hình này. Đem chuyện VNEN trao đổi với mấy cô bạn đồng nghiệp có con đang học mô hình này, tôi cũng nhận được những cái lắc đầu ngao ngán, bởi: con vào năm học mới bố mẹ chạy đôn chạy đáo tìm mượn sách của khóa trước phô tô đóng quyển cho con học trong khi sách quá nhiều loại (vì trên thị trường không bán); học trên lớp chưa đủ, chiều đón con về xót xa khi lưng con cõng một ba lô sách vở để tối nghiên cứu, tự học; mới học lớp 1 nhưng con đã phải nhồi nhét vào đầu những khái niệm nguyên âm, phụ âm, âm chính, âm phụ, âm đầu, âm cuối; lên lớp 2 phải biết học nhân chia, cộng trừ theo phương pháp suy luận….
Trước những ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh về mô hình giáo dục VNEN, vừa qua đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có cuộc trao đổi cụ thể với lãnh đạo ngành giáo dục, các cô giáo đã trực tiếp dạy VNEN và kết luận không mở rộng mô hình VNEN trong năm học 2016- 2017 mà chỉ tiếp tục ở những trường, lớp đã học mô hình này. Chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh đã khiến nhiều phụ huynh có con em chưa bị “thí nghiệm” của VNEN thở phào nhẹ nhõm, nhưng còn các phụ huynh có con vẫn đang bị là “chuột bạch” của VNEN thì vẫn chạy đôn chạy đáo, phô tô, mượn sách cho con chuẩn bị vào năm học mới, vẫn nơm nớp mỗi ngày khi kiểm tra, quan sát mắt của con, dáng đi, tư thế ngồi của con, rồi vẫn xót xa khi chiều chiều con cõng trên lưng một ba lô sách vở về học buổi tối…
Tại buổi đối thoại của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các chuyên gia, các nhà giáo, nhà quản lý về vấn đề này, Giáo sư Văn Như Cương đã có đề nghị nên dừng ngay VNEN vì quá nhiều bất cập, quá nhiều điều không phù hợp với truyền thống giáo dục của đất nước Á Đông. Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời trên báo chí đã khẳng định, Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình này và sẽ cho rà soát, sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương để có cơ sở thực hiện phù hợp với thực tế địa phương mình.
Mô hình thí điểm cần có sự tổng kết, đánh giá một cách cẩn trọng trước khi nhân rộng trong giáo dục, trước những cái lắc đầu ngao ngán của phụ huynh học sinh về mô hình VNEN cho thấy ngành giáo dục đào tạo cần có sự đánh giá sát thực, đúng, cái tốt cần có cách để phát huy, cái dở cần dừng ngay đừng biến con trẻ thành những chú “chuột bạch”.
Ngọc Lan