Hòa chung không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để giai cấp công nhân nói chung, nhân dân và công nhân lao động Quảng Ninh nói riêng ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Đồng thời, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động. Lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân đã góp phần quan trọng vào hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đặc biệt, trong những năm 1930, tại khu mỏ đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân mỏ, như công nhân nhà sàng Cửa Ông căng biểu ngữ phản đối thực dân Pháp khủng bố cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tiểu thương và nhân dân Hòn Gai bãi chợ, đấu tranh đòi giảm thuế môn bài. Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5, đảng viên trẻ Đào Văn Tuất đã treo cờ búa liềm trên núi Bài Thơ làm chấn động Hòn Gai ngày 1/5/1930…
Đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân và nhân dân lao động vùng Mỏ vào đêm ngày 12/11/1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công phản kháng chế độ thực dân Pháp kéo dài 20 ngày, khởi đầu từ cuộc bãi công của 5000 công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, đã thành công và gây tiếng vang lớn trên toàn quốc. Năm 1945, công nhân vùng mỏ cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng tám thành công ở Quảng Ninh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới mưa bom, bão đạn, công nhân vùng Mỏ đã vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thực hiện “Trận địa là nhà, vùng Mỏ là quê hương”, “Tay búa, tay súng”, “Giặc phá hoại một, ta làm bù hai, ba”, “Mỗi người làm việc hăng hái”, “Sản xuất than chống Mỹ cứu nước”, “Vì Miền Nam ruột thịt”, “Mùa Xuân thắng Mỹ”… Đội ngũ công nhân Mỏ ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh lập nhiều thành tích to lớn, chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong suốt 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Quảng Ninh đã phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vận dụng và thực hiện sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh và đã đạt những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Quảng Ninh hôm nay đã đổi thay rõ rệt: Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, bộ mặt nông thôn, thành thị ngày càng khang trang, đời sống nhân dân ngày được nâng cao, an ninh – quốc phòng luôn được giữ vững... Tỉnh đã trở thành địa phương đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển, là cực tăng trưởng toàn diện ở phía Bắc, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Thành tựu ấy là sự kết tinh của sự kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, năng động và sáng tạo trong công cuộc xây dựng quê hương, là hành trang to lớn, quý báu để Đảng bộ, nhân dân Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng ngày, từng giờ xây dựng quê hương giàu đẹp.
Với truyền thống cách mạng kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đổi mới sáng tạo, cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh sẽ luôn đồng lòng viết tiếp những trang sử hào hùng. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.