Những ngày gần đây, qua đường dây nóng, Sở Du lịch đã tiếp nhận thông tin từ du khách cũng như hướng dẫn viên phản ánh, một số tàu chở khách tham quan Vịnh Hạ Long không cho khách lên boong tàu ngắm cảnh, chụp ảnh. Việc này cũng đã được một số báo phản ánh theo nhiều hướng khác nhau.
Tìm hiểu căn nguyên, chúng tôi được biết, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long trong mùa mưa bão 2016, ngày 6-6, UBND TP Hạ Long có Công văn số 2812/UBND gửi một số đơn vị chức năng. Nguyên văn nội dung điều 1 của Công văn 2812/UBND như sau: Yêu cầu Công an TP Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, trọng tâm là công tác đảm bảo an toàn: không để khách đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang hành trình, phao cứu sinh phải để nơi dễ thấy, dấy lấy…xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động của phương tiện nếu không đảm bảo các điều kiện về an toàn.
Nhắc đến an toàn giao thông đường thuỷ nội địa hẳn là chúng ta chưa thể quên được vụ việc đau lòng mới xảy ra trên sông Hàn ở TP Đà Nẵng. Và, trong thực tế của hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, mặc dù, từ tỉnh tới các ngành, đơn vị chức năng cũng như chính quyền địa phương luôn chú trọng và đề cao công tác đảm bảo an toàn cho du khách nhưng vẫn có lúc, có khi xảy ra vụ việc đáng tiếc. Do vậy, trước tiên, cần khẳng định rằng, sự nhắc nhở nói trên của TP Hạ Long trong thời điểm này (mùa mưa bão) là hết sức cần thiết và đúng đắn.
Thay vì việc chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhất công tác đảm bảo an toàn cho du khách, một bộ phận nhỏ tàu du lịch đã có phản ứng “không đẹp”. Và, sự biện minh cho hành vi chặn lối để không cho khách lên boong ngắm cảnh, chụp ảnh, họ cho rằng lo lắng nếu cho khách lên bong sẽ bị cơ quan nhà nước xử phạt vi phạm hành chính. Trao đổi với Báo Quảng Ninh vào sáng ngày 14-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Hồ Quang Huy và Phó Giám đốc Sở GT-VT Bùi Hồng Minh cùng khẳng định: Chưa hề xử phạt bất cứ một trường hợp nào mà cái “gốc” vẫn là tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở để làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho du khách. Theo đó, hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực hướng dẫn các chủ phương tiện, đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên trên các tàu du lịch chở khách tham quan Vịnh hiểu đúng quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Ở một khía cạnh khác, cũng có ý kiến cho rằng, việc sử dụng thuật ngữ “mui, mạn tàu” trong công văn của UBND TP Hạ Long được trích dẫn từ điểm a, khoản 3, điều 78 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và điểm b, d, khoản 2, điều 54 của Nghị định 93/2013/NĐ-CP (ngày 20-8-2013) của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thuỷ nội địa chưa thật chuẩn xác với đặc thù của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Song, chúng ta cần nhận thức rằng, không thể và càng không nên vì một sự chưa hiểu kỹ (và không loại trừ tình huống cố tình không hiểu) của một bộ phận nhỏ chủ tàu mà lại có hành vi làm phương hại đến hình ảnh của du lịch Quảng Ninh nói chung, du lịch Vịnh Hạ Long nói riêng. Được biết, ngày 14-6, Sở Giao thông – Vận tải đã có công văn gửi UBND TP Hạ Long và Sở Du lịch về việc hướng dẫn, giải thích các quy định của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Theo công văn này, Sở Giao thông – Vận tải đã khẳng định: Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long được thiết kế có boong dạo (trên nóc khoang khách) cơ quan thiết kế đã tính toán ở trạng thái 100% khách lên boong dạo vẫn đảm bảo ổn định, được Cục đăng kiểm Việt Nam thẩm định, cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế đóng mới phương tiện thuỷ nội địa; hơn nữa UBND tỉnh còn quy định toàn bộ tàu du lịch (tham quan) phải đạt hệ số an toàn ổn định ở mọi trạng thái (hệ số K) tối thiểu đạt 1,50 cao hơn quy định đăng kiểm. Do vậy, việc du khách lên ngắm cảnh trên boong dạo khi tàu đang hoạt động ổn định trên luồng trong điều kiện bình thường không ảnh hưởng đến ổn định của tàu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, thuyền viên cần hướng dẫn, điều tiết lượng khách lên boong dạo phù hợp với từng thời điểm; trường hợp tàu đang vào, ra cảng bến hoặc trong điều kiện thời tiết cực đoan (sóng, gió..) du khách phải vào trong khoang khách ngồi ổn định để đảm bảo an toàn. Như vậy là, với sự giải thích rất rõ ràng nói trên, các tàu du lịch đang có những ứng xử theo kiểu “bắt bẻ” chính quyền cần phải nghiêm túc sửa sai để cùng với tỉnh tiếp tục lan toả hình ảnh, ấn tượng đẹp về du lịch Quảng Ninh
Trong bối cảnh, từ tỉnh cho đến các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương đều hết sức và tận tâm vì sự phát triển của doanh nghiệp thì ngược lại mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ cũng phải đồng hành cùng với tỉnh với mục tiêu vì lợi ích chung.
Ngọc Lê