Chỉ tính những vụ việc phản ánh thông tin trên Báo Quảng Ninh thì từ đầu tháng 12 đến nay, mới chỉ chưa đầy 2 tuần, đã xảy ra 3 vụ cháy rừng thuộc địa bàn TP Hạ Long và TX Đông Triều. Hẳn ai cũng biết, đang là mùa hanh khô và hơn bao giờ hết, thời điểm này rất dễ bị “hỏa tặc” tấn công nếu thiếu sự phòng ngừa nghiêm ngặt từ nhiều phía.
Hai vụ cháy mới nhất, một vụ tại tiểu khu 102, phường Hà Khánh, TP Hạ Long vừa xảy ra vào chiều ngày 10-12 và ngày hôm qua, 12-12 lại tiếp tục một vụ nữa tại thôn Hoàng Sơn, xã Hoàng Quế, TX Đông Triều. Các diện tích cháy rừng tuy không nhiều, chỉ từ 1 đến 2ha và về cơ bản đều được khống chế nhưng cũng đã khiến các lực lượng từ kiểm lâm đến Công an PCCC và các đơn vị phối hợp phải huy động nhiều vật lực, công sức. Như vụ cháy ở tiểu khu 102, để dập tắt hoàn toàn thì lực lượng Công an PCCC và các đơn vị ngành Than đã huy động tới 10 xe cứu hoả. Được biết, vị trí cháy là rừng ngoài quy hoạch nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các yếu tố liên quan đến công tác phòng chống cháy rừng bị “buông xuôi”. Đáng chú ý, cả 2 vụ cháy nói trên đều có mồi lửa xuất phát từ đám cỏ thực bì phía chân rừng, sau khi gặp gió đã “liếm” rừng nhanh chóng. Đặc biệt, tại khu vực tiểu khu 102, trước đó, vào ngày 6-12 cũng đã bị cháy 2ha rừng sản xuất. Hiện cơ quan chức năng đang tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân của 3 vụ cháy rừng nói trên.
Trong Công văn mà UBND tỉnh vừa ban hành mới đây (số 7207/UBND-NC, ngày 8-11) về việc triển khai thực hiện Công điện số 1926/CĐ-TTg ngày 2-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng cháy, chữa cháy đã nêu rất rõ: Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, bước vào mùa hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ số vụ cháy, nổ có chiều hướng gia tăng. Trước đó, cuối tháng 10-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy trong mùa hanh khô 2016-2017. Theo đó, các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp phải xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày, chú trọng phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, điều chúng tôi trăn trở ở đây chính là ý thức về phòng, chống cháy rừng của mỗi người dân. Chúng ta đều biết, chỉ cần một động tác sơ sểnh nhỏ tưởng chừng như vô ý của một cá nhân như vất một que diêm đang cháy hay vẩy một tàn thuốc ở chỗ dễ dàng bắt lửa như đám cỏ khô, lá khô thì hậu quả ra sao hẳn ai cũng đoán định được. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền trong nhân dân vẫn cần phải được đẩy mạnh và thường xuyên dưới nhiều hình thức mà trong đó cấp uỷ, chính quyền cơ sở cùng các lực lượng chức năng phải là nòng cốt để triển khai. Chúng ta đã thực hiện hiệu quả việc ký cam kết không đốt pháo nổ hay giữ gìn vệ sinh môi trường ở đường làng, ngõ phố vậy cam kết phòng, chống cháy rừng có thực hiện được không khi người dân là chủ thể chính. Điều này chắc chắn không khó.
Ngọc Lê[links()]