21
3
Xã hội/
/xa-hoi
3234530
1387954
Văn hoá đô thị: Lại chuyện quản lý vỉa hè
van-hoa-do-thi-lai-chuyen-quan-ly-via-he
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Văn hoá đô thị: Lại chuyện quản lý vỉa hè

Việc quản lý, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải. Không gian này đứng trước yêu cầu quản lý phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu sinh hoạt, vấn đề sinh kế và cả vấn đề nếp sống, văn minh đô thị.

Việc quản lý, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải. Không gian này đứng trước yêu cầu quản lý phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu sinh hoạt, vấn đề sinh kế và cả vấn đề nếp sống, văn minh đô thị.

Câu chuyện vỉa hè ở đô thị

Ở TP Hạ Long cũng như các đô thị lớn, nhộn nhịp, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, bán hàng, đậu đỗ xe... đã trở thành “chuyện thường ngày”. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường công khai cả ngày lẫn đêm. Nhiều nơi người đi bộ không còn không gian vỉa hè, phải đi dưới lòng đường.

faf
Tình trạng lấn chiếm vẻ hè làm nơi kinh doanh diễn ra phổ biến ở các tuyến phố trung tâm TP Hạ Long.

Dạo qua các phố phường trung tâm của TP Hạ Long như: Trần Hưng Đạo, Bãi Cháy, Bạch Đằng, Hồng Gai… dễ thấy vỉa hè lòng đường bị lấn chiếm phổ biến. Nhiều đoạn lòng đường, vỉa hè vốn rộng, đủ hai làn xe tránh nhau nhưng nay hẹp hẳn lại, trở thành đường… một làn, một chiều. Ở các tuyến phố trung tâm như phố Giếng Đồn (phường Trần Hưng Đạo), Anh Đào (phường Bãi Cháy), Cảng Mới (phường Bạch Đằng)…, nơi có nhiều du khách qua lại, dễ thấy vỉa hè đã hẹp, các cửa hàng lại dùng không gian đó để đồ, bàn ghế và đỗ xe, phần dành cho người đi bộ đã bị choán hết.

Chị Nguyễn Thị Trinh (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) bày tỏ: “Cần có vạch kẻ để phân rõ ranh giới vỉa hè để dành không gian cho người đi bộ. Tôi thường xuyên đưa cháu đi bộ đến trường. Tình trạng sử dụng vỉa hè trái phép như hiện tại khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm”.

Ra quân xử lý, vì sao vẫn tái diễn?

Có thể thấy, lấn chiếm vỉa hè là thực trạng chung đối với các đô thị lớn ở Việt Nam, không riêng gì Quảng Ninh. Trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường, các địa phương cũng có nhiều biện pháp xử lý, thường xuyên ra quân nhắc nhở. Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch UBND phường Hồng Gai, cho biết: Phường cũng thường xuyên ra quân xử lý, nhắc nhở. Lỗi vi phạm nặng có thể phạt tới 2,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu viết cam kết.

Tương tự, việc dẹp loạn vỉa hè lòng đường ở các phường cũng không hề đơn giản. Ông Triệu Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Cao Xanh, chia sẻ: Quản lý đô thị, dẹp lấn chiếm vỉa hè lòng đường để triệt để cũng khá gian nan. Các hộ lấn chiếm, kinh doanh khi được nhắc nhở, ra quân xử lý thì bê vào, khi lực lượng chức năng đi, họ lại mang ra.

faf
Phố Anh Đào (cạnh chợ Vườn Đào, phường Bãi Cháy) thường xuyên chật cứng phương tiện đỗ chiếm vỉa hè lòng đường.

Trên thực tế, TP Hạ Long cũng liên tục thực hiện các đợt cao điểm, chiến dịch ra quân dẹp vỉa hè, lòng đường nhưng một thời gian sau “đâu lại vào đó”. Có thể thấy một phần nguyên nhân là tình trạng bán hàng rong, hay lấn chiếm vỉa hè có thể di động đi khắp nơi hoặc bán ngoài giờ hành chính, kiểm soát của chính quyền. Nhiều khi hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường nằm trên địa bàn giáp ranh, phường ra quân, phường không, xử lý nơi này, họ chạy sang địa bàn khác. Hơn nữa do tập quán mua bán, thói quen tranh thủ, tiện... vì thế các hàng quán vỉa hè, hàng rong bán ở lòng đường… vẫn có đất sống.

Bao giờ vỉa hè được quản lý quy củ?

Trên thực tế, vỉa hè ở các đô thị lâu nay là nơi buôn bán mưu sinh của rất nhiều người. Có thể là chủ nhà mà cũng có thể là người nơi khác đến thuê để mưu sinh. Vì thế, từ lâu đã hình thành cái gọi là “thương mại vỉa hè”, “văn hóa vỉa hè”. Muốn dẹp cũng không hề đơn giản.

Nhiều chuyên gia cho rằng phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng vỉa hè, tính toán ra sao về khoảng cách lề đường, mặt phố được sử dụng tới đâu, đâu là không gian không thể xâm phạm dành cho người đi bộ, đảm bảo trật tự, mỹ quan đường phố…

Được biết, gần đây quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã cho thí điểm kinh doanh vỉa hè trên 5 tuyến phố. Phường cho kẻ vạch trên vỉa hè, phân tuyến rõ ràng. Theo đó, xe được đỗ thẳng tắp, tránh được sự tranh chấp giữa những người đi bộ và điểm dừng đỗ xe. Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này phù hợp với kinh tế thị trường, quan tâm sinh kế cho người nghèo, qua đó góp phần quản lý, khai thác tốt vỉa hè và tạo sự công bằng.

Để thực sự giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc kiên trì kiểm tra, kiểm soát, quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền phường, xã, thì những giải pháp trên cũng góp phần nâng cao ý thức và lâu bền là phải tạo sinh kế mới cho người dân để họ tự nguyện “trả lại vỉa hè” về với đúng nghĩa là không gian công cộng trong lòng đô thị. Bao giờ vỉa hè, lòng đường thông thoáng? Sẽ rất khó để giải quyết vấn đề này nếu không có một giải pháp tổng thể và đồng bộ. 

Cùng chuyên mục