Những năm 1955-1975, quân và dân Vùng mỏ Quảng Ninh đã vừa khôi phục sản xuất “làm thật nhiều than cho Tổ quốc”, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Văn chương Quảng Ninh đã nhập cuộc và bám sát thời cuộc ngay từ khi tiếp quản Vùng mỏ.
Những thế hệ cầm bút Quảng Ninh hầu hết đều xuất thân từ công nhân ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều… Họ là những người viết tiếp “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm cho một chương khác. Nhiều người đánh giá, Quảng Ninh là mảnh đất rộng lớn không chỉ sản sinh ra nhiều tài năng văn học nghệ thuật, mà còn là nơi có cơ hội ngay từ những ngày đầu khi thu hút được lực lượng sáng tác đông đảo. Nhất là từ năm 1954 trở đi, các thể loại văn học có tầm bao quát lớn với đề tài vẫn là tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký. Lực lượng viết văn xuôi vì thế cũng đông đảo, có thể kể ra những cái tên như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Nguyễn Sơn Hà, Lý Biên Cương, Tạ Kim Hùng, Nam Ninh, Yên Đức, Nguyễn Đức Huệ… Họ thuộc đội ngũ những người viết văn về đề tài người thợ mỏ và công nghiệp khai thác than từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Khi “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm bước lên văn đàn (1952) thì nhân vật công nhân mỏ mới trở thành trung tâm. Và khi bước vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước thì văn học công nhân mới nở rộ, hàng loạt nhà văn mới xuất hiện như: Xuân Cang với “Suối gang” và “Lên cao”, Nguyễn Dậu với “Ánh đèn lò” và “Mở hầm” (1959), Nguyễn Sơn Hà với “Gió tươi”…

Trong những năm đế quốc Mỹ bắn phá Quảng Ninh, các nhà văn đã bám sát các trận đánh. Các sáng tác thuộc nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả là truyện ngắn. Những cây bút một thời sung sức đã góp công rất lớn phác họa nên chân dung văn học Quảng Ninh.
Viết một cách lãng mạn và tài hoa là Lý Biên Cương với “Đêm ấy vùng than ai thức”, “Khoảng không của đất”. Có thể nói suốt cuộc đời, nhà văn Lý Biên Cương gắn bó với Vùng mỏ và những người thợ mỏ. Hoàng Văn Lương thuộc lớp lứa ngay sau Võ Huy Tâm. Những trang viết của ông được bạn đọc yêu thích vì nó chân thật, được rút ra từ gan ruột ông như: “Trong buồng lái chật hẹp của tôi” và “Người đồng nghiệp”.
Tô Ngọc Hiến từng là thợ mỏ đích thực đam mê tận cùng với văn chương. Tô Ngọc Hiến sáng tạo hết mình đã để lại những tác phẩm giá trị về Vùng mỏ về người thợ mỏ như “Người kiểm tu” (1974), “Mùa than trôi”, “Hãy cho tôi sống lại"…. Tô Ngọc Hiến đi sâu vào mảng truyện ngắn viết về người thợ mỏ, cụ thể là thợ cơ khí, lái xe vận chuyển than đất trên tầng. Ông viết về người thợ mỏ với tất cả tấm lòng thủy chung và tha thiết.
Một cây bút tài hoa là Nam Ninh. Ông viết truyện ngắn đầu tiên “Con cá măng” khi còn là anh thợ dựng cột, kéo dây ở Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Đáng chú ý là truyện “Trăng thu” (1971), tập truyện “Khoảng trống đêm tất niên”. Truyện “Chúng tôi đi vào nhà máy” của Nam Ninh làm bật lên cái không khí lao động sản xuất và chiến đấu hối hả ở Vùng mỏ, cụ thể là ở Nhà máy Điện Uông Bí.
Một nhà văn khác dù đã chia tay Quảng Ninh về Hà Nội công tác, nhưng Vùng mỏ vẫn là nỗi nhớ trải lên trang viết, đó là Nguyễn Thị Ngọc Tú. Đọc Nguyễn Thị Ngọc Tú, độc giả nhận ra cái không khí lao động sản xuất chiến đấu đang hừng hực ở Vùng mỏ lúc bấy giờ. Những tác phẩm khi làm báo “Vùng Mỏ” đều được bà viết ở Khe Hùm - bây giờ thuộc phường Hà Phong, thành phố Hạ Long như “Huệ” (Tiểu thuyết 1964), “Người hậu phương” (Tập truyện 1966).
Một thể loại văn học mang tính xung kích, có sức chiến đấu cao, đầy ắp tính thời sự luôn được đăng trên báo “Vùng Mỏ” (nay là Báo Quảng Ninh) giai đoạn 1965-1968 là thể ký. 13 tác giả hội tụ trong tập “Ký Quảng Ninh 1964-1974” đã tái hiện lại một thời hào hùng của văn chương Quảng Ninh bám sát và phản ánh sinh động cuộc sống sản xuất và phục vụ chiến đấu ở Vùng mỏ. Lý Biên Cương với “Khúc hát ngày qua”, Tô Ngọc Hiến với “Tiếng nói một nhà máy”, Lê Hường với “Đường lửa”, Tạ Kim Hùng với “Một chuyến đi xa”, Võ Khắc Nghiêm với “Chi đội trưởng ra khơi”… Tập “Ký Quảng Ninh 1964-1974” trở thành một cuốn tư liệu quý giá nếu như ai có muốn tìm hiểu về Quảng Ninh những năm tháng phải “vừa tay súng, vừa tay búa”. Các tác phẩm bút ký ấy chứa đựng những thông điệp về người dân Quảng Ninh trên công trường, xưởng máy, sản xuất vì miền Nam ruột thịt và trực tiếp tham gia tự vệ mỏ trong những sự kiện nóng hổi nhất của thời cuộc. Những thợ mỏ trở thành chỉ huy đại đội tự vệ, đại đội pháo cao xạ với khí chất hiên ngang anh hùng, quả cảm giữa thời chiến tranh ác liệt. Bên cạnh những giá trị tuyên truyền, cổ vũ, các tác phẩm văn chương Quảng Ninh còn mang ý nghĩa là những tư liệu thông tin quý để các thế hệ sau này có thể hiểu thêm, yêu hơn nữa, tự hào hơn nữa về đất và người Quảng Ninh.
Trong tuyển tập thơ “Thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), dày 1.624 trang, tập hợp hàng trăm tác giả, Quảng Ninh có 12 nhà thơ góp mặt là Long Chiểu, Phạm Doanh, Trí Dũng, Yên Đức, Sỹ Hồng, Lê Hường, Trần Nhuận Minh, Thuỷ Nguyên, Triệu Nguyễn, Mai Phương, Thi Sảnh và Đào Ngọc Vĩnh. Đây là những nhà thơ tiêu biểu nhất đại diện cho thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, cùng xây nên một diện mạo thơ Vùng mỏ.
Vùng đất, khí chất con người Quảng Ninh đã hun đúc nên một thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Họ xuất hiện cùng nhau, cùng xây nên một diện mạo thơ riêng biệt cho thơ vùng Đông Bắc. Họ lăn lộn với cuộc sống, nhúng tay chạm vào bỏng rát thực tế, chạm vào cả nỗi đau xót, nhiều khi là tuyệt vọng và hoang mang của lứa tuổi hai mươi. Nó cho người đọc cái nhìn toàn cảnh để từ đó có thể soi vào đặc điểm riêng biệt của thơ ca chống Mỹ ở Quảng Ninh. Thơ ca Quảng Ninh thời kỳ này có cái nhìn hậu chiến ít nhiều không giống các vùng miền khác. Cảnh vật trong các bài thơ thường đẹp, nhuốm u uẩn, sự tàn phá chỉ là nét tô điểm thêm. Tất cả cảnh vật, con người, tâm trạng đều bảng lảng, mơ hồ hoà quyện lấy nhau. Chính sự mờ nhạt, không chú tâm vào bất cứ điều gì đã làm nên khác biệt. Đặc điểm này hiện lên rõ nhất trong tác phẩm của Lê Hường, Long Chiểu, Mai Phương, Triệu Nguyễn, Đào Ngọc Vĩnh, Thuỷ Nguyên...
Điều khác biệt quan trọng nữa cần phải nhắc đến là suy tư về “cái tôi tỉnh thức” trước hiện thực cuộc sống. Không đơn giản chỉ là những câu hỏi trước thời cuộc, mà các tác giả thơ đều cố tìm ra cho mình câu trả lời hoặc vạch ra con đường dẫn đến câu trả lời. Ba đại diện mang rõ đặc điểm này là Trần Nhuận Minh, Thi Sảnh và Thái Giang. Nhất là Trần Nhuận Minh, người đã không ngừng suy tư về cái tôi trước tình yêu, trước thời gian, trước lịch sử biến cố đã qua, trước cuộc đời. Có thể nói đặc điểm suy tư là một đặc điểm riêng nổi bật của tác giả thơ này, được hình thành, phát triển trong kháng chiến chống Mỹ. Qua đến thời bình, sự suy tư vẫn nguyên đó nhưng cộng thêm với nó là các nỗ lực cách tân, ráo riết làm mới đến tận cùng...

Với nhiều điểm riêng biệt, cùng số lượng tác giả, chất lượng thơ, thơ ca chống Mỹ ở Quảng Ninh hoàn toàn có thể đứng riêng biệt, sánh ngang với bất cứ vùng đất thi ca nào. Giai đoạn này, các nhà thơ Quảng Ninh sáng tác nhiều, sung sức nhưng thơ rải rác chưa gom vào thành tập. Sau này họ mới chọn lựa, sửa sang để gom in vào tập thơ riêng của mình. Trần Nhuận Minh xuất bản “Đấy là tình yêu” (1971), Phạm Doanh với “Xứ đầu tiên” (1974), Triệu Nguyễn với “Chuyện dự hương” (1970)… Tiêu biểu nhất có lẽ là Long Chiểu. Cả đời chỉ in duy nhất một tập thơ nhưng nhắc đến nhà thơ Long Chiểu bạn yêu văn chương Quảng Ninh ai cũng biết. Thơ Long Chiểu trước đây chủ yếu viết trong những năm tháng Vùng mỏ làm than và đánh giặc. Long Chiểu miêu tả Vùng mỏ trong bom đạn ác liệt nhưng vẫn phát hiện ra cái bình thản của con người: “Bát mì có khói bom xô/ Củ khoai đất chói pháo dù đêm đêm/ Đất nuôi lớn bổng đời em/ Vút trong chiều hạ bông sen trắng hồng...”. Dù viết về chiến tranh hay lao động sản xuất, thơ ông đều hừng hực khí thế xung trận và niềm lạc quan ngày mai tươi sáng và cũng không kém phần lãng mạn.
Không thể không kể đến Huy Cận - Trưởng đoàn cùng các Văn nghệ sĩ Trung ương đi thâm nhập thực tế sáng tác ở khu mỏ Hồng Quảng từ những năm 1958-1960. Ông viết ngay trên tầng than hay nhà trọ: “Anh Tài Lạc”, “Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả”, “Bác Phờ Cầu”, “Chuyện anh Phòng đấu tranh”, “Vệt lá trên than”, “Thu về trên Đèo Nai”, “Đoàn thuyền đánh cá”, “Mưa xuân trên biển”… Tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” có 15 bài viết về Vùng mỏ xuất bản cuối năm 1958. Một số bài sáng tác trong dịp đi thực tế Vùng mỏ, Huy Cận in trong tập “Đất nở hoa” (1960). Ông cũng chấm phá cho văn chương Quảng Ninh một nét họa riêng, một lối đi riêng mà vùng thi ca khác không có.
Lịch sử như một dòng sông có khúc thẳng, khúc quanh và ngã rẽ. Văn chương cũng giống người chép sử, chỉ khác ở cách tiếp cận, cách xử lý và dùng phương tiện khác để hoàn thành sứ mệnh. Hai mốt năm đồng hành cùng thời đại, đồng hành với dân tộc, văn chương Quảng Ninh cùng với văn chương Việt Nam đã phụng sự cho công cuộc thống nhất đất nước. Sau 30/4/1975, những người làm nên văn chương Quảng Ninh một thời người còn, người mất nhưng những tác phẩm ấy của họ đã đặt nền móng cho văn học Quảng Ninh đương đại và mãi mãi sau này. Những người kế tục hôm nay sẽ tiếp thu, kế thừa và phát huy những tinh hoa của di sản ấy.