Vãn cảnh chùa cổ 700 năm giữ hơn 3.000 mộc bản quý hiếm ở Bắc Ninh
Chùa Vĩnh Nghiêm là đại danh lam cổ tự hiện lưu giữ hơn 3.000 mộc bản quý hiếm và còn nguyên vẹn của thiền Trúc Lâm.
Laodong.vn
Chùa Vĩnh Nghiêm là đại danh lam cổ tự hiện lưu giữ hơn 3.000 mộc bản quý hiếm và còn nguyên vẹn của thiền Trúc Lâm.
Mới đây, chùa Vĩnh Nghiêm (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự) nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chùa có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.Dân gian có câu: “Vĩnh Nghiêm chùa ở Đức La/Chùa thờ Tam tổ phái là Trúc Lâm”. Chùa được xây dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (thế kỷ X- XI), là trung tâm đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.Chùa Vĩnh Nghiêm hiện lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Các mộc bản chủ yếu được khắc vào thời Lê - Nguyễn (thế kỷ XVIII - XIX). Nguyên liệu để khắc mộc bản là gỗ thị. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu thuộc Ký ức Thế giới khu vực, được UNESCO công nhận từ năm 2012.Mộc bản Sa Di ni giới kinh được trưng bày tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đến nay, đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Phật phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa khắp Việt Nam.Chữ khắc trên mộc bản chủ yếu là chữ Hán cổ và chữ Nôm (số ít khắc xen cài chữ Phạn). Nội dung khắc in trong mộc bản chủ yếu ghi chép các kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, các tác phẩm thơ, phú…Bên cạnh là nơi lưu giữ mộc bản quý hiếm, chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở nơi có vị thế cảnh quan đẹp ở Bắc Ninh. Chùa được thư tịch, tư liệu cổ ghi nhận là một đại danh lam cổ tự đứng đầu trong thiên hạ. Không gian chùa xanh mát, hòa quyện với vẻ cổ kính, tịch mịch.Tòa Tam bảo của chùa thiết kế thành một khối theo bố cục “nội Công, ngoại Quốc”, có chức năng thờ phật. Nét độc đáo của khối kiến trúc này là nền đất nện được bảo lưu gần 1 thế kỷ. Trong giới nhà Phật, nền đất nện có ý nghĩa là một chất liệu tiết nên sự hòa hợp âm dương.Sau tòa Tam bảo là khối kiến trúc Nhà Tổ đệ nhất (Cung tổ, cung Thánh tổ). Nhà Tổ đệ nhất là tòa thờ ba tổ sư khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang.Thuộc tổ hợp chính của chùa Vĩnh Nghiêm ngoài Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất là Tam quan, Gác chuông, Nhà Tổ đệ nhị.Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm còn các công trình Nhà Mẫu; Nhà in Kinh; Hai dãy Hành lang Đông - Tây; Vườn tháp.Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, chùa Vĩnh Nghiêm suốt nhiều thập kỷ qua đã trở thành địa điểm dừng chân lý tưởng của du khách trước khi vượt sông leo núi về với kinh đô của đất thánh Yên Tử.